Thành ngữ, tục ngữ là những câu mang tính khái quát nói về đạo lý, kinh nghiệm sống và bài học nhân tình thế thái của người Việt.
Nhiều câu được hình thành, được cấu tứ từ đời sống thực tiễn, đặc biệt là từ những hình ảnh thân thuộc của đời sống lao động và điệu sống bình dân muôn mặt của người Việt. Lá lành đùm lá rách cũng vậy. Có lẽ xuất xứ từ việc gói bánh chăng? Thường thì gói bánh chưng cũng như nhiều loại bánh khác, người Việt dùng lá dong, lá chuối, lá chít… để gói và trong đống lá ấy bao giờ cũng có là lành, lá rách, lá đẹp, lá xấu.
Sống trong hoàn cảnh làm ruộng lại luôn luôn phải nhớ đến lời dặn dò dân dã đã thành thơ: “Được mùa chớ phụ ngô khoai”, ý thức tiết kiệm trở thành bản tính, ngay trong việc gói bánh cũng vậy, người Việt thường tận dụng cả lá lành lẫn lá rách. Khi ta tra gạo, tra đỗ vào thì cái lá rách thường được để lót ở trong, cái lá lành bao bọc bên ngoài. Câu Lá lành đùm lá rách xuất xứ từ một công việc, từ một thao tác gói bánh chăng? Song điều đáng nói là câu thành ngữ đó ứng với hoàn cảnh cụ thể. Đây là một cách nói ẩn dụ quen thuộc, lá lành để chỉ những người chưa lâm nạn, chưa bị cảnh đói ăn rách mặc, cảnh thất cơ lỡ vận giày vò. Còn lá rách được ví như thân phận người đã và đang chịu cảnh bất hạnh đó.
Từ xưa đến nay, cứ mỗi khi người Việt lâm vào cảnh thiên tai lũ lụt, đói rét khốn khổ ở đâu đó thì lập tức câu thành ngữ trên như lời nhắc nhở những người ở ngoài vòng hoạn nạn hãy nhớ đến tình đồng bào máu mủ của mình. Hình ảnh quen thuộc Lá lành đùm lá rách gây một hiệu ứng với mọi người là trong ngữ cảnh cần cứu giúp đồng bào. Từ thành ngữ thuần Việt, đặc biệt là đồng tự “đùm” – “túm” chỉ động tác gói bọc một vật bé mọn gì đó, thường phổ biến ở tình cảnh nghèo nên lại càng trở thành linh động trong tâm cảm người Việt.
Cùng với Một miếng khi đói một gói khi no, câu thành ngữ Lá lành đùm lá rách thường được người Việt dùng đắc ý nhất trong ngữ cảnh nhắc nhở mọi người cưu mang đồng bào đồng loại trong cơn hoạn nạn, cần cứu giúp miếng cơm manh áo khẩn thiết.