Khi mới bắt đầu chơi cây, theo những người đi trước, để chọn cây mua tôi cũng xăm xoi bệ, rễ và đặc biệt là tay cành phải đóng đúng chuần chỉ 4 cành một ngọn. Cành dưới phải to hơn cành trên, khoảng cách giữa cành dưới và cành trên phải ngắn dần một cách tỷ lệ. Cành phải nhỏ hơn thân (to nhất là 1/3 thân). Nếu cây nào bị phạm thì bị đánh giá thấp hơn rất nhiều. Cũng chính vì quan niệm máy móc này mà hồi đó chúng tôi đã cắt mất nhiều cành đẹp, già cốc đế vì cam tội to quá. Nhiều cây còn bị cắt ngang thân chỉ giữ lại một đến 2 cành để chế tác lại vì khoảng cách các cành trên không đúng tỷ lệ khoảng cách. Lúc đó chúng tôi không biết rằng mình đang cắt đi những gì mà năm tháng đã tạo ra, phá đi sự nguyên bản của tác phẩm và tệ hơn nữa là sau khi cắt chúng tôi cũng không làm cho chúng đẹp hơn là bao.
Khi chơi lâu hơn, tôi càng có cái nhìn thoáng hơn và mới thấy được cái giá trị của những cây cổ nguyên bản. Nếu trước đây tôi chỉ thích những cây thân đặc và dị ứng với những cây mà thời đó còn gọi là cây rối, thì càng ngày tôi lại càng bị những cây rối mà bây giờ quen gọi là cây dáng làng hút hồn. Những cây dáng làng với thân rễ cột kèo, cành tán xum xuê gợi ta nhớ về những cây đại thụ của quê hương. Nhìn vào đó ta bắt gặp cái âm u sâu thẳm của những cây đại thụ ngoài tự nhiên, ta bắt gặp cái tự nhiên đến độ như thật làm xúc động mỗi khi ta thưởng ngoạn. Khác với những cây độc thân…, cây dáng làng cho ta cái nhìn lâu hết, càng nhìn càng như bị thôi miên cuốn hút. Cây dáng làng, một đặc sản của cây cảnh nghệ thuật Việt Nam, ta hãy chấp nhận, nâng cao lên tầm nghệ thuật để một ngày nào đó thế giới phải ngả mũ, nghiêng mình trước vẻ đẹp hùng vĩ nhưng bí ẩn của cây dáng làng Việt Nam.
Tôi còn nhớ, có lần trò chuyện với một nhà nghiên cứu sinh vật cảnh lâu năm, bác nói: Những gì thuộc niêm luật cổ về cây cảnh ta nên gìn dữ nhưng cũng nên tôn trọng sự sáng tạo, cách tân. Cứ để mọi người thoải mái sáng tạo, qua thời gian, cái gì phù hợp với chuẩn mực thẩm mỹ, đạo đức dân tộc và thời đại sẽ mặc nhiên được đón nhận. Còn những gì ngược lại sẽ tự bị đào thải thông qua quy luật của sự vận động. Có chấp nhận như thế chúng ta mới có thể xây dựng được và khẳng định được bản sắc riêng của nền nghệ thuật sinh vật cảnh Việt.
Cây dáng làng là sản phẩm sáng tạo được đón nhận
CÂY ĐA ĐƯỜNG LÀNG .
Cây đa đầu làng dãi nắng dầm sương .
Mà thân thương một dáng hình bình dị .
Trong im lặng của tháng ngày bền bỉ .
Cho cuộc đời bóng mát thâm u .
Và con đường làng những độ cuối thu .
Thơm vàng óng ngập đầy rơm rạ .
Như hồn quê là ở đây -tất cả .
Cho kẻ ly hương đau đáu nhớ về.
Xin một lần tự sự chút tình quê .
Là cây đa là sân đình ,bến nước .
Ai đi xa trong đường đời xuôi ngược
Chợt thấy nao lòng, bởi hai tiếng QUÊ HƯƠNG .
Và anh ơi ! một thoáng đó thân thương
Hàng gạch cũ trên đường làng thuở nọ
Rêu phong tháng ngày và dấu chân ta đó
Như vết hằn xin gửi lại quê cha