Một buổi tối trong tâm trạng chán ngán mọi thứ, chán vì thấy mình thật bất lực và nhỏ bé trước cuộc đời này. Mang chiếc xe đạp cũ kĩ ra, một mình đạp xe lăng quăng lăng quăng đi vô định. Để hít cái khói bụi đường, để nhìn thấy dòng người đang vù vù đi trên đường. Và rồi thấy mình thật cô đơn và nhỏ bé. Bỗng thấy bên lề đường là một dãy những sách là sách được bày trên vỉa hè. Tò mò, dựng xe xuống và ngắm nghía một lúc. Đập vào mắt là “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải là”.
“Vậy ư? Nó rộng lớn thì có sao? Ta phải làm gì đây? Chẳng muốn làm gì cả. Sao chán đến vậy”- Đầu nghĩ vậy nhưng tay vẫn vớ lấy cuốn sách và mở ra đọc vài trang đầu.
Như là một kẻ bằng tuổi cha chú ta đang nói chuyện với mình. Ông ta bảo rất muốn nói chuyện với những người trẻ vì họ có những cái nhìn mới mẻ thẳng thắn. Rồi ông ta nói hồi trẻ ông ta đã nhận được rất nhiều những lời khuyên thông thái từ những người lớn. Lật sang vài trang, thấy ngay cái mục đầu tiên “lịch sử thuộc về những người biết ước mơ”. Vậy là chạm đúng chỗ ngứa rồi. “Lịch sử thuộc về những kẻ hay mơ mộng như mình ư?”- tôi đã nghĩ thế lúc đó.
Chỉ từng ấy chi tiết thôi cũng đã đủ kích thích một cái đầu óc hay mơ mộng của kẻ đang cầm trên tay cuốn sách đó rồi. Tò mò và một khao khát kì lạ. Chẳng ngần ngại hỏi người bán bằng một cái giọng có hơi vấn vương cái tâm trạng chán ngán và một cái dáng vẻ uể oải: “Chú ơi, cuốn này bao nhiêu ạ”. Tôi không nhớ lúc đó mua cuốn sách ấy giá bao nhiêu nữa. Chỉ nhớ hình như là đã mặc cả và mua được rẻ hơn một nửa giá bìa thì phải.
Tôi lướt nhanh về nhà và mở cuốn sách ra gặm nhấm.
Như một lời động viên khích lệ chân thành của một bậc cha chú vậy, những chương đầu cuốn sách làm cho tâm trí của một thanh niên trẻ như tôi cảm giác được thỏa mãn. Toàn những điều mới mẻ và thú vị. Dường như cuốn sách là dành cho tôi vậy. Tôi ngấu nghiến đọc. Tôi như đang thỏa mãn với trí tưởng tượng của mình, tôi bay bổng vào trong tương lai nơi đó tôi là một trong những thủy thủ dũng cảm của con thuyền mang tên Trái đất.
Mặc dù muốn đọc cho xong cuốn sách hết đêm hôm đó, nhưng chỉ mới đọc được vài chương tôi đã thấy mờ tịt mắt vào. Và thiếp đi ngủ lúc nào không biết.
Sáng hôm sau dậy khá muộn.
Tôi đọc xong cuốn sách vào ngày hôm sau nữa. Có lẽ vì đây là cuốn sách “toàn chữ” thứ bốn hay năm gì đó trong “những bước đầu tập tành đọc sách” của tôi ngoài mấy cuốn truyện ngắn và tiểu thuyết. Có lẽ tôi phải cảm ơn cuốn sách này nhiều lắm. Nó như kẻ dẫn đường vô tình để tôi lạc vào thế giới sách mới mẻ này. Thế giới mà tôi thỏa mãn với trí tượng tưởng của mình, thế giới mà tôi học được thêm những điều mới, trải nghiệm được thêm những điều mới.
Trở lại với cuốn sách.
Tôi đọc lại đã ba lần và mỗi lần là mỗi cảm xúc khác nhau. Với một cách nhìn mới, nhưng đều cảm thấy thực sự thích thú. Và tôi cũng không nhớ rõ từng chương sách một. Tôi chỉ nhớ về cuốn sách, như một cái xã hội thật đẹp.
