Đã mấy thập kỷ trôi qua, mặc dù đã có một độ lùi thời gian đáng kể, mặc dù đã có nhiều cách kiến giải và khám phá khác nhau, nhưng cho đến nay, trong di sản thơ ca đã trở thành bất tử của Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ vẫn còn là một bí ẩn đối với phần đông độc giả, kể cả lớp độc giả trí thức. Đôi khi, chúng ta thường viện dẫn quan niệm: thơ hay phải nằm ở ranh giới khả giải và bất khả giải, để biện luận cho những gì không thể cắt nghĩa được một cách rành mạch trong thơ Hàn, trong Đây thôn Vĩ Dạ. Chúng tôi nghĩ rằng, để khám phá, lý giải hết được chiều sâu không cùng và đầy bí ẩn của tâm hồn thi sĩ, để tìm ra được tính thống nhất nghệ thuật của bài thơ, cũng như giá trị thẩm mỹ đích thực của nó, không có cách nào ưu việt hơn, là cùng cả thế giới thơ Hàn mà tìm về thôn Vĩ.
Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, số lượng những bài thơ kết cấu toàn bằng câu nghi vấn, bằng giọng ướm hỏi như Đây thôn Vĩ Dạ, như Hỏi Trăng (Hồ Xuân Hương) và Tiếng thu (Lưu Trọng Lư) quả thật là vô cùng ít ỏi. Bài thơ mở ra bằng một câu hỏi diết dóng vừa như một lời trách, vừa như một niềm mong ước đòi hỏi sự trả lời. Nhưng điều căn bản có tính chất quyết định là xác định xem chủ thể của câu hỏi ấy là ai. Chỉ cần trả lời được câu hỏi: nhân vật trữ tình trong bài là ai, chủ thể của những câu hỏi là ai, chúng ta sẽ tìm ra được tính thống nhất nghệ thuật của bài thơ tưởng chừng vốn rất rời rạc này. Theo chúng tôi, chủ thể của lời nói đây là người thôn Vĩ (có thể là Hoàng Cúc hoặc một người con gái nào đó), và dấu chấm hỏi không phải đặt ở cuối câu thơ đầu toàn thanh bằng mà phải đặt ở cuối khổ, nói cách khác, toàn bộ khổ đầu này mới là một câu hỏi trọn vẹn . Điều này hoàn toàn dễ hiểu, khi chúng ta thừa nhận rằng, việc những câu thơ bị cắt ngang giữa động thái, vắt xuống dòng dưới, là hết sức thông thường và phổ biến trong Thơ mới, kể cả thơ Tố Hữu; và điều này làm kết cấu câu thơ mới khác hẳn kết cấu thơ truyền thống vốn phải hoàn chỉnh, trọn vẹn về động thái trong từng dòng. Người thôn Vĩ muốn ướm hỏi người khách phương xa rằng, sao anh không về chơi thôn Vĩ để nhìn cả nắng mới lên, cả vườn xanh như ngọc, cả lá trúc che ngang… Trong tư duy phương Đông và trong thơ Hàn Mặc Tử, ngọc thường là biểu tượng cho vẻ đẹp lý tưởng là hiện thân cao nhất, trọn vẹn nhất của cái đẹp.Thi nhân đã từng hơn một lần mơ ước chết bên dòng suối ngọc (“Ngọc tuyền”), đã từng yêu trăng đến mức gọi là “trăng vàng trăng ngọc”. Vườn thôn Vĩ không chỉ có “ánh”, có “dáng hình” mà còn mang một vẻ đẹp lý tưởng, vẻ đẹp quý giá toả ra từ màu xanh mướt ấy, cùng với khuôn mặt chữ điền lá trúc che ngang và ánh nắng ban mai thanh khiết. Gần đây, khác với cách hiểu là khuôn mặt đàn ông vạm vỡ, cương nghị, rắn rỏi; hay khuôn cửa mặt tiền của ngôi nhà Huế, nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào có một cách hiểu tương đối lạ về “gương mặt chữ điền”:
“Gương mặt thấp thoáng sau lá cây kia tiêu biểu cho một vẻ đẹp của cô gái Việt Nam cổ xưa, chẳng phải vì “lá trúc che ngang”… Tôi ngờ rằng ngày nay ta chỉ còn ca ngợi vẻ đẹp của khuôn mặt trái xoan, chứ nét trên thì không thấy. Hàn Mặc Tử đã tạo cho ta một khuôn mặt độc đáo (tôi nhấn mạnh). Có lẽ vẻ đẹp của gương mặt chữ điền đặc biệt phù hợp với vành khăn giây mà quê hương của nó chính là chốn cố đô. Một cô gái bới tóc trễ như trong tranh của Tô Ngọc Vân, phải có một gương mặt trái xoan…”.
