Hằng năm, có hàng trăm cuộc thi sáng tác thơ Haiku được tổ chức ở Nhật và trên khắp thế giới, thu hút hàng ngàn sáng tác dự thi. Vì sao một thể thơ đặc trưng của Nhật lại hấp dẫn người ta đến như vậy?
Có lẽ, cũng như tôi, rất nhiều thế hệ sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã rất tri ân nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Nhật Chiêu, bởi ông đã mang đến cho học trò những “câu chuyện văn chương phương Đông” tuyệt đẹp, và đặc biệt là dẫn dắt chúng tôi khám phá thế giới thơ Haiku của Nhật Bản.
Những ngày ấy, cứ đến tiết học văn học Nhật của thầy Chiêu là giảng đường luôn chật cứng sinh viên. Giữa cái nóng hầm hập của Sài Gòn đầu hè, giữa tiếng xe cộ ồn ã từ ngoài đường phố không ngớt dội vào, chúng tôi mơ màng về một nước Nhật cổ kính, có tuyết rơi, hoa đào, cành khô, chiều thu, ao cũ…, lặng đi trước ẩn dụ sâu thẳm gói ghém trong những bài thơ “nhỏ xíu”:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao
Thơ Haiku phát triển mạnh ở Nhật từ nửa đầu thời kỳ Edo (1603 – 1868). Người có công đưa Haiku đến đỉnh cao là Matsuo Basho. “Ông sống trong một thảo am bên sông, giữa vườn cây chuối nên mới có tên Basho (Ba Tiêu bằng chuối). Được đề bạt làm một chức quan trị thủy, Basho cũng từ bỏ nó để tự do làm thơ, dạy học, trầm tư và lang thang khắp đất nước. Những bài Haiku vắn tắt của ông có một sức vang động thâm trầm của nước như câu cuối trong một bài thơ trứ danh về con ếch, nhảy xuống chiếc ao xưa và vang lên tiếng nước xao (mizu no oto = thủy chi âm).
Được mệnh danh là “thể thơ nhỏ gọn nhất thế giới”, mỗi bài Haiku có 3 dòng, dòng đầu và dòng cuối có 5 âm tiết, dòng giữa có 7 âm tiết, tổng cộng cả bài chỉ có 17 âm tiết. Haiku ghi lại sự vật, sự việc một cách đơn giản, nhưng đem lại cho người đọc sự liên tưởng sâu sắc, và thường có những từ ngữ hoặc những hình ảnh ẩn dụ chỉ mùa. “Haiku không cốt nói nhiều. Nó im lặng hơn là nói. Nó trống chứ không đầy, theo tinh thần bất dục doanh (không muốn đầy) của minh triết ngày xưa. Nó cần có chỗ trống như một trà thất để con người tự đổ đầy bằng tâm hồn của mình”.
Ngày nay, dù Haiku đã không còn bị gò bó quá chặt chẽ trong khuôn khổ “17 âm tiết” nữa, cũng không nhất thiết phải có yếu tố chỉ mùa trong bài thơ, nhưng kết cấu 3 dòng và tinh thần bất dục doanh của nó vẫn được giữ nguyên. Hãy đọc bài Haiku hiện đại của một tác giả Nhật Bản:
Đã thoát kiếp đi về
Nhưng nỗi buồn còn đọng lại
Trên xác ve
(Takaha Shugyô)
Không chỉ giới hạn ở Nhật, Haiku đã được nhiều nhà thơ lớn trên thế giới chọn làm hình thức sáng tác. Sang Việt Nam, nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã có một chùm Từ thế chi ca (bài ca từ biệt cõi đời) viết theo thể Haiku, gợi nhiều suy tư về sự phù du của cuộc sống và lẽ sống – chết ở đời:
Anh chỉ còn một nhúm xương tro trong bình
Em đừng khóc
Ngoài vườn hoa cỏ mọc
Và bản thân người viết bài, trong lần thầy Nhật Chiêu cho cả lớp thực tập làm thơ Haiku, cũng đã may mắn có lần “chạm được vào tinh thần của Haiku” như thầy Chiêu nhận xét:
Hoa tím nhỏ nhoi
Vươn qua hàng dậu
Xin đừng quên tôi.
