Với phương pháp rút gọn về ngữ pháp và từ vựng, “ngôn ngữ chat” đã đáp ứng nhu cầu về tốc độ nhắn tin trên điện thoại di động hay giao tiếp trên mạng của người sử dụng.
Tuy nhiên, sự biến tướng của “ngôn ngữ chat” đã làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt và ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, nhân cách của thanh thiếu niên.
Lạ hóa tiếng Việt hay dị hóa tiếng Việt?
“2! hoc han nan ne wa co ui. hom wa kon lai bi me la. kon k bit lam ji de het bun day”, (tạm dịch là: Chào cô. Học hành nặng nề quá cô ơi. Hôm qua con lại bị mẹ la. Không biết làm gì để hết buồn đây). Khi nhận được tin nhắn của cô cháu tuổi mười lăm, ban đầu tôi cứ ngỡ đó là tiếng Anh. Đến khi hỏi con gái, tôi mới biết được đó là… “ngôn ngữ chát”.
Theo con gái vào mạng internet, tôi thật sự rối mắt với một thứ ngôn ngữ không có trong từ điển của bất cứ tiếng nước nào. Sự sáng tạo theo cách viết ở đây quả là có một không hai. Chữ nghĩa đã được đơn giản hóa đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt và theo… quy luật tuổi teen.
Chẳng hạn “2” có nghĩa là “xin chào”, “yêu” thì được viết thành “iu”, “buồn” hay “muốn” đều được bỏ chữ “ô”, những chữ “nh” thì giản lược bớt một chữ “h”. Việc chấm, phẩy hay viết hoa đầu câu đều trở nên không cần thiết…
Dù để nói nhanh, viết gọn hay vì lý do nào đi nữa thì mục đích cuối cùng của giao tiếp là để người khác hiểu được thông tin mà mình muốn truyền đạt. Thế nhưng với “thế giới teen”, ngoài đạt tốc độ nhanh, từ ngữ nào càng lạ, càng khó dịch nghĩa thì các em càng ưa chuộng, mặc cho người đọc, người nghe phải đoán già, đoán non và việc nói một đằng, hiểu một nẻo là thường xuyên xảy ra.
Chính vì những suy nghĩ nông nổi như thế mà các em đã làm cho tiếng Việt bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Các em sử dụng tiếng Việt một cách bừa bãi, cẩu thả và không đúng nghĩa trong sáng của nó. Một số em còn thấy mình “lạc hậu” nếu không dùng theo lối “chat” của bạn bè. Và cứ thế, hiện tượng sử dụng tiếng Việt theo kiểu “ngôn ngữ chat” đã lan ra khắp giới trẻ và trong cộng đồng dân cư mạng như một mốt thời trang mới.
Em Nguyễn Kiều Nga, học sinh trường THCS Trần Phú (Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết: “Ban đầu, cháu cũng không thích dùng “ngôn ngữ chat”. Khi nhắn tin cho các bạn, cháu dùng cách viết bình thường, đúng chính tả thì bị các bạn cho là “quê”, có bạn còn không trả lời. Cháu nghĩ chỉ viết tin nhắn chơi thôi nên cháu cũng sử dụng “ngôn ngữ chát” cho giống các bạn.
Riết rồi quen, bây giờ cháu không nhắn tin theo cách viết trước đây nữa”. Còn với em Nguyễn Sơn Tùng, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh thì lý do em sử dụng “ngôn ngữ chát” chính là để thử trí thông minh của mình khi đọc tin nhắn của bạn và cũng thử xem bạn có thông minh như mình không (!?).
Cần biết nói không với “ngôn ngữ chat”
Để “ngôn ngữ chat” không bị lạm dụng, cần phải có sự khoanh vùng “ngôn ngữ chát”. Nhà trường cần nghiêm cấm việc sử dụng “ngôn ngữ chát” trong các bài viết. Các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là báo mạng phải đi đầu trong việc sử dụng từ ngữ một cách thành thật, trong sáng và đúng chuẩn, nhất là khi đăng (post) ý kiến của độc giả. Những nơi công cộng cần quy định nghiêm cấm việc sử dụng “ngôn ngữ chát”, tiếng lóng hay những từ ngữ tục tĩu. Và cũng rất cần thiết để thực hiện cuộc vận động Nói không với “ngôn ngữ chát”.
Hệ lụy của “ngôn ngữ chát”
Không chỉ dừng ở việc chát, ngôn ngữ kiểu xì – tin này đã đi vào cả bài vở và giao tiếp hàng ngày của học sinh. Cô Trần Thị Hồng Cẩm – giáo viên dạy văn Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết, có em còn đưa ngôn ngữ chat vào bài tập làm văn. Cô còn tâm sự, những từ ngữ lấp lánh, những câu văn hay bây giờ trở nên hiếm hoi trong học đường… Còn chị Phạm Ngọc Hoa (phường Thạch Thang, TP. Đà Nẵng) thì kể rằng chị phải thường xuyên nghe và chấn chỉnh cách phát âm sai của con theo kiểu “mẹ ui”, “trùi ui”, “bít rùi”…
Việc sử dụng “ngôn ngữ chát” thường xuyên sẽ làm các em không ý thức được trách nhiệm giữ gìn, phát triển ngôn ngữ dân tộc, quên đi bài giảng về sự trong sáng của tiếng Việt mà thầy cô đã dày công dạy bảo. Nếu cứ theo đà này thì thật khó để tìm những ngôn từ đẹp, lời văn hay trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Và lo ngại hơn là cách viết, cách suy nghĩ như thế sẽ hình thành thói quen lười tư duy, thiếu kiên trì, nhẫn nại trong công việc, ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách của các em sau này.
Tác hại dễ thấy nhất đó là những câu trả lời cộc lốc, vô cảm như “biết chết liền”, “hên xui”, “bó tay”… đã trở nên phổ biến. Chất lượng học môn văn trong nhà trường còn thấp. Nhiều em nộp hồ sơ xin việc với lá đơn đầy lỗi chính tả và còn không ít cán bộ trẻ không biết soạn thảo văn bản…
Gia đình là yếu tố quan trọng nhất tác động đến các em, từ suy nghĩ, lời nói đến hành vi. Cha mẹ là người dạy các em ngay từ tiếng nói đầu tiên và văn hóa giao tiếp ở các em chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Chính vì vậy, cha mẹ phải làm gương và thường xuyên giáo dục con cái về sự chuẩn mực của ngôn ngữ, từ giao tiếp trong gia đình đến ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, nhà trường là nơi để các em rèn luyện về ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng, đúng nghĩa, đúng chuẩn và kể cả đúng chính tả. Đó cũng chính là góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí và nghị lực của các em để hướng tới những mục tiêu cao đẹp.