Mở bài:
Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Vì thế từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, ngữ nghĩa mà trong vốn tiếng Việt trước đấy còn thiếu vắng. Cùng với mặt tích cực ấy, mặt tiêu cực cũng biểu hiện với không ít các cách nói, cách viết “khác lạ” trong giới trẻ làm mất đi hoàn toàn bản sắc vốn có của tiếng Việt.
Thân bài:
* Giải thích: Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo một mặt truyền đạt và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên xã hội. Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, hình thành nhân cách và biến đổi theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản chiếu thụ động đời sống xung quanh mà còn can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó, đặt vào nó nhãn quan thế giới, chỉnh sửa, làm biến đổi nhân cách một cách hợp lý. Và theo đó là đời sống chung xã hội một cách trực tiếp.
* Thực trạng văn hóa ngôn ngữ giáo tiếp ở giới trẻ hiện nay (biểu hiện)
– Hiện nay, nảy sinh vấn đề lệch chuẩn trong giao tiếp trong giới trẻ. Xu hướng lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ biểu hiện dưới các dạng:
+ Lạm dụng quá nhiều tiếng lóng, từ địa phương cũng như vay mượn từ nước ngoài của một số tờ báo. Thay vì nói “được rồi” là “ok”, thay cho câu “chào tạm biệt” là “bye nhé”. Còn những hiện tượng biến đổi đến dễ sợ ủa ngôn ngữ Tiếng Việt như: gọi đơn vị tiền bằng “k”, chê người khác là “cùi bắp”,…Ngôn ngữ “Chat” có nhiều kiểu viết tối nghĩa, hoặc biến âm, hoặc biến nghĩa cẩu thả. Mới đây trên trang viết của một tờ báo đã đăng nội dung: “tiền” thành “xiền”, “tình yêu” thành ‘tình iu”, “ghét như con bọ chét”, “nhỏ như con thỏ”, ‘tin vịt”, “báo lá cải”, “chạy mất dép”, “bó tay.com”, “bốc hơi” (biến mất), “đít chai” (kính), “2” (hi-chào), “4U” (For you – cho bạn), “2NT” (Tonight – tối nay), “G92U” (Good night to you)…nếu quan tâm đọc chắc nhức hết cả đầu, hoa cả mắt.
– Lạm dụng ngôn ngữ lóng, ngôn ngữ thời @ trong thời đại công nghệ thông tin ở giới trẻ. Dùng tiếng lóng để giao tiếp, trò chuyện, trao đổi, “chat” với nhau qua điện thoại, mạng xã hội ở thế hệ 9x (chủ yếu là thanh thiếu niên, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là học sinh, sinh viên, đang có chiều xâm nhập sang người lớn) đã đến mức báo động.
– Những coments về một bức ảnh thời trang của một cô gái mới đây nhất trên facebook là một ví dụ:
+ -“Dep ngon com wa”; “anh mà lấy được vk sinh như em thì anh chỉ vk anh ăn song tắm dửa sạch sẽ mặc đồ ngủ thật mỏng cho vào kính rồi mở cửa bán vé chiêm ngưỡng ngắm nhìn; “cj vân nany.xjnh gái”; “Em là Vẫn chứ *é* phải là Vân”; “E yêu cki”…
– Vận dụng “sáng tạo” tiếng Anh khá kỳ cục trong các tình huống giao tiếp: “Ugly tiger” nghĩa là “xấu hổ” (Tiếng Anh: Ugly – xấu; tiger – con hổ). Đôi khi nghe giới trẻ đối thoại: “Mày thật “Ugly tiger!” hay “: “Mày không “Ugly tiger à?”, cảm thấy buồn cười, nhưng cũng vui tai.
– Có rất nhiều dẫn chứng về việc lạm dụng quá nhiều tiếng lóng làm cho ngôn ngữ “chính thống” bị méo mó, mất giá trị văn hóa của tiếng Việt mà tôi có dịp được đọc, chẳng hạn như: “bùn wá mài nhỉ, lẹi gần hít nem lép 12 roài… thí tụi mìn ko đc zui như hồi nem ngoái, nghĩ vậy thoai mừ teo bùn ghê gúm… nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn thân, đeng wên teo dzà mái trừng iu zấu nì nha”.
– Nhiều kiểu nói và viết như vậy dần làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt và gây ảnh hưởng nguy hại đối với văn hóa ứng xử của con người.
– Tiếng Việt đang bị nhiễm bẩn bởi nói tục, chửi bậy. Hiện tượng nói tục thì quốc gia nào cũng có. Nhưng nước ta có lẽ chiếm tỷ lệ cao nhất. Nói tục trở thành thói quen, nhu cầu, sự “khoái khẩu” ở mọi đối tượng, trừ trẻ chưa biết nói. Đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh, vấn đề nói tục chửi thề đang bị lạm dụng đến mức đáng báo động. Nhà trường càng xiết chặt giáo dục nhắc nhở và xử lí thì hiện tượng này ngày càng bùng phát mạnh mẽ hơn.
