Tôi hỏi đất:
Ðất sống với đất như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
Nước sống với nước như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
Cỏ sống với cỏ như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
– người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
– người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
– người sống với người như thế nào?
[Hỏi-Hữu thỉnh]
Ba dòng thơ cuối với sự lặp tuyệt đối như một lời trách giận hay là lối hỏi chua chát? Người sống với người như thế nào? Ừ nhỉ, người sống với người như thế nào? Mình sống với người như thế nào? Người sống với mình như thế nào? Câu trả lời nằm ngay trong chính dòng đời miết mải. Chẳng hiểu sao ngay từ đầu, cái câu hỏi đầy ám ảnh kia lại tạo cho mình ấn tượng sâu đến thế. Để đến lúc đọc lại cả bài thơ rồi, thì lại bật cười, có lẽ … ừ có lẽ cả bài thơ đã là lời giải đáp. Người với người sống với nhau để làm cuộc sống của nhau đầy đặn hơn, tô màu thêm sắc để cuộc đời trở nên xanh tươi hơn, và chúng ta tôn nhau lên, để cho những cái riêng của từng cái tôi nổi trội lên, nhưng đồng thời cũng hòa vào nhau, đan vào nhau trong một cái sắc chung – CUỘC ĐỜI.
Và cứ thế, đất, nước và cỏ còn thua chúng ta nhiều lắm. Chúng chỉ tạo được cho nhau, chỉ cho được cho nhau một điều nổi bật, trong khi chúng ta, CON NGƯỜI làm được rất nhiều, nhiều hơn thế. Không phải là tôi ngây thơ đến mức hiểu nhầm dụng ý của tác giả, nhưng vần thơ là để người tán tụng, để người suy diễn. Nhà văn, nhà thơ có nhìn thấy, có chỉ ra được một khía cạnh, thì tâm hồn người đọc vẫn có thể lần tìm những ngóc ngách khác. Chỉ xin hãy nhìn đời bằng một con mắt lạc quan, để cả ba lần hỏi nhức nhối được trở thành ba lần nhấn mạnh, điểm nhấn cho lòng yêu thương, sự bao dung và tình đồng loại. Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi…” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống với trong Tình và Nghĩa Lời bình luận của ai đó làm người ta giật mình … cái dụng ý hiển nhiên của tác giả bỗng chốc bị lật ngược, bị thay bằng một cách hiểu mới hoàn toàn khác. Quả thật, có lẽ hầu hết ai đọc bài thơ đều thấy khâm phục tác giả, bài thơ ý nhị, giàu ẩn ý nếu không nói là giàu ẩn ý một cách xót xa. Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào?
Lướt qua blog của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn thấy blast là “Sống trên đời cần có một tấm lòng..để làm gì em biết không?…để cho gió cuốn đi”. Còn nhớ, cách đây mấy hôm, cũng dạo qua blog của một người bạn, lại là “Sống trên đời cần có một tấm lòng…” Và đọc được nhiều nơi nữa, nhiều người bạn của tôi cũng nhắc đến câu hát vốn rất thi vị đó. Tôi chợt nghĩ, dạo này con người ta sống có tình lắm, ai ai cũng nhắc nhở bản thân mình, nhắn gởi những người xung quanh là sống cần có tấm lòng. Cho dù tấm lòng đó, chưa cần biết để làm gì, có thể là để cho gió cuốn đi.
Tôi vốn cũng hay nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng thú thật là nhiều khi không hiểu hết những ngôn từ của ông viết ra. Có lúc, tôi đọc những bài cảm nhận của người khác, nghe láng máng những người bạn giải thích cho tôi, tôi mới vỡ lẽ ra một điều rằng, à, té ra nó là như vậy như vậy. Nhiều lúc, tôi lại nghĩ, không hiểu có khi lại hay, nếu mọi thứ mà rõ ràng thì còn gì là lãng mạn nữa. Và tôi cũng đâm ra khoái những gì không hiểu, những gì mù mờ, như sương, như gió..chẳng hạn…
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn luôn nhắc nhở bản thân là hãy sống có một tấm lòng, tấm lòng của ông, dành cho cái đẹp dành cho tình yêu, dành cho cuộc sống, dành cho tình bạn. Tôi chưa từng tiếp xúc với ông, có thể là chẳng hiểu chút gì về ông, nhưng đọc những bài viết, hồi ức có liên quan đến ông, tôi nghĩ ông là người tốt, và là người có tấm lòng lắm. Nhưng có thể cho tôi một chút nghi ngờ, cho dù đó là điều không muốn. Nhưng như một triết gia nói là “bạn có thể nghi ngờ mọi điều, nhưng bạn không được phép nghi ngờ rằng, bạn đang nghi ngờ”. Như vậy, tôi có nghi ngờ thì cũng là lẽ thường của tự nhiên…
Tôi nói thế, nhưng không nghĩ là có chút hỗn nào với một bậc trưởng bối, với một nhạc sỹ nổi tiếng nhất nhì trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Tài năng và tấm lòng của ông đã được ông thể hiện qua những bản tình ca ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống và tình người, đã đi vào lòng người bao thế hệ người Việt Nam. Hầu hết những người bạn khi nhắc lại ông đều kính trọng, cảm phục và không một chút lăn tăn lợn cợn. Tôi cũng rất kính phục ông. Về phương diện là một con người, tôi tin, ông là người có tấm lòng…
Tôi biết từ sâu thẳm của con người luôn là hướng thiện và có tấm lòng rộng mở. có thể vì một lý do nào đó làm cho họ ma quỹ dẫn lối đưa đường, chìm sâu vào những ham muốn tầm thường. Họ tự đánh mất mình từ bao giờ mà không hay.
