Phương châm giáo dục này xuất phát từ quan điểm đào tạo của Nho gia. Bản thân “lễ” là một phạm trù triết học chỉ đạo đức rất quan trọng của đức Khổng Tử và môn đệ. Hiểu tận cùng chữ “lễ” không phải dễ. Ở đây tôi chỉ khai thác lễ trong phạm vi ngữ nghĩa có liên quan đến “văn” mà thôi.
“Lễ” có nghĩa là cách cư xử, giao tiếp có văn hoá giữa người với người theo chuẩn mực đạo đức được xã hội quy định trong các quan hệ giữa người trên với người dưới, giữa người dưới với người trên. Hiểu rộng hơn đấy chính là đạo đức nói chung, phải biết kính trên nhường dưới, lấy Nghĩa, Nhân chữ Tín…làm trọng. Còn “văn” là chữ. Hiểu rộng ra là ấy là kiến thức của con người được tích luỹ qua bao thế hệ. “Tiền” và “hậu” ở đây nên hiểu một cách tương đối. Không nên cho rằng người xưa chỉ chú trọng đến “lễ” mà quên “văn”. Cả “lễ” và “văn” đều quan trọng như nhau, đặt đồng hàng, nhưng khi giáo dục thì phải lấy cái được làm trọng. Bác Hồ có lần đã nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Và dẫu cho rất đề cao đạo đức thì Người vẫn ý thức rõ mặt khiếm khuyết của nó.
Giao tiếp ngày thường, chúng ta gặp “lễ” trong các cặp từ sau “lễ phép”, “lễ nghĩa”…(còn như “lễ tân” (ở khách sạn) “lễ đình”, “lễ cưới”…tôi không bàn). “Phép” do đọc chệch từ chữ “pháp” mà ra. “Pháp” có nguồn gốc từ “pháp trị” của Hàn Phi Tử. Về sau Tử Tư dùng chính sách này để giúp Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa. Nếu “lễ” tượng trưng cho đạo đức thì trong trật tự kết cấu này, cha ông ta đã lấy đức làm đầu. Nếu cá nhân nào có hành vi bất kính thì bị mắng là “vô lễ” chứ không phải là “vô phép”. Với ta “lễ quan trọng hơn “pháp” nhiều, đành rằng cách nhìn nhận ở đây có thể xuất phát từ chính sách cai trị “Trong Pháp ngoài Nho” của đại đa số các chính trị gia cổ đại ở Trung Quốc cũng như ở ta.
“Nghĩa” là một trong những phạm trù triết học cốt lõi của Khổng Tử. Về sau Manh Tử phát triển mạnh về khái niệm này, đặt tên đồng hàng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Với cách cấu tạo từ tương tự, một lần nữa, “lễ” lại đứng trước: “lễ nghĩa”.
Muốn trở lại người có “lễ” thì phải học mà học thì phải thông qua chữ (văn). “Văn” ấy có thể đã thành văn và cũng rất có thể đang ở dạng truyền ngôn, bất thành văn. Do đó vai trò của người thầy là rất quan trọng, đặc biệt là ở tư cách đạo đức. Quan niệm này khác với lối giáo dục của phương Tây hiện đại. Người lên lớp chỉ truyền đạt mỗi kiến thức. Còn đạo đức của học sinh thì ít được quan tâm (đã có luật pháp chuyên trị). Học sinh đến lớp chỉ có mỗi thao tác là tiếp thu kiến thức (tuy nhiên qua kiến thức thì họ cũng học được đạo đức).
Ông cha ta từ ngày xưa đã quán triệt tinh thần giáo dục “tiên học lễ”. Nếu một người có học mà không có “lễ” thì người đó được xem như là hạng bất nhân. Và người đào tạo ra học trò đó cực kỳ hổ thẹn. Lịch sử của ta đã ghi lại tên tuổi của nhiều bậc sư biểu, xứng đáng là thầy của muôn đời: Chu Văn An (1293-1370); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1595) Nguyễn Thiếp (1723-1804)… học trò của họ, dẫu có thành đạt đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng không bỏ rơi lễ nghĩa, đạo đức với thầy với nhân dân. Chuyện kể rằng, một hôm Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, về thăm thầy (Chu văn An). Dọc đường qua khu chơ đang họp, ông để lính thét dân dẹp đường, làm huyên náo. Biết được sự việc, Chu Văn An giận không cho Phạm Sư Mạnh gặp mặt. Quan lớn triều đình phải quỳ xin cả buổi thầy mới tha lỗi. Phải có những người thầy can trực, đạo đức như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước.
Xã hội hiện đại ngày nay, càng văn minh, con người dường như ít đạo đức, ít quan tâm đến nhau. Học nhiều không có nghĩa là có đạo đức. Tri thức rất cần cho phát triển nhân loại nhưng thiếu đạo đức thì nhân loại sẽ không tồn tại.
Khi những làn sóng văn minh đang đổ ập vào nước ta trong thời mở cửa, đề cao quan niệm giáo dục đứng đắn của người xưa là cách thiết thực để kìm hãm những mặt tác hại từ những nước đã phát triển. Mặt khác nó còn có giá trị báo động sự băng hoại, phần nào, các giá trị truyền thống trong tâm lý cộng đồng. Đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
“Tiên học lễ, hậu học văn” là phương châm giáo dục của Nho gia. Song bởi do được sử dụng trong khoảng thời gian quá dài ở cộng đồng người Việt nên nó đã được dân gian hoá, rất gần gũi với nhiều tầng lớp. Nguyên tắc giáo dục ấy chính là sự phối hợp giữa gieo mầm đạo đức, truyền dạy chữ nghĩa tri thức, đề cao đạo đức, khẳng định vai trò số một của giáo viên. Đây là lối đào tạo ưu việt mà từ ngàn xưa ông cha ta đã đúc kết nên.