Hồ Xuân Hương là người nổi tiếng về thơ nôm. Thơ bà là một thứ thơ không chịu ở trong cái khuôn khổ thông thường, một thứ thơ như muốn lặn thật sâu vào sự thật, vào tận đáy sâu thẳm tâm tư của con người. Chính bởi vậy mà thơ của bà ẩn chứa đầy ý vị sâu sắc. Đặc biệt sống dưới chế độ phong kiến xưa, bị coi là đàn bà thấp kém, bị khinh là “phụ nhân rẻ rúng”, với bản lĩnh của mình bà đã phản ứng mạnh mẽ sự bất công, khắc nghiệt của xã hội ấy. Bà đã lấy những vật rất tầm thường như quả mít, bánh trôi, ốc nhồi,….để phản ánh số phận của người phụ nữ. Qua đó nhà thơ muốn cười một cái cười thật nhọn, thật sắc vào xã hội mục nát ấy. Hình ảnh tiêu biểu nhất là bìa thơ “ Bánh trôi nước”:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Mới đọc vào bài thơ ta những tưởng đây là một lời giới thiệu về một món ăn dân gian: món bánh trôi nước, từ hình dáng, cấu tạo và cách chế tạo. Bánh trôi làm bằng bột nếp, nhào với nước cho nhuyễn rồi nặn thành hình tròn nhỏ, nhân làm bằng đường đen, nước sôi thì bỏ vào luộc, khi chín bánh sẽ nổi lên. Người làm bánh khéo tay thì bánh đẹp, nếu vụng tay thì bánh bị nhão hoặc bị rắn.
Nhưng hãy đọc lại và suy ngẫm chúng ta sẽ hiểu được ngụ ý của tác giả, lời bài thơcòn là lời tự bộc bạch tấm lòng của người phụ nữ. Nhà thơ đã mượn hình ảnh bánh trôi nước để nói lên thân phận và tấm lòng của người phụ nữ Hình ảnh bánh trôi là một ẩn dụ:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
“Trắng” và “Tròn”gợi cho ta thấy đó là người con gái đẹp, phúc hậu. Thân trắng ở đây vừa tả tấm thân trắng đẹp vừa nói lên phẩm hạnh của người phụ nữ.
Thế nhưng trong xã hội cũ nát ấy người phụ nữ “hồng nhan” nhưng “bạc mệnh”:
Bảy nổi ba chìm với nước non
“Bảy nổi ba chìm”- đó là sự nổi trôi, lênh đênh của số phận người phụ nữ giữa dòng đời, người phụ nữ ấy có số phận thật đau khổ, chẳng thế mà nhà thơ Nguyễn Du đã từng viết :
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Đó là kiếp khổ chung cho người phụ nữ, người phụ nữ đẹp trong xã hội ấy chỉ là món hàng để những cậu ấm thoả nguyện, cân,đo, đong, đếm. Người phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào người đàn ông:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Dưới chế độ trọng nam khinh nữ ấy, người phụ nữ không có sự lựa chọn, chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng mà phó mặc cho số phận. Chính vì thế mà người phụ nữ trong ca dao cũng cùng chung một cảm nhậm:
– Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
– Em như cây quế giữa rừng
thơm tho ai biết ngát lừng ai hay.
– Thân em như củ ấu gai
Bên trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.
Và cái duy nhất họ có thể làm chủ được là tấm lòng của mình
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Người phụ nữ ấy vấn giữ được tấm lòng thuỷ chung son sắt của mình, mặc cho số phận có đưa đẩy họ như thế nào thì họ vẫn không thay lòng. Đó là một niềm rất đáng tự hào về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.
Cả bài thơ là một nỗi thương cảm cho số phận của người phụ nữ “hồng nhan” nhưng lại “bạc mệnh”, không làm chủ được số phận của mình. Qua đó tác giả muốn được đồng cảm với họ và lên án tố cáo xã hội phong kiên thối rữa, mục nát đã đẩy người phụ nữ xuống bờ vực sâu thẳm của cuộc sống.
Người phụ nữ ngày nay họ được xã hội tôn trọng, là những người năng động ,hoạt bát. Họ giữ một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là trong gia đình. Họ là những người thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa để sưởi ấm trong gia đình. Họ được tự do, bình đẳng, thế nhưng họ vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người phụ nữ, đó chính là lòng thuỷ chung sắt son.