“Chữ người tử tù” là một tác phẩm hay của tác giả Nguyễn tuân, đây là một tác phẩm yêu thích của tôi. Và tôi hoàn toàn phản đối bài viết của tác giả Trần Hà Nam khi nhận xét về tác phẩm này và nhân vật viên quan coi ngục. Có lẽ về tuổi đời và kiến thức của tôi chưa bằng tác giả trên, nhưng tôi cũng xin đưa ra một vài ý kiến của riêng mình.
Theo như tác giả đã giới thiệu, viên quản ngục vốn là người đã từng “đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”, là người có cái tâm, là “một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” – đó là điều tác giả đã khẳng định.
Viên quản ngục không phải là người đứng đầu bộ máy đàn áp, nếu nói ông đại diện cho chế độ phong kiến lúc bấy giờ còn chấp nhận được. Vì thế khi nghe thầy thơ lại buột miệng nói, ông đã vội lên tiếng: “Chuyện triều đình quốc gia… nhỡ lại vạ miệng thì khốn”, đó là vì ông sợ người ngoài biết sẽ mang tội chết, bởi ông chỉ là một viên quan coi ngục – phận hèn chức mọn. Ông đối xử với những người tù khác như thế nào ta chưa biết vì tác giả không nhắc đến chuyện đó. Nhưng có thể đoán ra phần nào qua chức vụ của ông, của một viên quản ngục, buộc ông phải làm thế. Tuy nhiên, tác giả cũng đã nói rằng viên quan này là “người có tính cách dịu dàng và biết giá người, biết trọng ngưòi ngay”. Đối xử với Huấn Cao, khi nghe bọn lính lệ nhắc đến hai từ “để tâm”, ông hiểu, nhưng ông không làm thế, không phải vì “ngưòi đó là Huấn Cao – người sở hữu báu vật”, mà Huấn Cao còn là người ông hằng kính trọng, ông làm sao dám giở những trò tiểu nhân bỉ ổi đó ra, chứ thực sự ông không có mưu mô thủ đoạn gì. hành động ngày ngày dâng rượu thịt của viên quản ngục cũng chỉ là xuất phát từ tấm lòng của ông, không muốn trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mà Huấn Cao lại phải chịu cực khổ. Hành động này cũng đã vượt qua phép tắc của triều đình phong kiến. Và có lẽ một phần ông cũng muốn tiếp cận Huấn Cao.
Việc ông muốn có chữ của Huấn Cao, đó không phải là sự thèm khát, mà là ước nguyện của ông. Phải nói cho rõ, “ước nguyện” và “thèm khát”, hai từ này khác xa nhau về ngữ cảnh, ít nhất là đối với bài “Chữ người tử tù”. Tác giả đã xây dựng được một hình tượng người quản ngục giữa chốn ngục tối mà nung nấu được cái sở nguyện cao quý như vậy.
Ông là quản ngục, nhưng không có nghĩa là trong nhà tù ông có toàn quyền sinh sát. Cho nên khi trải lụa cho Huấn Cao viết chữ, ông đã không mở cùm gông, thêm nữa, nhà lao là nơi tai mắt rất nhiều, nếu sự việc có bị bại lộ thì sẽ mang thêm trọng tội cho cả ba người. Chi tiết mà tác giả nói đến: “Huấn Cao cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ” là muốn khẳng định sự bất tử của cái tài cái đẹp dù ở bất cứ đâu. Nét chữ ra đời trong khi “cổ vướng gông, chân vướng xiềng” và nét chữ ra đời trong tư thế mà tác giả Trần Hà Nam gọi là “thể hiện trọn vẹn thần thái khí phách người viết chữ”, suy cho cùng, cũng giống nhau cả thôi, có khác chăng là tư thế viết chữ, bởi nét chữ đều đẹp, đều ý nghĩa. Nét chữ ra đời trong cảnh gông cùm kìm kẹp, thực tế mà nói thì tất nhiên là không thể “thỏa chí tung hoành”. Nhưng trong tư tưởng, đó vẫn là con người tự do với những hoài bão tung bay. Chả thế mà tác giả cũng đã nói rằng khi Huấn Cao ngồi từ, ông vẫn nghĩ đến cái “chí lớn không thành”. Huấn Cao đã dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời để sáng tạo cái đẹp, để cái đẹp bất tử, nói những lời khuyên cuối cùng dành cho người mà ông coi như người bạn tri kỉ.