Nơi đó, những người lớn tuổi và những người trẻ tuổi đang trò chuyện thân mật với nhau. Kẻ lớn tuổi thì truyền lại kinh nghiệm cho người trẻ, Người trẻ thì thể hiện những nét mới mẻ độc đáo và riêng biệt.
Nơi đó, nơi mà những kẻ trẻ tuổi ngông cuồng đang cố gắng hết sức để tạo ra những giá trị mới cho xã hội.
Nơi đó, nơi mà tuổi trẻ không sợ gian khó họ vượt qua tất cả khó khăn để vươn lên phía trước
Nơi đó, tôi nhớ như in cái hình ảnh tưởng tượng trong đầu mình về một cậu thanh niên bước ra khỏi thư viện lúc nửa đêm rồi ngước lên nhìn bầu trời với cái ý nghĩ làm chủ cả vũ trụ này. Và cậu ấy đã góp phần tạo nên một “sự phát triển thần kì” trong nền kinh tế ở đất nước nơi cậu thanh niên ấy đang sống.
Nơi đó, nơi mà bài học về thế giới loài nhện đã làm tôi cảm thấy biết ơn về những người đi trước đã xây dựng cho tôi một xã hội nơi mà tôi đang sống yên bình bây giờ.
Nơi đó, nơi mà một kẻ làm việc không biết mệt mỏi đã trở thành hình tượng mà tôi khâm phục.
Nơi đó, còn muôn vàn những điều thật đẹp về tình người trong xã hội vậy
…
Sẽ thành nhạt nhẽo và vô vị nếu ta ca ngợi nó quá nhiều lời.
Sau này khi đọc thêm được một số ít những cuốn sách khác, tôi cũng thấy được một số ít những điểm hạn chế trong quan điểm của nó. Ví dụ như, tôi tin rằng một cách làm việc khôn ngoan và hiệu quả là tốt hơn rất nhiều cách làm việc cần cù mà lại không hiệu quả. Nhưng nếu kết hợp được cả hai thì thật là tuyệt.
Mỗi khi nhắc về cuốn sách đó, tôi có một cảm giác khó tả. Có hơi dằn vặt về cái tính lười nhác vẫn chưa sửa được hẳn, về cái sự thiếu kiên trì, về một con người chưa bền bỉ trong mọi công việc , mục đích của mình. Cũng có những luồng tư tưởng thông thoáng cũ chợt đến.
Mỗi là đọc là một lần làm mới lại đầu óc. Nó đem đến nhiều xúc cảm tốt cho tôi.
Tôi cũng mong muốn có một xã hội ngày một tốt đẹp lên như cái ông tác giả đó viết.
Nếu ai đó mang những điều tai tiếng về tác giả rồi phủ nhận giá trị tác phẩm của ông, thì chắc chắn trong những người phản bác lại ý kiến đó sẽ có tôi. Tôi nói về một cuốn sách với những giá trị tốt đẹp. Tôi không thích việc đánh đồng giữa nhiều thứ. Một phần nào đó nó cũng giống như một người phạm tội. Ta không thể phủ nhận những điều tốt mà người đó đã làm chỉ bởi họ mắc một lỗi lầm. Có lẽ tôi lại nói hơi nhiều chuyện ngoài lề rồi.
Tôi chẳng phải nhà phê bình sách ốc gì, tôi đọc sách như mọi người khác. Và tôi có cảm nhận riêng về mỗi cuốn sách. Tôi chân thành với những cảm nhận đó. Vì thế những cảm nhận của tôi không thể có những góc sắc cạnh trong phân tích này nọ. Tôi luôn mong mọi cuốn sách có giá trị đều nên đọc dễ hiểu để tất cả mọi người đều có thể đọc được và hiểu được. Và ở tác phẩm này tôi thấy điều đó.
Nếu để nói về cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” với một người chưa đọc, tôi sẽ nói : “Cuốn này được lắm đó, bạn nên đọc nó đi.”