Truyện Kiều là tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du. Vay mượn cốt truyện từ văn học Trung Quốc nhưng bằng một “cảm hứng mới” và một bút lực nghệ thuật tài hoa Nguyễn Du đã viết lên một “Truyện Kiều” được đánh giá là hiện tượng “tập đại thành” của nền văn học Việt Nam. Giá trị của “Truyện Kiều” không chỉ dừng lại ở mặt tư tưởng, đạo đức mà còn ở nghệ thuật văn chương tinh tế, điêu luyện đặc biệt là bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật. Về mặt này Truyện Kiều được đánh giá là một “tiểu thuyết phân tích tâm lý, dưới hình thức hiện đại”. Truyện Kiều có nhiều trang phân tích tâm lý tuyệt bút mà đoạn trích “Trao duyên” trong chương trình Ngữ văn lớp 10 là một minh chứng tiêu biểu. Đây là một đoạn trích hay nhưng cũng rất khó tiếp cận. Toàn bộ đoạn trích tập trung thể hiện tấn bi kịch của Thúy Kiều khi phải trao lại tình duyên cho em. Bởi vậy theo chúng tôi để dạy tốt đoạn trích này cần tiếp cận nó từ góc độ những nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả tâm lý của Nguyễn Du.
Trao duyên! Hai tiếng ấy đã toát lên sâu sắc bi kịch của người trong cuộc. “Duyên” là sự gắn bó, hòa hợp tự nhiên, do trời định (duyên số), “duyên” còn là “tình” (duyên tình). Còn gì đau đớn hơn khi phải “trao duyên” cho kẻ khác (cho dù đó là em gái mình). Kiều làm sao có thể thuyết phục được em chấp nhận mối tình của mình trao lại trong khi trái tim nàng đang chảy máu thế kia? Như vậy ngay từ đầu Nguyễn Du đã đặt nhân vật vào trong một tình thế oái ăm để buộc nhân vật tự bộc lộ, tự giải bày những điều gan ruột nhất trong nội tâm của mình. Người đọc cứ bị cuốn dần cuốn dần vào trong dòng tâm trạng với những diễn biến tinh tế, phức tạp và nhiều phát triển bất ngờ của nhân vật.
Bên cạnh đó để làm nổi bật những giằng xé nội tâm của Thúy Kiều trước một biến cố lớn của cuộc đời nàng, Nguyễn Du còn sáng tạo ra trong đoạn trích một hình tượng thời gian độc đáo. Việc “trao duyên” của Kiều cho Vân được thực hiện vào đêm cuối cùng trước ngày Kiều phải từ bỏ gia đình ra đi theo Mã Giám Sinh. Đây là khoảng thời gian ngắn ngủi mà Kiều có được với gia đình của mình. Sự ngắn ngủi của thời gian tạo nên sự dồn nén cảm xúc trong tâm hồn nhân vật: những dằn vặt về việc trả món nợ tình cho Kim Trọng, cảnh ngộ khó xử khi nói lời trao duyên cho em, nỗi đau đớn tuyệt vọng khi ý thức rõ thân phận “bạc mệnh” của mình… tất cả đều hiện lên chân thực qua ngòi bút miêu tả tâm lý tinh tế của Nguyễn Du.
Đoạn thơ mở đầu bằng một tư thế lạ:
“…Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giọng điệu trang trọng, khẩn thiết của câu thơ, cử chỉ bất bình thường của nhân vật báo hiệu một điều gì đó vô cùng thiêng liêng, hệ trọng mà Kiều sắp sửa nói ra. Nguyễn Du quả thật là tinh tế, tài hoa khi dùng từ “cậy” mà không dùng từ “nhờ”, dùng từ “chịu” mà không dùng từ “nhận” dù đây là những từ đồng nghĩa. Phải là “cậy” thì mới tô đậm được cái quằn quại, khó nói trong tâm lý nàng Kiều và làm nổi bật được ý nghĩa hy vọng thiết tha của một lời gửi gắm, nương tựa. Còn “chịu” khác với chữ “nhận” ở sắc thái van vỉ, nài ép khiến cho người nghe không thể không nhận lời. Chỉ với hai chữ ấy thôi Nguyễn Du đã cân được sức nặng của một tình thế, một tâm trạng: lắt léo, trớ trêu và khó nói. Đặc biệt với sự hoán đổi vị trí trong quan hệ chị em: “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”, Kiều đã tạo ra tư thế lụy phiền bằng cách hạ mình rất thấp để Vân có thể động lòng mà chấp nhận lời thỉnh cầu của mình. Hơn ai hết Kiều thấu hiểu sự thiệt thòi của em gái mình trong tình thế phải nhận lời trao duyên. Hành động tôn kính quá mức của Thúy Kiều (lạy/thưa) là sự tỏ lòng biết ơn, chịu ơn trước sự hy sinh của em mình.