(Tài năng và người thưởng thức – NXB Hội Nhà văn H.1994, tr.25).
Dù hiểu như thế nào, dù cảnh vật có phần ảo, không định hình; tất cả những điều đó vẫn toát lên âm hưởng của hiện tại nhiều hơn là của tương lai hay hoài vọng. Đây là hiện thân cho vẻ đẹp thơ mộng, đầy đặn, hài hoà, trọn vẹn, lý tưởng của con người và cảnh Huế. Nó là cái đẹp toàn thiện, toàn mỹ.
Nhưng từ trong cội nguồn sâu xa, cảm quan của thi sĩ đã bao hàm cả thần thái trong quan niệm của người xưa: “Mĩ nhân tự cổ như danh tướng”… Nếu như ở khổ một, không gian là không gian vườn – nhà, thì ở khổ sau, không gian được mở rộng nâng cao, ra xa là nơi có mây, có nước, có sông:
“Gió theo lối gió, mây đường mây”
Câu thơ là một cặp biểu đối diễn tả sự chia lìa của cảnh vật. Mây và gió mỗi thứ một nơi. Mây ở trên cao, gió ở dưới thấp; tầm quan sát ngày càng mở rộng mãi ra. Bằng mắt thường, người ta có thể nhìn được mây, nhưng làm sao nhìn được gió? Biết được “gió theo lối gió” là nhờ sự tương giao (coréspondances) của các giác quan, nhờ cảm nhận bằng xúc giác, bằng linh cảm, một lối cảm nhận vốn rất đặc trưng cho Thơ Mới, mang đậm dấu ấn tượng trưng, siêu thực của thơ Pháp. Hiện thực hoá, cụ thể hoá những gì vô hình, vô ảnh vốn là năng lực của các nhà Thơ mới. Gió và Mây vốn là những thực thể không thể tách rời nhau, không thể thiếu nhau, do đó sóng đôi thì hài hoà, tách xa thì có nỗi niềm uẩn khúc, mà “gió theo lối gió, mây theo đường mây” là nghịch cảnh. Với gió và mây, sum họp bên nhau, đi liền với nhau là lẽ tự nhiên, tất nhiên, chia ly là nghịch cảnh, là trái tự nhiên. Hàn Mặc Tử đã cảm nhận sự chia ly ở đây như một cái gì trái quy luật, phi lý, vô lý. Vậy mà cứ phải chia xa. Đó là sự xót xa, là cảm giác bất an ngấm ngầm của Thơ mới.
Tạo vật chia lìa mỗi thứ một ngả, đi theo con đường riêng của nó. Thiên nhiên tự nó không gây ra ảo giác này. ảo giác này chỉ có thể được tạo ra bởi nỗi buồn xa cách trong lòng người, một nỗi buồn đã được phávào trong cảnh vật:
“Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Thế giới lãng mạn là thế giới mà ở đó vai trò của sự cảm hoá được phát huy cao độ, không chỉ là cảm hoá giữa người với người. Chất lãng mạn là khi cần có thể uốn quy luật tự nhiên theo quy luật tình cảm. Câu thơ này cũng là một cặp tiểu đối giữa hai trạng thái của cảnh vật, giữa động và tĩnh, giữa hoạt động và trạng thái cảm xúc. Trong chữ “buồn thiu” ấy, không thể không có một sự cảm nhận cá nhân, một giọng điệu cá nhân. Câu trên, tạo vật chia ly mỗi đường một thứ, câu này cũng là một sự lạc điệu, mỗi thứ mang một tính chất khác nhau. Sự lạc điệu, đối lập chia lìa này của cảnh vật đã phá vỡ vẻ đẹp hài hoà, trọn vẹn, tròn đầy của cảnh vật ở khổ trên. Phần trên là sự hiện thực hoá của cái đẹp lý tưởng, của những gì tròn đầy, viên mãn, thì ở đây, cái đẹp lý tưởng đang bị phai tàn đánh mất.Sáu câu thơ này quy tụ về một điểm: Dự cảm về một vẻ đẹp hài hoà, tự nhiên, trọn vẹn, quý giá của thực tại thôn Vĩ có nguy cơ bị phá vỡ. Đây là điểm bộc lộ quan điểm mĩ học của Hàn Mặc Tử, cũng như của văn học lãng mạn: Sự mong manh của cái đẹp. Xuân Diệu có thể dựng lên cho mình một thiên đường trên mặt đất, một Bồng lai giữa cõi tục trần thế, có thể thấy mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu chính là cái đẹp, cái quý giá; nhưng ông luôn cảm nhận mùa xuân đang qua, tuổi trẻ đang mất, tình yêu đang phai tàn: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua”, “Gấp đi em ! Anh rất sợ ngày mai, Đời trôi chảy tình ta không vĩnh viễn !”