Trong văn học Việt Nam, Nguyễn Khuyến là một hiện tượng đặc biệt. Ông vừa là nhà thơ trữ tình xuất sắc, vừa là nhà thơ trào phúng hàng đầu; vừa là một đại khoa triều quan vừa là một thôn dân thực thụ; vừa coi mọi chuyện trên đời như không có gì đáng bận tâm lại vừa mang trong lòng một mối ưu hoài năm canh nhỏ lệ.
Có thể nói, Nguyễn Khuyến là nhà thơ đầu tiên và thành công nhất về quê hương làng cảnh Việt Nam.
Nguyễn Khuyến tên thật là Thắng, sinh ngày 15-2-1835, quê làng Yên Đổ huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông từng đỗ đầu kỳ thi hương ở Nam Định năm 1864 (Giải nguyên). Năm 1871 đỗ đầu thi Hội (Hội nguyên) rồi đỗ đầu luôn thi Đình (Đình nguyên) nên người ta gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Năm 1865, sau khi trúng Giải nguyên, ông vào Huế thi Hội không đỗ, bèn đổi tên từ Thắng sang Khuyến để biểu thị ý chí quyết tâm mạnh mẽ hơn. Tên Nguyễn Khuyến có từ đó.
Ông được bổ làm Toản tu Quốc sử quán rồi Tổng đốc Sơn Tây năm 1883. Nhưng trên đường nhậm chức, ông vin cớ đau mắt, cáo quan luôn từ đó. Vẻn vẹn, ông chỉ làm quan có 12 năm.
Vì sao con người nỗ lực phấn đấu học để làm quan lại cáo quan về sớm, lúc tuổi năm mươi?
Đơn giản vì lý tưởng của nhà nho là phò vua giúp nước, nhưng thời của Nguyễn Khuyến, nước không còn mà vua cũng chẳng ra vua.
Từ năm 1883-1885, chỉ trong ba năm mà triều đình nhà Nguyễn thay đến bốn vua. Vị vua yêu nước là Hàm Nghi thì bị thực dân Pháp bắt.
Năm 1882, Hà Nội thất thủ lần thứ hai, tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết.
Ngày 25-7-1883, triều đình Huế phải ký Hiệp ước Hác-măng, đặt Việt Nam dưới quyền “bảo hộ” của thực dân Pháp.
Người thống trị thực chất ở đất nước lúc đó là thực dân Pháp. Nguyễn Khuyến sớm nhận ra điều đó: Vua chèo còn chẳng ra gì, Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề. Ông không muốn làm thằng hề, thằng hèn mà tìm một con đường để giữ lấy cốt cách, lấy đạo của mình.
Về nghệ thuật văn chương, các nhà nghiên cứu từ trước tới nay đều hết sức ca ngợi và trên thực tế, các tác phẩm của ông đã sống, đã thành một phần tâm thức của dân tộc.
Từ quan, bất hợp tác với thực dân Pháp, dùng ngòi bút để phơi bày những tội ác của thực dân và quan lại xấu xa, những giả trá, đen bạc của xã hội thời bấy giờ, giữ tấm lòng trong sạch và ngay thẳng cho đến cuối đời – đó đã là một nhân cách lớn.
Bi kịch của Nguyễn Khuyến không phải là bi kịch của một cá nhân, mặc dù ông không được thi thố tài kinh bang tế thế của mình, mặc dù ông đã có lúc đói ăn. Khi có người cho một miếng thịt, ông đã viết:
Cho ta thịt không phải sợ gì ta
Mà chỉ vì thương ta riêng một mình đói bụng
Bồi hồi khó nói ra lời
Ta đành cầm lấy thịt rồi ôm mặt khóc.
(Tặng nhục)
Ông từ quan, nghe bạn bè từ quan, nhất là khi đọc thư Đỗ Huy Liệu, bỏ chức Bố chánh Bắc Ninh, Nguyễn Khuyến đã thốt lên: “Đạo ta có lẽ chưa cùng chăng, luân thường có lẽ chưa mất chăng”? Nếu chỉ là cá nhân, cá nhân của một nhà nho, nếu chỉ giữ lấy sự trong sạch riêng mình, chỉ theo đúng lẽ xuất – xử; dùng ta ta làm, không dùng hay đời trọc ta ẩn, tự mình biết lấy mình:
Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc
Tâm trung thường thủ tự kiên kim
(Bên ngoài không cần được như ngọc đẹp, cốt trong lòng còn giữ được như vàng cứng)
hay:
Tấm hồng nhan đem bôi lấm lòa xòa
Làm thế để cho qua mắt tục
(Mẹ Mốc)
Qua được mắt tục nhưng không qua được lòng mình, một tấm lòng yêu nước thương dân như Nguyễn Trãi xưa “bui một tấc lòng ưu ái cũ”. Cho nên vang lên trong thơ Nguyễn Khuyến có một tiếng khóc xé lòng buốt ruột:
– Ba phần tóc bạc càng thêm tủi
Một tấm lòng son vẫn có thừa
– Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe…
Khóc gì? Vì “Ơn vua chưa chút báo đền, Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời”. Không làm gì được cho dân, cho nước mới đáng khóc, đáng hổ thẹn; tấc lòng ấy của nhà thơ đáng được người đời sau cảm thông, kính trọng. Không thể đòi hỏi Nguyễn Khuyến phải đối đầu, phải tìm ra con đường cứu nước vào lúc bấy giờ.
Nguyễn Khuyến là người không cố chấp và rất giàu tính thực tế, giàu tinh thần đổi mới.
Ngày ở trường phổ thông rồi lên đại học, trong bài Lụt hỏi thăm bạn, “Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu, Lụt lội năm nay bác ở đâu, Mấy ổ lợn con rày lớn bé, Vài gian nếp cái ngập nông sâu”… là Nguyễn Khuyến chế giễu anh nhà nho mà lo chuyện lợn gà là không xứng đáng và Nguyễn Khuyến tự hào về nếp sống thanh cao của mình “Em cũng chẳng no mà chẳng đói, Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu”. Sau này, đọc kỹ hơn về Nguyễn Khuyến, tôi cho rằng đó là lời hỏi thăm chân tình và ân tình. Với các bạn đồng khoa (Dương Khuê, Bùi Văn Quế (tức bác Châu Cầu) Nguyễn Khuyến có một tình cảm rất thắm thiết, thủy chung. Ông từng viết về Bùi Văn Quế “Kim lan từ thuở nhỏ chơi bời, Đôi lứa như ta được mấy người”, cho nên không có chuyện “sau bài thơ ấy, hai người không đi lại với nhau nữa”. Chú ý đến canh nông, đến lao động sản xuất là sự chú ý thường trực của Nguyễn Khuyến, và ông coi đấy là một nghiệp nhà, nghiệp lớn, là “chí”:
Các con nối chí cha nên biết
Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà
(Ngày xuân dạy các con)
Trên con đường trở về với nhân dân, Nguyễn Khuyến đã làm cho văn học Việt Nam mang một vẻ đẹp mới, vẻ đẹp của chủ nghĩa cổ điển trong chủ nghĩa hiện thực.
Một đánh giá thật xác đáng về Nguyễn Khuyến. Hai vùng văn hóa lớn: Nghệ Tĩnh – Nam Định, Hà Nam đã hun đúc nên một Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến đã làm rạng rỡ làng Yên Đổ và quê hương ông. Ông là dòng sông lớn chảy mãi trong văn học, trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Và sự khám phá về ông cũng dường như vô tận