– Tóm lại, trước trào lưu sử dụng tiếng lóng, lạm dụng tiếng nước ngoài hiện nay ở giới trẻ, tiếng Việt đang có nguy cơ bị xâm hại xét về phương diện văn hóa ngôn ngữ. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc sử dụng tiếng lóng cũng có tác dụng nhất định đối với giới trẻ như: khả năng truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian (chủ yếu dùng ký hiệu, viết tắt), có những yếu tố sáng tạo…làm cho hoạt động giao tiếp cũng phong phú hơn.
* Nguyên nhân:
– Do các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là truyền hình là loại phương tiện thông tin đại chúng phổ biến nhất trong xã hội ảnh hưởng lớn nhất đối với sự hình thành các giá trị, thế giới quan, đạo đức của thế hệ trẻ nhưng có biểu hiện lệch chuẩn trong việc dùng từ phổ biến. Việc tiếp cận các văn hóa phẩm lệch lạc dễ dàng khiến cho giwois trẻ mất kiểm soát bản thân.
– Một số báo cũng đang ra sức cổ xúy cho sự lệch lạc văn hóa ngôn ngữ ở giới trẻ qua những bài viết lạm dụng một cách có ý thức nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với độc giả trẻ. Đặc biệt là hiện tượng ăn theo sự kiện, vụ lợi của các kênh truyền hình vô tình biến một hình tượng lệch lạc trở thành trào lưu nóng, thu hút giới trẻ quan tâm và bắt chước.
– Mặt khác, các nhạc phẩm của các ban nhạc, lời của các bài hát có khả năng gây sosk ở bất kỳ một người có học vấn nào.
– Sự buông lỏng, thiếu sự quản lý chặt chẽ các trang báo mạng xã hội và các thông tin quảng cáo. Tình trạng chung: người tham gia không cần biết người đối thoại là ai vẫn sẵn sàng văng lời tục tĩu, thô thiển để thóa mạ, dìm “hàng” người khác.
– Sự bùng nổ của công nghệ thông tin là mảnh đất để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển (Internet, điện thoại…).
– Trào lưu, “mốt” sử dụng tiếng lóng, tiếng nhại, ngoại ngữ, ngôn ngữ @ để giao tiếp trở thành yếu tố để muốn tự khẳng định đẳng cấp của mình đang xâm nhập và lan tỏa ở giới trẻ hiện nay.
* Giải pháp:
– Bố mẹ phải làm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài; những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ (viết, nói, giao tiếp) trẻ tiếp thu, bắt chước rất nhanh.
– Giáo dục học sinh thức bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt khi giao tiếp qua điện thoại, mạng xã hội, tự trau dồi và làm phong phú vốn ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài để nâng tầm văn hóa trong giao tiếp và tư duy; dạy đúng chuẩn tiếng Việt; không sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với học sinh…Không sử dụng sách giáo khoa, từ điển kém chất lượng và có nhiều sai sót; nghiêm cấm các hành vi chửi bậy, nói bậy trong nhà trường.
– Về phía Nhà nước, trước hết ngành Giáo dục và Đào tạo phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Kiên quyết loại bỏ những chương trình phát sóng trên truyền hình không đảm bảo chất lượng và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Kiểm soát chặt chẽ thông tin mạng, sàng lọc thông tin kĩ lưỡng trước khi người đọc tiếp cận.
– Mỗi học sinh tự trau dồi và rèn luyện tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để có vốn từ phong phú và sử dụng đúng chuẩn mực. Không nên chạy theo lối giao tiếp dễ dãi, lệch lạc mà làm mất đi văn hóa giao tiếp của chính mình.
* Phê phán: Nhiều HS dù được nhắc nhở nhiều nhưng vẫn cố chấp sử dụng Tiếng Việt lệch chuẩn, thiếu trong sáng trong giao tiếp. Xem việc nói tục chửi thề, tiếng lóng, tiếng ngoại là bình thường và vận dụng những kiểu nhại âm, cắt âm một cách tối nghĩa làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt và lệch lạc trong giao tiếp. Những người như thế thật đáng chê trách.
* Bài học: Luôn rèn luyện ngôn ngữ giáo tiếp, vận dụng đúng đắn các phương tiện giao tiếp để bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Đặc biệt là đối với lứa tuổi HS, khi nhân cách chưa định hình thì cần phải rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực tốt đẹp, tránh lệch lạc nhân cách dẫn đến các hành vi sai trái.
Kết bài:
Như vậy, vấn đề văn hóa ngôn ngữ và giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho thế hệ trẻ nhất là cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội, trong đó bản thân giới trẻ – chủ thể của nhận thức và hành động đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở “kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại…