Từ xưa đến nay, đạo đức vẫn là một phạm trù xã hội luôn được bàn bạc, nhắc đến nhiều.
Do bản chất là những quy tắc, quy ước được mọi người ngầm công nhận, lại không nằm trên một thước đo duy nhất như pháp luật nên rất khó để xác định một chuẩn mực đạo đức chung cho tất cả mọi người. Vì thế, đạo đức trong quan niệm của mỗi người mỗi khác. Phật giáo – một tôn giáo có lịch sử ra đời sớm – cũng đã đề cập đến phạm trù này một cách rất nghiêm túc.
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật đã đưa vấn đề dối trá vào giới cấm. Nói dối là bao gồm cả việc thêm bớt vấn đề, nói sai, nói không đúng sự thật nhằm đánh lừa người khác, phương hại người khác, vụ lợi cá nhân. Không chỉ vậy, nếu ta nghe lời nói dối, thấy hành động sai mà ủng hộ, hoặc cho rằng bình thường thì ta cũng phạm phải giới cấm ấy. Bởi vì, một lời nói dối có thể giết chết một con người, có thể vùi lấp những mầm sống, đập tan những ước mơ, đốt cháy mọi thứ “tài sản”.
Nếu việc mình dối trá, thiếu trung thực làm người khác phải khổ đau, phiền não thì thân ta đã gieo một điều ác. Nếu ta cố tình dối lừa, gạt gẫm người khác để mưu cầu lợi ích cho riêng mình, hoặc nói lời thâm độc, gây chia rẽ, hận thù thì cái Nhân ta gieo càng cay đắng. Trong những trường hợp đó, nói dối xuất phát từ lòng ích kỷ, tham lam, độc ác. Vậy thì, cái tham, sân, si đang trỗi dậy trong con người chúng ta, lấn át cái gọi là Chân, Thiện, Mỹ. Và đó cũng là cơ hội để cuốn con người ta vào vòng sanh tử trong thân – khẩu – ý.
Không ít người có quan niệm rằng, gian dối ở một mức độ nào đó vừa có lợi cho mình, vừa không làm ảnh hưởng tới người khác thì không sao. Nhưng thực tế, khi dối trá như vậy, người khác sẽ đánh giá thấp phẩm chất của con người mình. Rồi bạn bè, người thân sẽ xa lánh dần, hoặc không còn tin tưởng ở ta nữa. Một điều bất tín, vạn điều bất tin là như thế. Đó cũng là quả báo ngay trước mắt chúng ta.
Khi làm điều dối trá, nói lời gian dối, ta có cảm thấy an tâm? Khi thấy việc dối gian mà ta không khuyên can, ta có cảm thấy thoải mái? Cuộc sống này sẽ ra sao khi người ta sống không thật lòng với nhau, chỉ biết lợi dụng nhau? Cuộc sống này sẽ ra sao khi suốt ngày ta luôn lo lắng đề phòng người khác? Và cuối cùng, cũng chỉ khép lại ở bốn chữ thù hận, phiền não!
Tầm trong sạch, lương thiện sẽ là căn nguyên cho lời nói tốt. Lời hay, ý đẹp sẽ là cái gốc cho hành động đúng. Nghĩ điều xấu sẽ nói lời gian dối, nói lời gian dối sẽ làm việc sai trái. Hai con đường ấy luôn tồn tại song song. Nếu có niềm tin Nhân quả, có ý chí kiên định thì chắc chắn rằng, mỗi người Phật tử sẽ bước theo ánh sáng của con đường chính đạo, không bao giờ sa ngã vào hai chữ dối gian.
Không dối trá tức là để nuôi dưỡng tâm Từ Bi. Dối trá suy cho cùng cũng chỉ để lợi mình, hại người. Nếu chúng ta không suy nghĩ điều xấu, không làm điều ác, tâm ta sẽ được thanh thản. Tâm thanh tịnh, sáng trong rồi sẽ giúp ta quan tâm, yêu thương muôn loài nhiều hơn, ta sẽ không bao giờ làm việc gì gây hại tới chúng sanh. Tam độc (tham-sân-si) sẽ không có cơ hội vây bủa tâm sáng (Phật tánh) trong ta.
Sao không mang trí tuệ và tình thương để xóa tan thói dối trá trong tâm hồn mình? Đừng để tham, sân, si lấn át bản chất lương thiện trong mỗi con người chúng ta. Hãy luôn sống thật với chính mình, thật với mọi người để cuộc sống này chẳng còn thù hận, chẳng còn lo âu. Và mỗi buổi sáng thức dậy, lòng ta luôn thấy an vui vì ngày hôm qua ta không làm điều gì gian dối!