Có lẽ nếu có cuộc bình chọn loại hoa nào vừa dân dã, gần gũi với đời sống người dân nông thôn đồng bằng Việt Nam vừa toát lên vẻ cao quý, thanh khiết thì hoa sen ắt hẳn giành “vương miện”. Quả thật đồng bằng nước ta từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có hoa sen. Hoa sen được vẽ trang trí trên đồ gia dụng. Hoa sen cũng là mô típ tạo hình cho cả Thiền môn. Đức Phật từ bi toạ trên đoá sen. Chùa Một Cột tiêu biểu cho kiến trúc Việt Nam là hình ảnh cách điệu của đoá sen nổi trên hồ nước. Núi Dục Thuý, một vùng sơn thanh thuỷ tú lừng danh, cũng được thi hào Nguyễn Trãi ví với đoá sen. Những con người tài trí lỗi lạc cũng lấy sen để biểu lộ cho cốt cách tài năng của mình như trường hợp của Mạc Đĩnh Chi trong “Ngọc tỉnh liên phú”. Trong thời đại cách mạng, nhân dân Miền Nam đã tự hào:
“Tháp Mười đẹp nhất hoa sen.
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Thật thú vị, từ thời xa xưa nhân dân Việt Nam đã từng ấp iu bài ca dao nổi tiếng về loài hoa này:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Bài ca dao này, chúng tôi đã được học từ thời “vỡ lòng” và thật bất ngờ nó có một sức sống dai dẳng trong lòng tưởng chừng nhập tâm đến mức không ý thức được sự cần thiết phải cắt nghĩa xem nó hay, nó đẹp ở chỗ nào!
Lời thơ lục bát ở đây tưởng bình lặng tuôn chảy qua bốn dòng thơ, nhiều hình ảnh được lặp lại tưởng chừng rất giản dị, dễ hiểu. Lời kết bài tưởng như cũng được lẩy ra một cách tự nhiên khẳng định cốt cách thanh cao của loài hoa quý nơi đồng nội để qua đó khẳng định phẩm chất thanh cao của người nông dân quanh năm lam lũ nơi “bùn lầy nước đọng”. Nhưng rồi đọc lại, ta vẫn thấy vỡ ra bao điều thú vị.
Hai câu đầu tác giả dân gian sử dụng lối dẫn dắt, giới thiệu rất tự nhiên, chân mộc – Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng- nhưng mang một giá trị tạo hình thật đặc biệt: Khóm sen nổi trội lên giữa đầm nước mùa hạ trong xanh dưới ánh nắng trời. Sắc lá xanh tươi như những chiếc ô xinh xắn nhô lên mặt nước, mát mắt, ưa nhìn. Bông sen mở cánh trắng muốt sáng lên dưới nắng trời, toả hương ngào ngạt từ nhị hoa vàng, Cách miêu tả từ bao quát đến chi tiết bằng những màu sắc tươi tắn hài hoà như vậy quả chứa đựng tình yêu sen nhiều lắm! Tác giả dân gian đã truyền tình yêu ấy qua hàng trăm, hàng nghìn năm nay đến trái tim của hàng triệu người dân Việt. Và người ta có quyền háo hức muốn nghe “hướng dẫn viên” nói gì nữa về vẻ đẹp của sen:
“Nhị vàng, bông trắng, lá xanh”
Thì ra vẫn là các chi tiết cũ. Chính các chi tiết đã biết này khiến ta “mất cảnh giác”, dễ thiếu thận trọng đúng mức trong thưởng thức. Ngẫm ra chữ thứ sáu câu lục thứ ba này không hề hiệp vần với với chữ thứ tám câu bát bên trên. Như vậy bài thơ đã đổi vần đột ngột. Vần trong thơ khác nào hệ thống kinh mạch trong một cơ thể con người. Sự đổi thay đột ngột nào chẳng gây những chấn động . Nhà thơ Huy Cận đã so sánh việc đổi vần này “có khác nào như một dòng nước đang chảy xuôi, ta dựng lên một cái đập, hoặc buộc dòng nước đổi chiều, đổi vần để bắt chúng ta phải chú ý, chỗ dòng nước cuộn lên, buộc ta phải quan sát, phải chứng kiến một sự kiện gì đây…”
Thì ra chỗ nhà thơ dân gian buộc chúng ta phải lưu ý là tuy vẫn nêu lại các chi tiết cũ nhưng đã có sự hoán đổi vị trí của chúng. Câu trên miêu tả theo trình tự từ ngoài vào trong: lá xanh, rồi bông trắng và nhấn mạnh “lại chen nhị vàng”. Dùng nhị vàng trong chức vụ bổ ngữ cho ngữ động từ “lại chen” càng nêu bật tính chất nhỏ nhoi, mong manh của nó. Do sự đăng đối trong cấu tạo, lá xanh, bông trắng, nhị vàng được hiểu như là những ngữ danh từ. Xanh, trắng vàng đóng vai trò định ngữ. Đến câu sau nhị vàng được nêu lên đầu tiên, rồi đến bông trắng và cuối cùng là lá xanh. Cũng do cấu trúc đăng đối nên có thể hiểu vàng, trắng, xanh ở đây đóng vai trò vị ngữ (Nhị thì vàng, bông thì trắng; lá thì xanh) làm tăng tính khẳng định, xác nhận những đặc điểm của sen. Chúng ta hình dung như được tác giả dân gian đang tỉ mỉ “lật từng lá sen xanh, chỉ từng bông sen trắng, đếm từng nhị sen vàng” để củng cố niềm tin của ta vào nhận xét “trong đầm gì đẹp bằng sen” đã được nêu một cách tường minh ở câu thơ mở bài. Ừ, thì hoa sen đẹp thật , đẹp nhất trong đầm rồi!
Nhưng tác giả dân gian đâu nỡ để ta dừng lâu ở cảm nhận hời hợt, bề mặt ấy. Câu cuối đến như một “giọt nước làm đầy cốc nước” nâng hẳn chất của câu ca dao lên. Người nghệ sĩ dân gian đâu chỉ phô diễn nghệ thuật tạo hình và đâu chỉ thuyết phục người ta về tài năng miêu tả mà còn là thuyết phục người ta về triết lí “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Thì ra từ vẻ đẹp của màu sắc, hương thơm của sen người nghệ sĩ bình dân xưa đã khéo léo đưa ra bài học về cách sống, về đạo lí làm người. Bài học đạo lí, lẽ sống ấy lại được rút ra một cách nhẹ nhàng từ thảo mộc quê hương. Nhẹ nhàng, hợp lí, thâm thuý và dễ tiếp nhận biết bao!
Bài ca dao có sự hài hoà máu thịt giữa hình thức nghệ thuật (vần thơ, cách miêu tả, cách sử dụng từ ngữ) với tình cảm, ý tưởng, xứng đáng là một hòn ngọc quý trong kho tàng thơ ca dân gian dân tộc. Lời thơ giản dị, ý tưởng sâu xa thuyết phục người nghe, cả tình cảm lẫn lí trí. Phải chăng bài ca dao này là điểm xuất phát để kiến tạo nên những vần thơ bác học có hình ảnh hoa sen cao khiết, thanh thoát đã nói trên? Nhân dân Nam Bộ tự hào: “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre. Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười” phải chăng cũng xuất phát từ một cội nguồn tương tự.