Bài viết của Phạm Thu Nga( Đăng trên báo Thanh Niên số Chủ nhật 24/6/2007)
Tác giả : Nhật Chiêu (bác này cực nổi về thơ Haiku của Việt Nam)
1.
– Để bước vào thế giới thơ Haiku của Nhật Bản, ta hãy thử gặp gỡ một kinh nghiệm cảm xúc của Chiyô, nhà thơ nữ lỗi lạc sống vào thế kỷ thứ 18.
– Một buổi sáng, Chiyo định thả gầu lấy nước giếng. Nhưng quanh dây gầu đang vướng một bông hoa xinh, đó là hoa Asagao – một loại hoa đồng cỏ nội rất đỗi bình thường, một thứ dây leo. Tên nó có nghĩa là “gương mặt của sớm mai” (asagao = triêu nhan). Không nỡ động chạm đến hoa, nhà thơ dành xin nhờ nước giếng hàng xóm
– Và kinh nghiệm bình thường mà kỳ diệu ấy được ghi lại qua một hình thức thơ ngắn gọn – Haiku (ba câu 5 – 7 – 5 âm)
A ! Hoa bìm bìm
Chiếc gầu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên
(Asagao ya !
Tsurube torarete
Morai mizu)
– Người va hoa gặp nhau trong bưởi sáng. Không nói năng chi – nhưng khoảnh khắc ấy đã đánh thức thi ca. Vũ trụ như hóa thành một bông hoa bìm bìm. Và người đi lấy nước cho dù không làm bài thơ trên, chỉ lẳng lặng đi xin nước nhà bên để khoảnh khắc kia được vẹn toàn, người ấy vẫn bước vào Diệu Xứ của Thơ Ca, của Hoa
– Thơ Haiku thường nắm bắt được khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà thế giới hiện ra mới mẻ tinh khôi như hoa bìm bìm trong buổi sớm mai
– “Để em nghe lời tôi nói”, nhà thơ Chilê Pablo Neruda viết “lời lẽ tôi đôi khi thu nhỏ lại”” để có thể đi sâu vào tâm hồn người, Haiku cũng thế, nó thu mình nhỏ lại
– Về sự vắn tắt của Haiku, nhà phê bình nổi tiếng của Pháp Roland Barthes có ý kiến như sau: “sự ngắn gọn của Haiku không phải là vấn đề hỉnh thức, haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn, mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”
– Bởi vì Haiku không cốt nói nhiều, nó im lặng hơn là nói. . Nó trống chứ không đầy, nó nhỏ nhắn nhưng không bao giờ chật cứng.
– Haiku chỉ ra sự vật như hoa bìm bìm, hạt cát, bầy ruồi… và rồi dừng lại chứ không giải thích, không miêu tả. Nó chỉ ra sự vật như đứa trẻ chỉ vào sự vật quanh mình, nói từng tiếng một hoặc reo lên. Đến với Haiku, ta thấy nó thơ ngây một cách hiền minh và hiền minh một cách ngây thơ
– Có những bức tranh hoành tráng làm cho bạn bàng hoàng nhưng cũng có những tiểu họa làm cho bạn ngạc nhiên. Paul Klee chỉ vẽ những bức tranh nhỏ và đường nét giản lược đếm mức gần như đường nét trẻ con viết. Tuy thế, Klee không phải là họa sỹ lớn à?
– Khi nhà thơ haiku chọn đề tài, họ không bao giờ từ chối những sự vật nhỏ bé, bình thường mộc mạc.
Trên mình ngựa, bầy ruồi
Không rời nón lá tôi
Ôi, nóng bức !
(Shiki)
– Còn có kinh nghiệm nào bình thường hơn là sự chịu đựng nóng bức, ruồi nhặng? Nhưng giữa tôi và ruồi dường như có chung một điều gì đó, cùng số phận với nhau trong oi bức, không ly cách trong nắng trời…
2.