Tối nay coi bộ phim Người Nhện 3, câu kết của bộ phim, làm cho tôi ấm lòng. Hãy nhớ là Lúc bạn khó khăn, lúc bạn đau khổ, thì bạn vẫn luôn luôn có những lựa chọn. Và trong mọi cách lựa chọn, bạn vẫn luôn luôn chọn được con đường mà bạn trở lại là chính mình. Có khi lựa chọn đó trả giá bằng cả mạng sống như anh chàng Harry đã nhiều lần lầm lỗi.
Bạn tôi và tôi nữa, thốt lên, là mình cần sống có tấm lòng. Tấm lòng đó, có thể không cho ai cả, cho gió cuốn đi mà tôi. Tôi hiểu những người bạn của tôi cũng muốn có tấm lòng thật.
Nhưng, đó là lời nói, chỉ là lời nói, và nó sẽ rất đơn giản. Cần có tấm lòng, chứng tỏ tôi là người lãng mạn, và là người có lòng đích thực. Tôi có thể cho người khác biết là tôi luôn có một tấm lòng, để dành cho người xung quanh, để cho gió cuốn đi, có thể mang hương vị tới cho mọi người. Tôi vẫn tin những ai muốn có tấm lòng, là xuất phát từ sự chân thật của họ.
Nhưng cũng chính một vài trong số những người đã thốt lên là, sống trong đời cần có một tấm lòng mà tôi đã chứng kiến, lại có những suy nghĩ mà tôi nghĩ là thực dụng và thiếu tình người nhất. Đó là những người sống quanh tôi, có thể là những người bạn thân có thể là những người thoáng qua , nhưng chứng kiến những suy nghĩ và việc làm của họ, tôi bỗng thấy sự “cần có một tấm lòng” của họ sáo rỗng biết chừng nào.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ơi, ông ra đi đã để lại cho người Việt Nam biết bao bài hát hay, lay động lòng người, biết bao lời hát lãng mạn, đánh thức lòng nhân trong mỗi người. Nhưng ông có biết không? lời hát của ông, có thể là những lời nói sáo rỗng nhất của một số người. Có thể nó là một thứ trang sức đầy tính lãng mạn, cao sang. Ở nơi chín suối, ông chẳng bao giờ muốn điều đó, nhưng sự thực vẫn là vậy.
Ngày nay, có người lấy lời hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để đánh bóng mình. Có thật xuất phát từ tâm họ hay không , không ai biết cả. Nhưng nếu là người có tấm lòng đích thực, thì không cần lúc nào cũng phái thốt lên là “cần có một tấm lòng…”
Có những tấm lòng rất thầm lặng mà tôi được biết. Đó là tấm lòng của một chị nhà báo trăn trở với bao số phận, những hoàn cảnh éo le, rồi chị ấy nhận đỡ đầu hai đứa trẻ trong số những đứa trẻ bất hạnh mà chị ấy gặp. Đó là tấm lòng của một gia đình nuôi những người điên..Và có có, rất nhiều tấm lòng thầm lặng khác nữa trong xã hội chúng ta. Tuyệt nhiên, tôi chẳng thấy những tấm lòng thầm lặng đó thốt lên, “tôi cần có một tấm lòng…”. Bởi vì tấm lòng thật thì nó xuất phát từ con tim.
Và chợt nhìn qua một cảm nhận của một ai đó, lại thấy “sống trên đời cần có một tấm lòng…”
Sáng mai, có thể tôi lại đổi status và blast của tôi là “Sống trên đời, cần có một tấm lòng…”