Đề bài:
Nghị luận văn học: Bàn về thơ Hồ Chí Minh có ý kiến cho rằng: ”Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh”. Lại có ý kiến khác nhấn mạnh: ”Đây là bằng chứng của một tài thơ lớn, một tâm hồn nghệ sĩ phong phú, tinh tế trước vẻ đẹp của tạo vật và tình người”. Từ cảm nhận của mình về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên
Dàn ý:
Vài nét về tác giả, tác phẩm
– Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người là anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Đóng góp to lớn nhất của Người là sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh Hồ Chí Minh – nhà cách mạng, còn có Hồ Chí Minh – nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn.
– Chiều tối là bài thơ tiêu biểu cho thơ trữ tình Hồ Chí Minh: Nhà thơ không trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ nội tâm mà biểu hiện qua cách cảm nhận hình ảnh, cảnh vật khách quan. Bài thơ thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn và tài năng thơ Hồ Chí Minh.
Giải thích ý kiến
– Ý kiến thứ nhất: Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh. Qua những bức tranh thơ đẹp đẽ, sinh động thấy được những nét đẹp tâm hồn của một nhà thơ chiến sĩ. Đó là lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống, phong thái ung dung tự chủ và niềm lạc quan, nghị lực kiên cường vượt lên trên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, tối tăm của cuộc sống.
– Ý kiến thứ hai: Đây là bằng chứng của một tài thơ lớn, một tâm hồn nghệ sĩ phong phú, tinh tế trước vẻ đẹp của tạo vật và tình người. Thơ Hồ Chí Minh có thể chia làm hai loại, mỗi loại có những nét phong cách riêng. Những bài thơ thơ tuyên truyền cách mạng hình thức, lời lẽ giản dị, mộc mạc dễ nhớ, mang màu sắc dân gian hiện đại. Những bài thơ viết theo cảm hứng thẩm mĩ hầu hết là thơ tứ tuyệt cổ điển, có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển với bút pháp hiện đại.
Cảm nhận khái quát về bài thơ Chiều tối
– Bài thơ có vẻ đẹp sinh động của bức tranh thiên nhiên (hai câu đầu) và bức tranh đời sống con người (hai câu sau).
– Qua bức tranh cảnh vật thấy được những nét đẹp tâm hồn của nhà thơ: Lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống, phong thái ung dung, nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt..
– Bài thơ mang vẻ đẹp cổ điển: thể thơ tứ tuyệt hàm súc, hình ảnh đậm tính ước lệ, tượng trưng, bút pháp gợi tả, chấm phá. Tính hiện đại thể hiện ở việc miêu tả con người như là trung tâm của bức tranh cuộc sống, mạch thơ có sự vận động hướng về sự sống và ánh sáng
Chứng minh ý kiến
Hai ý kiến khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành một cái nhìn khái quát về thơ Hồ Chí Minh.
– Ý kiến thứ nhất: Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh.
Bài thơ Chiều tối trước hết là một bức tranh phong cảnh: cảnh rừng núi vào lúc chiều tối, ánh sáng ban ngày lụi dần đến khi tắt hẳn; bút pháp diễn tả rất chân thật, tự nhiên. Cảnh vật mang đậm tính ước lệ của thơ xưa: buổi chiều chim bay về tổ, trời tối dần. Màn đêm buông xuống người ngắm cảnh hướng về phía có ánh sáng – không phải là ánh sáng thiên nhiên mà là ánh sáng của cuộc sống con người. Nơi xóm núi cô gái nhà ai đang xay ngô. Nhà thơ không nói trời tối mà lấy ánh sáng để tả bóng tối. Ngọn lửa đỏ rực lên nghĩa là trời đã tối hẳn.
Nhưng bài thơ không chỉ tả cảnh thiên nhiên. Cần thấy ở bài thơ ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Hai câu đầu phảng phất buồn phần nào thể hiện tâm trạng người tù phải trải qua một ngày đi đường mệt mỏi, đường xa, đi từ lúc gà gáy lần thứ nhất, đêm còn tối đến khi chiều tối vẫn còn phải đi giữa rừng hoang xóm vắng nơi đất khách quê người. Nhưng bài thơ không dừng lại ở đấy: giữa núi rừng, một lò lửa rực đỏ, soi sáng một cô gái lao động đang chuẩn bị bữa ăn chiều. Cùng với hình ảnh ấy ta cảm thấy tâm hồn nhà thơ như cũng reo vui cùng ngọn lửa hồng. Người tù bỗng quên đi nỗi cô quạnh, u buồn của cảnh ngộ, cảm thông với niềm vui nho nhỏ của một người dân lao động. Có thể gọi đây là lòng nhân ái đã đạt đến độ quên mình.
– Ý kiến thứ hai: Đây là bằng chứng của một tài thơ lớn, một tâm hồn nghệ sĩ phong phú, tinh tế trước vẻ đẹp của tạo vật và tình người.
Bài thơ Chiều tối có vẻ đẹp cổ điển (thể thơ tứ tuyệt hàm súc, bút pháp chấm phá, ước lệ), rất gần gũi với thơ Đường. Thơ nghiêng về cảm hứng trước thiên nhiên, cảnh thơ bao quát rộng lớn, chỉ vài nét chấm phá đã thu được cả linh hồn tạo vật. Nhưng bài thơ cũng rất hiện đại (bút pháp tả thực, hình ảnh bình dị) nếu thơ xưa thường tả cảnh tĩnh thì ở bài thơ lại có sự vận động theo một hướng thống nhất hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.