Nền giáo dục ngày nay, mục đích thi cử rõ ràng là để lựa chọn những người đủ tâm, đủ tài cho đất nước. Nhưng chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở qua những kỳ thi nhiều khi bị biến tướng, không phản ánh thực chất của việc học hành và trình độ các thí sinh hiện tại, không phản ánh đúng thực chất của tình hình giáo dục hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Điều nguy hại của bệnh thành tích trong giáo dục là thế hệ trẻ dần dần coi chuyện dối trá là bình thường, trong khi tuổi niên thiếu là tuổi bước đầu được giáo dục để hình thành về nhân cách.
Có phải, trong hành trang vào đời của những đứa trẻ hôm nay, dối trá đã là một thứ cần thiết đi theo chúng? Những đứa trẻ đó sẽ là chủ nhân đất nước trong tương lai. Vậy những ông chủ này sẽ điều hành, làm chủ giang sơn ra sao, khi mà trong đầu họ cái cần nhất là kiến thức, nhân cách thì thiếu hụt nhưng chúng lại thừa những điều không đáng có: Sự dối trá.
Sự dối trá, thiếu nhân cách đã khiến nhiều người không muốn từ bỏ những cơ chế đặc quyền, đặc lợi, họ chỉ muốn sống bằng những cái không thuộc năng lực của mình, dù ai cũng biết rằng đó là điều cần loại bỏ nếu muốn có một xã hội tốt đẹp. Khi con người không đủ khả năng đi lên bằng chính đôi chân vững chắc, những kiến thức của mình, thì việc tạo nên và dung dưỡng một môi trường như thế để dung thân là điều dễ xảy ra.
Dù đã muộn, nhưng chúng ta vẫn cần đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc với nền giáo dục nước nhà: Làm gì để sự nghiệp “trồng người” được phát triển đúng yêu cầu của đất nước đặt ra? Đã đến lúc không thể chần chừ nữa.
Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông các cấp con số đạt tốt nghiệp thường là từ 90% trở lên, thậm chí có những nơi đến 99,067%. Trong số đó, số lượng đỗ loại khá giỏi khá cao. Nhưng cũng chính những cô tú, cậu tú đỗ khá giỏi ấy bước sang kỳ thi Đại học, để rồi đã có một khối lượng khổng lồ những điểm 0 trong các bài thi môn tự nhiên, một khối lượng không nhỏ những bài văn cười ra nước mắt, những bài lịch sử ngô nghê, không kiến thức đã nói trên thực chất của những kỳ thi trước đó.