Ca dao dân ca là những hạt ngọc quý của văn học Việt Nam. Trong đó những câu hát than thân chiếm một số lượng khá lớn và tiêu biểu. Và nếu ai thích đọc ca dao thì có lẽ không thể không biết đến bài ca này:
Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.
Bài ca dao trên là lời của người phụ nữ than cho thân phận khốn khổ của mình. Cụm từ “thân em” rất phổ biến trong thơ ca đã diễn tả điều đó. Cụm “trái bần trôi”, “gió dập sóng dồi” gợi cuộc đời bấp bênh chìm nổi của họ. Vì sao người phụ nữ luôn than cho thân phận của họ ư? Tất cả là do những chế độ hà khắc thời phong kiến với người phụ nữ. Những người phụ nữ xưa luôn phải giữ cho mình vẻ đẹp ngoại hình, phẩm chất trong trắng son sắt nhưng lại không bao giờ được làm chủ cuộc đời. Theo chế độ trọng nam khinh nữ, khi ở nhà người phụ nữ phải nhất nhất nghe lời cha. Khi lấy chồng cũng một điều nghe chồng hai điều nghe chồng. Lúc chồng chết cũng chỉ nghe theo con trai trưởng không dám cãi lời. Xã hội phong kiến đã vùi dập, xô đẩy họ. Những người phụ nữ luôn cảm thấy tủi nhục, đau khổ mà cất lên muôn ngàn tiếng than thở. Bài ca dao trên đã phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến đồng thời là lời than thân của những phụ nữ Việt Nam xưa. Nghe bài ca này, chúng ta đồng cảm với họ và nhất là những người phụ nữ bây giờ, hãy cảm thấy hạnh phúc vì được sống trong một xã hội bình đẳng mà luôn tự tin, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.