Những lời lẽ khẩn thiết, cảm động, những hành động gấp gáp, dồn dập trong 2 câu thơ mở đầu trước hết bắt nguồn từ ý thức thời gian hiện tại ngắn ngủi, thắt ngặt của Thúy Kiều. Thúy Kiều biết nàng không thể dùng dằng thêm một phút giây nào nữa bởi sáng mai đây thôi nàng đã phải lên đường, phải từ bỏ tất cả: tình yêu, hạnh phúc của mình.
Khi khúc dạo đầu đã qua đi, Thúy Kiều bắt đầu kể cho em nghe cảnh ngộ khó xử của mình:
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai
Lời giải bày của nàng Kiều mang màu sắc tâm sự, vừa kể vừa để thuyết phục em bằng lí lẽ và tình cảm. Kiều nhắc lại chuyện Kiều phải dứt tình thâm với Kim Trọng để bán mình chuộc cha, phải hi sinh chữ tình cho chữ hiếu để hợp đạo làm con. Khơi được mạch cảm thông, Kiều mới tha thiết thỉnh cầu:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
Tác động vào lí trí chưa đủ Kiều còn viện cả tới tình cảm chị em và tình cảnh đau khổ của bản thân để thuyết phục Vân thay nàng trả nghĩa chàng Kim. Những thành ngữ nói về tình máu mủ, ruột rà: tình máu mủ / lời nước non, hay nói về cái chết: thịt nát xương mòn/ ngậm cười chín suối tạo nên sức lay động mạnh mẽ trong lời tâm sự của Thúy Kiều. Kiều nói với em bằng những lời thẳm sâu nhất từ trái tim của một người chị, nàng còn lấy cả linh hồn kẻ bạc phận để biết ơn em “ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Kiều dứt khoát tìm mọi cách để thuyết phục Thuý Vân thay mình trả nghĩa chàng Kim, bởi Kiều ý thức sâu sắc về hạn chót của thời gian, Kiều không thể làm gì khác để cứu tình yêu.
Khi đã thuyết phục được Vân, Kiều lấy những kỉ vật tình yêu với Kim Trọng để trao lại cho em: Chiếc thoa, bức vành mây, phim đàn, mảnh hương nguyền. Bao nhiêu kỉ vật là bấy nhiêu tình yêu. Những thứ thiêng liêng mà Kiều ôm ấp trong vòng tay, trong trái tim giờ đây nàng đành phải trao lại cho em. Trao kỉ vật nàng ý thức được một sự mất mát to lớn không gì có thể cứu vãn nên tay nàng trao cho Vân mà tim nàng rung lên đầy đau đớn: “duyên này thì giữ vật này của chung”. Có chút gì như là cố níu kéo, cảm giác nuối tiếc và nỗi “đau đớn lòng” trong hai chữ “của chung” ấy. Thúy Kiều rơi vào sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động, lí trí và tình cảm: duyên thì trao nhưng tình lại không thể dứt. Câu thơ của Nguyễn Du không có một từ ngữ nào trực tiếp miêu tả tâm trạng vậy mà lại cồn lên biết bao nhớ nhung, nuối tiếc, giằng xé đến chảy máu trong tâm hồn. Với Kiều đây không chỉ là hành động trao kỉ vật mà nàng đang phải vĩnh biệt mối tình đầu trong sáng và đẹp đẽ của mình. Có thể nói để viết những câu thơ này nhà thơ phải nhập rất sâu vào “vai” của nhân vật để phân tích, khơi đúng dòng ý thức nhân vật.