Một hạt cát còn vương
Trong vỏ sò nho nhỏ
Một bờ cát nâu vàng
(Kikaku)
– Khi Kikaku mở vỏ Shijimi (một loại sò nhỏ) ông nhìn thấy một hạt cát. Và hạt cát đó lá một tấm gương phản ánh một vũ trụ cát. Con sò đã chết và hạt cát vô tri ấy làm sống lại nơi Kikaku một kinh nghiệm về biển bờ, một tri kiến nào đó về đời sống vô bời – Thơ haiku gần với đời sống đến thế, giao hòa với đời sống đến thế có thể nói là do thiên tài của Bashô. Ông đã từ bỏ phụng sự lãnh chúa, từ bỏ cả quan chức để suốt đời miệt mài đem thơ haiku trở lại với thi ca chân chính, với đời sống. Bashô làm được điều kỳ diệu đó cách đây ba thế kỷ, thế mà mỗi lần muốn phục hưng thơ haiku cũng không còn cách nào khác hơn là trở lại với ông.
Vương trái tim tôi
Ngang con đường núi
Đổng thảo nở hoa tươi
– Trên con đường mòn hoa nắng qua núi trong nắng xuân, Bashô chợt nhìn thấy cánh hoa tím vươn lên trong cỏ và đá, loài hoa từng được gọi là “trái tim của mùa xuân”. Sự sống đang vươn lên từ nơi tịch mịch nhất. Bông hoa và trái tim của Bashô như cùng nhịp đập với mùa xuân
– Nghệ thuật haiku cũng như các nghệ thuật khác của Nhật Bản thường gắn bó với thiên nhiên, biểu hiện một kinh nghiệm thanh tịnh và một niềm hân thưởng đời sống đơn sơ mộc mạc.
– Nếu haiku gợi ra sự cô đơn thì đó cũng chỉ là sự xa lánh vọng động chứ không phải là sự cô lập. Đấy là cảm thức hòa điệu sâu xa với sự vật chung quanh mình, nhưng trong một bài thơ khác của Bashô :
Chim Kankôđôri ơi
Đem nỗi buồn thăm thẳm
Mà lắng đọng vào tôi
– Đấy là ước muốn giao cảm với sự vật đến tột cùng chứ không phải là cô đơn theo nghĩa vị kỷ.
– Bashô nhìn thấy thiên nhiên đa dạng nhưng đồng nhất:
Vầng trăng đầy
Nghiêng nhìn về biển
Bảy nàng Kômachi
– Kômachi là nữ sỹ thế kỷ thứ 9, nổi danh về tài thơ và nhan sắc hơn người, là đề tài của bao tác phẩm văn chương Nhật. Kômachi đẹp từng lúc khác nhau nhưng bao giờ cũng chỉ là nàng. Luôn luôn khác mà cũng luôn luôn giống nhau. Bao giờ cũng chỉ là một vầng trăng dù nó biến đổi và phản ánh thế nào trong nước
– Con người trong thơ haiku cũng như trong tranh thủy mặc thường có vẻ bị thiên nhiên che lấp để chỉ còn nhỏ xíu cô quạnh. Nhưng nếu vì thế mà cho rằng ở đấy con người lệ thuộc thiên nhiên hay con ngưởi đang trốn tránh thế giới con người thì e rằng quyết đoán ấy không đúng. Ở đấy con người không lệ thuộc mà là hòa đồng, hòa làm một với những sức mạnh của nguyên tố, của vũ trụ. Phong cảnh không phải là cái nền nhỏ mọn ở sau lưng con người như nhiều tranh thời Phục Hưng của Châu Âu đã thể hiện.
3..
– Hoà điệu với cây cỏ thiên nhiên, với vũ trụ, con người không trở nên hèn mọn mà chính là yếu tố của một vận động chung, một sinh hoá chung. Thiên nhiên không áp đảo con người mà chỉ tự biểu hiện và vận động trong cái “tự nhiên nhi nhiên” của nó. Nó tự mọc, tự giông bão, tự sinh hoa kết trái không có thần linh ngự trị.
– Có thể thấy sự hoà điệu ấy qua một bài thơ của Buson (thế kỷ 18)
Bè trôi giữa bão giông
Áo tơi người chèo chống
Hoá áo hoa đào
– Hoa đào trong gió loạn bám đầy áo người đang chèo chống. Buson nói rằng anh ta đang mặc áo hoa đào. Cũng như Hàn Mặc Tử bảo rằng mình mặc vải trăng:
Áo tôi rách rưới trời khôn vá
Cả bốn mùa trăng mặc vải trăng
– Không phải chỉ có người đang khoác lấy thiên nhiên cũng đang mang lấy tính người. Đấy là một tương quan mật thiết và thâm trầm chỉ có haiku mới thể hiện được sinh động và tinh tế đến thế.
