1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
– Xuân Diệu là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của Văn học Việt Nam hiện đại với những đóng góp xuất sắc ở cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau 1945
– Đây mùa thu tới được rút trong tập Thơ Thơ (1938) là tập thơ đầu tay của ông. Bằng những cảm nhận tinh tế của cac giác quan, thông qua những cách tân mới mẻ trong việc tổ chức lời thơ, xây dựng hình ảnh, lựa chọn từ ngữ…, Xuân Diệu đã làm nổi bật bức tranh thiên nhiên mùa thu với những biến thái tinh vi nhất, những rung cảm sâu xa của lòng người trong thời khắc giao mùa…
– Bài thơ gồm 4 khổ, đoạn thơ được bình giảng là khổ đầu – khổ thơ có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xác định cảm hứng trữ tình cho cả bài thơ
2. Bình giảng khổ đầu:
2.1.Những cảm nhận đầu tiên của nhà thơ về bức tranh thiên nhiên đẹp và buồn khi mùa thu tới.
– Hình ảnh đầu tiên được Xuân Diệu chọn làm tín hiệu cho mùa thu là rặng liễu
• Liễu là hình ảnh quen thuộc trong thơ Trung đại nhưng thường chỉ được miêu tả trong vẻ đẹp mềm mại thướt tha vốn có (Lơ thơ tơ liễu buông mành…) hoặc được sử dụng như một ước lệ nghệ thuật chỉ những người con gái đẹp “liễu yễu đào tơ” theo quan niệm lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp con người.
• Trong cách cảm nhận mới mẻ của Xuân Diệu, khi con người mới thực sự là chuẩn mực cho cái đẹp thì liễu mùa thu hiện lên trong dáng vẻ, tâm trạng của một giai nhân, trong đó, “rặng liễu đìu hiu” là dáng buồn, tơ liễu thướt tha là tóc buồn, lá liễu là ngàn hàng lệ nhỏ… Liễu tựa một người con gái buồn hiu hắt và đẹp kiêu sa.
• Phép điệp vần trong các cụm từ “đìu hiu…chịu” và “buồn buông xuống”, phép láy phụ âm trong “buồn buông”cùng những thanh bằng đứng liền nhau trong hai câu đầu đã góp phần gợi tả hình ảnh những cành liễu mềm rủ buông lả lướt và nỗi buồn trĩu nặng trong lòng người
• Qua hình ảnh rặng liễu gợi liên tưởng đến một giai nhân buồn thương tang tóc, Xuân Diệu đã đem đến cho mùa thu một vẻ đẹp buồn rất đặc trưng của cảm hứng lãng mạn
– Sau tín hiệu đầu tiên, mùa thu lặng lẽ và đột ngột hiện ra trong cảm xúc ngỡ ngàng của thi nhân
• Đại từ chỉ định “đây” khiến mùa thu trở nên hữu hình, cụ thể
• Nhịp 4/3 cùng điệp ngữ “mùa thu tới” lặp lại từ tên bài thơ đến 2 vế của câu 3 đem đến một ấn tượng rõ rệt về bước đi của thời gian trong không gian, những chuyển biến lặng lẽ của thiên nhiên, trời đất trong thời khắc giao mùa
– Trong câu cuối, mùa thu hiện hữu rõ hơn và cũng gợi cảm hơn trong dáng vẻ một thiếu nữ kiêu sa, yểu điệu với tấm áo dệt bằng lá vàng “mơ phai” vừa tha thướt vừa quý phái. Hình ảnh ẩn dụ đã khiến mùa thu hiện ra vừa lộng lẫy vừa thơ mộng huyền ảo với sắc vàng rượi của nắng, của lá, với cái xao xác, hiu nhẹ của gió thu…
2.2. Những đặc sắc nghệ thuật:
– Sử dụng tinh tế và gợi cảm những hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa… vừa làm hiện lên sắc thái thơ mộng huyền ảo của bức tranh thiên nhiên, vừa thể hiện sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật
– Sử dụng thành công các phép điệp vần, điệp phụ âm, điệp ngữ…