Đoạn thơ trên không chỉ cho ta thấy một Thúy Kiều thông minh, sắc sảo qua những lí lẽ thuyết phục Thúy Vân thay nàng trả nghĩa chàng Kim mà còn là sự ý thức sâu sắc của nàng Kiều về số phận bi kịch của mình trong hiện tại: khát vọng tình yêu thì vô biên nhưng cuộc đời lại nhiều dâu bể với những “sóng gió bất kì” khiến cho hạnh phúc tình yêu phút chốc lại trở thành nỗi đau tan vỡ.
Từ điểm nhìn hiện tại ấy, Thúy Kiều hình dung ra một tương lai thật não nề khi đối sánh thân phận “người bạc mệnh” của mình với hạnh phúc lứa đôi của Thúy Vân và Kim Trọng. Nàng biết lấy gì làm cứu cánh, làm điểm tựa tinh thần nếu không quay về với những kỉ niệm tình yêu của ngày đầu ước hẹn:
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa,
Sự đồng hiện quá khứ lúc này không cho nàng cái cảm giác ấm áp, ngọt ngào mà trái lại càng khơi sâu vào nỗi đau trong trái tim nàng. Kỉ niệm tình yêu đẹp đẽ ấy ngỡ như mới hôm qua thôi mà nay đã trở thành cái “ngày xưa” xa hun hút, thăm thẳm. Biết bao nỗi niềm nuối tiếc, xót xa trong hai chữ “ngày xưa” ấy. Tìm về quá khứ Thúy Kiều không thấy niềm an ủi, còn tương lai thì thật hãi hùng:
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về,
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai,
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rưới xin giọt nước cho người thác oan,
Ở đó nàng gặp mình trong hình ảnh người của thế giới bên kia. Nàng thấy mình là một “hồn oan” vật vờ trong ngọn cỏ lá cây, bay về trong gió, linh hồn không siêu thoát được vì vẫn mang nặng lời thề. Nàng thấy nỗi oan tình của mình cũng giống như chàng Trương Chi xưa mang nặng khối tình xuống Tuyền đài chỉ có nước mặt của người xưa mới hóa giải được. Tưởng rằng trao duyên rồi, Thúy Kiều sẽ tìm thấy được sự thanh thản trong tâm hồn nào ngờ nỗi đau đớn càng dày thêm.
Giọng thơ thay đổi, hình ảnh thơ ma mị, chập chờn, huyền bí, không khí linh thiêng cùng dòng thời gian tâm lý với sự đồng hiện của 3 chiều thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai… Tất cả giúp Nguyễn Du miêu tả thành công cơn khủng khoảng dữ dội trong tâm lý nàng Kiều khi vĩnh viễn mất đi tình yêu của mình. Tình yêu với Kiều là toàn bộ cuộc sống và mất tình yêu thì cũng có nghĩa là nàng đã chết – cái chết tinh thần.
Qua ngòi bút của Nguyễn Du, những mâu thuẫn trong thế giới nội tâm của nàng Kiều còn được thể hiện chân thực thông qua việc sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Như chúng ta đã biết Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự nhưng xuyên suốt tác phẩm, đặc biệt là ở đoạn trích “Trao duyên” Nguyễn Du lại dùng ngôn ngữ độc thoại nội tâm để miêu tả nhân vật. Đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Để cho nhân vật độc thoại nội tâm nhà thơ muốn nhân vật tự nếm trải cảm giác, tự bộc lộ, tự phơi bày tâm tư tình cảm và khát vọng sâu kín của mình. Nhà văn không đứng bên ngoài để miêu tả nội tâm nhân vật mà để nhân vật tự cất lên tiếng nói bên trong của mình. Có thể nói không ở đâu thế giới nội tâm nhân vật lại hiện lên một cách sống động và chân thực như trong ngôn ngữ độc thoại. Đây là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du so với các cây bút đương thời khi xây dựng nhân vật.