– Giao hòa với thiên nhiên, nhà thơ haiku như ngửi được mùi thơm của sao và hái được tiếng hót chim cu:
Đêm mát – Hương hoa mơ
Trên đỉnh Atagô
Một chòm sao thơm ngát
Kikaku
Ta hái tiếng hót ngươi
Như hái một nhành hoa dại
Chim cu ơi !
Kôđô
– Nhà thơ haiku như nhìn thấy được những sự tương quan kỳ lạ:
Tiếng chim cu lanh lảnh
Từ đâu vọng lên
Diên vĩ cao từng nhánh
Bashô
Nghe sáo vọng xưa xa
Sóng cũng tràn đi tới
Ôi mùa thu Suma
Buson
– Cả màu sắc của một tiếng kêu cũng được nhà thơ cảm nhận:
Sẫm dần biển khơi
Tiếng kêu bầy vịt trời
Trắng mờ trong bóng tối.
– Thiên nhiên và sự vật ở thơ Issa bao giờ cũng nồng ấm tình người. Ở tuổi 61, ông sống cô đơn: năm đứa con đều chết trẻ, người vợ 37 tuổi cũng mới qua đời
Chiều thu
Nghe tôi than thở
Là vách đất âm u.
– Dường như vách đất cũng có thể đồng cảm với nỗi đau của con người. Trong bức tranh vĩ đại của họa sĩ Sesshu (thế kỷ 15) vẽ Bồ Đề Đạt ma ngồi nhìn vách đá, ta thấy họa sĩ vẽ cả những con mắt to và sâu thẳm trên vách, chúng như “đồng vọng” lại đôi mắt mãnh liệt của vị tổ sư! Vách đất của Issa cũng sống động như thế.
– Trong hội họa Á Đông, người họa sĩ nắm bắt đời sống không phải từ hình dáng bên ngoài mà từ bên trong. Nguyên lý của nó có thể tóm thâu trong câu nói này: “Chỉ cần một nhánh cỏ thôi là đủ cho thấy cơn gió đi qua”.
– Có phong cách vẽ tranh “một góc” để chừa một khoảng trống lớn. Cũng có thể nói rằng haiku cũng chừa một khoảng trống như vậy. Đấy là cái chân không sinh động, cái chân không dào dạt sự sống chứ không phải là hư vô của phương Tây.
Cái chân không này được biểu hiện trong những nghệ thuật khác của NhậT Bản như Trà Đạo, Vườn Đá, Cắm Hoa…
– “Trọng tâm của bức tranh thủy mạc”, Kawabata nói, “nằm ở khoảng không, nghĩa là ở khoảng trống không có nét vẽ”.
– Ngay cả những hình tròn biểu hiện cho sự viên mãn (như mặt trời, mặt trăng) trong tranh vẫn thường không được vẽ đầy đủ mà chỉ vẽ một phần nét cong. Còn trà đạo thì dậy rằng không nên dùng những bông hoa đã nở toàn vẹn.
– Cũng như nghệ thuật vườn cảnh thì không cần xum xê chi tiết, nhất là trong vườn đá (khô sơn thủy), có thể dùng cát để biểu hiện cho nước, cho sóng biển, cho sự bao la.
– Haiku cũng có vẻ “khô khan” như vườn đá Nhật.
– Thế nhưng, haiku là một thế giới thi ca mà trong đó cuộc diễn thuyết ở Nhật có nói:
“Mọi dân tộc có trách nhiệm tự thể hiện trước thế giới. Nếu cứ để cho mình tối tăm thì điều đó phải được xem là một trọng tội quốc gia, còn tệ hơn là cái chết và không bao giờ được lịch sử loài người dung thứ. Dân tộc phải phát tiết tinh hoa vốn nằm trong sự giàu có tâm hồn, vượt qua nhữnng nhu cầu tạm bợ lẻ loi mà nắm lấy trách nhiệm gởi lời mời tinh thân và văn hóa đến thế giới bên ngoài mình”.