Đã có nhận xét cho rằng: Xuân Diệu là nhà thơ chịu sự ám ảnh nặng nề của thời gian. Điều đó có thể dễ dàng nhận thấy qua những tác phẩm mà vị vua thơ tình để lại. Nếu “Giục giã” là lối sống hướng đến những điều có ý nghĩa, định hướng một cuộc đời có ích thì “Vội vàng” lại như sự hối thúc, giục giã con người chạy đua với thời gian, sống hết mình không hoài phí tuổi trẻ vốn chẳng “hai lần thắm lại”. Hiểu về quan niệm sống này, đã có ý kiến cho rằng “Vội Vàng” cổ vũ cho lối sống gấp, sống hưởng thụ đầy nguy hại ở giới trẻ. Nhạn định này là hoàn toàn không có căn cứ.
Xuân Diệu là nhà thơ tình vĩ đại của văn học Việt Nam. Tình yêu trong thơ ông không chỉ là tình cảm đôi lứa, gia đình, tình cảm giữa người với người mà còn là sự gắn kết giao thoa giữa con người và thiên nhiên. Một nhà phê bình văn học đã gọi Xuân Diệu là người “có mối giao cảm tuyệt đối với thiên nhiên”. Mở đầu “Vội vàng”, nhà thơ bày tỏ ham muốn phi lí của mình, muốn “tắt nắng”, muốn “buộc gió”. Trái tim yêu nhạy cảm với thiên nhiên đã nảy sinh trong nhà thơ tham vọng táo bạo tước đi cái quyền lực lớn lao của tạo hoá. Yêu thiên nhiên, say sưa ngây ngất trước vẻ đẹp của đất trời đương lúc “non tơ” là lối sống hưởng thụ đầy nguy hại sao? Xuân Diệu như một người say vì men xuân tinh khôi mơn mởn. Bởi thế, dưới lăng kính lãng mạn, cái nhìn đầy tài hoa, những sự vật mùa xuân hiện lên một cách tình tứ đầy chất thơ. Thử hỏi, một người sống xô bồ, chỉ biết đến hưởng thụ làm sao có được những hiểu biết về thiên nhiên như thế?
Tuổi trẻ trôi theo dòng chảy của thời gian không bao giờ trở lại nếu đã đi qua. Bởi vậy, ở đoạn cuối bài thơ, nhà thơ đã mở ra một lối sống vội vã, tận hưởng hết những hương thơm vẻ đẹp của cuộc đời. Nhưng có thể đồng hoá quan niệm sống này với lối sống gấp mà nhiều bạn trẻ đang mẵc vào được ư? “Vội vàng” của Xuân Diệu không phải là hấp tấp, ồ ạt xô bồ mà là lối sống có ích; làm được nhều điều ý nghĩa cho đời. Điều này hoàn toàn khác với sự buông thả, hưởng thụ một cách thụ động của việc sống gấp ở giới trẻ hiện nay.