Trong đoạn trích “Trao duyên” nếu như ở phần thứ nhất (phần trao duyên) nhà thơ chủ yếu sử dụng ngôn ngữ đối thoại khi tái hiện những lời thỉnh cầu tha thiết, cảm động và những lí lẽ giàu sức thuyết phục của Thúy Kiều để Thúy Vân chấp nhận trả nghĩa chàng Kim thì ở phần hai ngôn ngữ thơ đã có sự thay đổi. Vẫn là lời của Kiều dặn dò Thúy Vân nhưng dường như Thúy Kiều đã quên mất sự có mặt của Vân bên cạnh, nàng như đang tự nói với mình, thầm thì với mình nỗi xót tiếc quá khứ, sự não nề trước tương lai mờ mịt, hãi hùng và một thực tế vỡ tan:
Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Đang tự nói với mình, nàng lại chuyển đối tượng giao tiếp sang Kim Trọng:
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!.
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Sự chuyển đổi này tạo ra một ngôn ngữ trữ tình đa âm, đa giọng, một điều cực kì hiếm thấy trong văn học Trung đại. Trong lời nói Thúy Kiều, Nguyễn Du sử dụng một loạt thành ngữ diễn tả sự tan vỡ, số phận bi kịch, sự trôi nổi, vô định của kiếp người (trâm gãy bình tan, tơ duyên ngắn ngủi, phận bạc như vôi, nước chảy hoa trôi). Tâm trạng Thúy Kiều đang chìm sâu trong sự chiêm nghiệm cá nhân để nhận ra sự nhỏ nhoi, số phận bi kịch của mình trước cái vô hạn của tình yêu, khát vọng (kể làm sao xiết muôn vàn ái ân). Và nỗi đau được đẩy tới cao trao trong hai câu kết:
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Chỉ trong một câu thơ thôi nhưng có đến hai lần nàng gọi tên người yêu, gọi bằng tất cả sự nồng nàn, thiết tha và đầy trân trọng (Kim lang chứ không phải là Kim Trọng). Thán từ “Ôi”, “Hỡi” đứng đầu hai vế câu cùng dấu chấm than (!) và cách ngắt nhịp lẻ (3/3) làm cho câu thơ giống như một tiếng nấc nghẹn ngào, tuyệt vọng của nàng Kiều. Trong tột cùng đau đớn nàng tự nhận lỗi về mình “thiếp đã phụ chàng từ đây”. Thúy Kiều bán mình chuộc cha là do hoàn cảnh khách quan, xuất phát từ tấm lòng hiếu nghĩa thơm thảo của nàng: “Làm con trước phải đền ơn sinh thành” nhưng nghĩ về Kim Trọng nàng lại tự nhận mình là người phụ bạc, bội ước. Tình yêu nàng dành cho Kim Trọng lớn tới mức khiến nàng quên cả nỗi đau đớn của bản thân mà thương cho nỗi đau của Kim Trọng. Nàng không đổ thừa cho hoàn cảnh mà dám nhận trách nhiệm về mình. Thúy Kiều quả là một con người có nhân cách cao thượng và giàu lòng vị tha.
Với đoạn trích “Trao duyên”, Nguyễn Du đã vượt qua một “ca” tâm lí phức tạp, giàu kịch tính. Sự kết hợp tuyệt diệu của hai bút pháp tự sự và trữ tình giúp nhà thơ miêu tả thành công những mâu thuẫn bên trong hết sức chân thực của nội tâm nhân vật. Nguyễn Du đã nhập rất sâu, có lúc như hòa làm một vào nhân vật để đồng cảm với nỗi đau dứt tình và khát vọng tình yêu mãnh liệt của nhân vật. Viết về bi kịch tình yêu tan vỡ nhưng tác giả lại làm nổi bật được vẻ đẹp tâm hồn cao quý của Thúy Kiều đó là tình yêu thủy chung, lòng vị tha, đức hy sinh cao cả…Nghệ thuật miêu tả tâm lý bậc thầy cùng cảm hứng nhân văn cao cả đã làm cho “Trao duyên” trở thành một trong những đoạn trích tiêu biểu, có vị trí quan trọng nhất của Truyện Kiều.