“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả…”
Hình ảnh ban đầu của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên đã được Nam Cao phác hoạ như vậy đó – toàn chửi là chửi, và trong suốt cả truyện, Chí Phèo cũng bị Nam Cao bắt phải chửi đi chửi lại rất nhiều lần, chửi luôn mồm không ngừng nghỉ:
“Hắn chửi trời và đời. Hắn chửi cả làng Vũ Đại. Hắn chửi tất cả những đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng mặc, ai mà hoài hơi, tức mình hắn chửi đứa nào đẻ ra chính hắn, lại càng không ai cần! Và hắn lấy thế làm ức lắm; bởi vì người ta không thể chửi nhau một mình; chửi nhau một mình thì còn văn vẻ gì!”…
Tuy nhiên, từ đầu đến cuối truyện ngắn “Chí Phèo”, ngoại trừ cái câu “Mẹ kiếp!” được đôi lần nhắc đến khi Chí Phèo chửi đổng (chửi chả nhằm vào ai cả một cách có chủ đích), Nam Cao toàn dùng câu gián tiếp (indirect speech) mỗi khi nói về cái sự chửi của Chí, thành ra người đọc chỉ biết là Chí đã chửi, chửi rất nhiều, nhưng cụ thể hắn chửi như thế nào thì chẳng ai biết cả.
Nếu ai đó đã từng xem phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” thì còn có dịp nghe Chí Phèo chửi: Mẹ cha con đĩ dại! Mẹ cha thằng dê già! Cha mấy đời con đĩ Nở… vân vân và vân vân. Nhưng “Làng Vũ Đại ngày ấy” không phải là “Chí Phèo”, và người viết kịch bản cho “Làng Vũ Đại ngày ấy” cũng không phải là Nam Cao, vì vậy những câu chửi đấy không đủ độ tin cậy (và cũng không xác đáng) để được bàn luận ở đây bởi trong bài viết này, chúng ta chỉ xem xét nguyên bản của nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao mà thôi; vả lại, những câu chửi của Chí Phèo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” cũng rất vô lý và vô lối, do đó chúng không thể là lời giải cho bài toán được đặt ra ở tiêu đề bài viết.
Nhưng thôi, cái chuyện đó để lát nữa bàn sau, việc trước mắt là phải tìm cho ra xem Chí Phèo đã chửi như thế nào. Lấy tỉ dụ việc Chí Phèo chửi làng Vũ Đại nhé, mọi người bảo Chí Phèo sẽ chửi làng Vũ Đại ra làm sao? “Mẹ cha làng Vũ Đại”, “Tiên sư làng Vũ Đại” (hoặc đại loại như thế) chăng? Điều đó là không thể nào, bởi lẽ:
Thứ nhất, chửi như vậy là chửi những cái kẻ đẻ ra làng Vũ Đại (mẹ, cha, tiên sư, tam tứ đại…) chứ có phải chửi làng Vũ Đại đâu! Và cái việc Chí chửi không nhằm vào làng Vũ Đại tất yếu sẽ đưa Chí đến chỗ bế tắc mà chúng ta đều biết: cả làng Vũ Đại không ai lên tiếng cả.
Thứ hai, một người học rộng hiểu nhiều như Nam Cao không thể không biết cái đạo lý ở đời rằng người ta chửi nhau là phải chửi… nhau, không được chửi nhằm vào người khác. Đến những kẻ hạ đẳng như Ba Giai và cô bán vải ở chợ Đồng Xuân khi mở hội thi chửi còn quy ước với nhau như thế, lẽ nào Nam Cao lại không biết? Mà đã biết thì ông ta không thể để cho nhân vật của mình chửi một cách vô lý và vô lối như đã nói ở phần trên được.
Vậy thì, Chí Phèo chửi làng Vũ Đại như thế nào? “Đồ tồi”, “Đồ khốn”, “Đồ mất dậy”… chăng? Mấy câu này nghe có vẻ hợp lý hơn vì chúng nhằm trực tiếp vào đối tượng được ăn chửi (với điều kiện người chửi và người được chửi phải đối mặt với nhau – nói khác là chõ mõm vào nhau), nhưng thói đời nếu rủa ai đó là đồ tồi, đồ khốn, đồ mất dạy… thì cũng chẳng khác gì kiến đốt gỗ bởi chửi như vậy thì chẳng bõ bèn gì; hơn nữa nếu Chí Phèo cứ đi lang thang ngoài đường và luôn mồm lảm nhảm “đồ tồi!”, “đồ khốn!”… thì ai mà biết được là Chí đang chửi ai. Và điều đó tất yếu lại dẫn đến hệ luỵ là người bị chửi (cũng như tất cả những người khác) sẽ coi như “nó chừa mình ra”. Mà thực ra những câu chửi kiểu này cũng chỉ mới xuất hiện và được sử dụng phổ biến trong một vài năm trở lại đây (có lẽ là từ sau năm 1986); chưa chắc là ngày đó (tức là giai đoạn 1930-1945) Chí Phèo đã biết dùng đến những ngôn từ “lịch sự” như vậy để chửi (!?)