Ý chính trong bài:
Một số điểm cần lưu ý về hoàn cảnh sáng tác: Ba bài thơ đều được sáng tác trong giai đoạn thực dân Pháp đã, đang tiến hành xâm lược nước ta, bước đầu đặt chế độ thống trị trên đất nước ta. Cả ba tác giả đều là những nhà nho yêu nước, có người đã từng ra làm quan, có người không, có người thành đạt trên con đường thi cử, hoạn lộ, có người suốt đời lận đận, mỗi người có cách thức thể hiện lòng yêu nước riêng nhưng tư tưởng, hành động của họ chưa vượt ra được hệ tư tưởng của nho giáo. Và như chúng ta đều biết, trước thời đại mới, nho giáo đã tỏ ra lạc hậu, bất lực, không thể đem lại lối thoát cho dân tộc Vì vậy, tâm trạng chung của các nhà nho yêu nước giai đoạn này đều ít nhiều mang nỗi buồn và tâm trạng thất vọng.
Phân tích biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước qua các bài thơ.
1. Thu điếu – Nguyễn Khuyến
– Tình yêu quê hương đất nước được thể hiện qua sự gắn bó sâu nặng, tình yêu tha thiết của tác giả với quê hương thông qua việc dựng lên một bức tranh làng cảnh rất đẹp, rất đặc trưng cho khung cảnh mùa thu nông thôn Bắc Bộ.
– Tình yêu nước thể hiện qua nỗi buồn lắng, suy tư của nhà thơ. Xét trong bối cảnh chung của đất nước, cũng như hoàn cảnh chung của nhà thơ nỗi buồn ấy cũng thể hiện nhân cách cao khiết và lòng yêu nước của nhà nho Nguyễn Khuyến. Ông đã cảm nhận rõ sự bất lực của mình trước thời cuộc nhưng quyết không theo đòi lũ bán nước đồng thời, dứt khoát rời khỏi chốn quan trường. Thái độ bất hợp tác với giặc và nỗi buồn đau cho tình cảnh của đất nước cũng là biểu hiện của lòng yêu nước của nhà thơ.
2. Vịnh khoa thi hương – Tú Xương
– Tình yêu nước thể hiện ở sự cười nhạo, ở sức mạnh châm biếm, đả kích vào nhiều đối tượng: trước hết đó là những “sĩ tử” cuối mùa, vẫn theo lối học vấn, thi cử xưa cũ, lạc hậu, là cả chế độ khoa cử vô dụng, lạc hậu. Và tất nhiên, có cả kẻ thù trực tiếp: “quan sứ”, “mụ đầm” – những kẻ xâm lược. Trong cái trào phúng ấy cũng hàm chứa cả sự tự trào chua chát.
– Tâm sự, ước muốn của tác giả về những con người có đủ tài, trí, đức (“nhân tài đất Bắc”), những con người có đủ tỉnh táo và ý thức trách nhiệm với “cảnh nước nhà”.
3. Chạy giặc – Nguyễn Đình Chiểu
– Tình yêu nước thể hiện ở sự xót xa cho hoàn cảnh đất nước (“bàn cờ thế phút sa tay”, “Bến Nghé của tiền tan bọt nước – Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”), sự lo lắng, thương xót cho số phận của nhân dân trong cơn loạn lạc.
– Song song với niềm thương xót ấy là sự căm giận, tố cáo tội ác bất nhân, tàn bạo của kẻ thù: tàn hại sinh linh, dày xéo, đốt phá quê hương.
– Mong chờ những con người tài đức ra tay dẹp loạn (trang dẹp loạn), đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân (cũng có thể hiểu hai câu cuối còn bao hàm cả ý oán trách triều đình nhà Nguyễn đã vô trách nhiệm, bất lực để đất nước rơi vào tay giặc, để nhân dân phải chịu cảnh lầm than).