…. Huy Cận tự mê hoặc mình bằng một đoạn đường thơm đầy hương sắc, tươi tắn, rực rỡ, đầy hạnh phúc, nhưng cũng luôn bàng hoàng, đau đớn trước nguy cơ thời gian, không gian, dòng đời xô bồ làm xói mòn hạnh phúc: “Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”. Trong nhiều bài thơ, nhất là Mùa xuân chín, Hàn Mặc Tử luôn bị day dứt bởi một cảm giác bất an ngấm ngầm trong hiện tại, luôn bị ám ảnh bởi dự cảm về sự mong manh, dễ vỡ, dễ mất của cái đẹp: Cái đẹp trong quá khứ không giữ được đến hôm nay (Chị ấy năm nay còn gánh thóc ! Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?), cái đẹp hôm nay không giữ được đến ngày mai (Ngày mai trong đám xuân xanh ấy ! Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.). Cả một mùa xuân đang ở độ “chín” nhất (tức là đẹp nhất, hài hoà, trọn vẹn, hạnh phúc và viên mãn nhất) bỗng dường như đột ngột bị cắt ngang, bị phá vỡ khi một tương lai chia ly đã thấp thoáng phía chân trời. Hàn Mặc Tử luôn mang một cảm giác rất mạnh về sự không vĩnh viễn, không bất tử của vẻ đẹp hài hoà, trọn vẹn của hiện thực cuộc sống. Chính vì vậy mà âm hưởng chủ đạo của Đây thôn Vĩ Dạ cũng như của văn học lãng mạn là một niềm bi cảm, một nỗi buồn xót xa tiếc nuối thấm thía, một nỗi buồn của sự hoài vọng sâu thẳm.
Cảnh vật chia lìa, vẻ đẹp hài hoà, trọn vẹn lý tưởng bị phá vỡ, Hàn Mặc Tử (đúng hơn là nhân vật trữ tình) lại khao khát tìm lại vẻ đẹp ấy bằng cách cầu cứu đến một vẻ đẹp khác. Không gian của bài thơ đã mở rộng ra đầy thú vị và mộng ảo khi người thơ gửi lòng đến dòng Hương Giang ở xứ Huế:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?”.
Hai câu thơ đầy trăng và cũng đầy mộng ảo. Vẻ đẹp của sông trăng, thuyền trăng, nhiều người đã nói đến. ở đây, chúng tôi chỉ muốn lưu ý thêm rằng, với Hàn, trăng là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng, vĩnh viễn, là “trăng vàng trăng ngọc”, “chỉ có trăng sao là bất diệt”, “ta sống mãi với trăng sao gấm vóc”. Với Hàn, nơi nào có trăng, có cái dòng chảy sáng láng và thanh khiết ấy, là nơi ấy có hạnh phúc, có niềm vui, có sự viên mãn tròn đầy của sự sống, có đầy ắp tiếng cười tuổi trẻ. Hai con người trong Chơi giữa mùa trăng có khác gì hai thiên thần giữa chốn Eđen tuyệt vời hạnh phúc? Và cũng chính vì thế Hàn mới có thể say trăng, rượt trăng, ngủ với trăng, chơi trên trăng, ưng trăng, uống trăng…. thậm chí nghèo đói thì mặc trăng, ăn trăng, nhưng không bao giờ có thể bán trăng, không bao giờ nỡ bán trăng; chỉ đơn giản bởi đó là những gì đẹp nhất, quý nhất. Nơi nào có trăng, nơi ấy không còn ranh giới giữa thiên đường và trần thế, đi trong đó người ta không thể ý thức được mình đi thuyền trên trời hay dưới nước người ta mới có cảm giác “đã gần tới sông Ngân”, đã đặt chân lên “nước nhược non Bồng, động phủ thần tiên ngàn xưa còn sót lại”. Và đặc biệt, chỉ ở đó con người mới hiện lên với tất cả vẻ đẹp và sự tự do của mình, làm người khác phải bàng hoàng, thảng thốt như không tin vào mắt mình: “Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này? Có phải chị không hả chị?” Chỉ ở đó, người ta mới thật sự thấy mình tự do “được dịp phát triển tất cả”, được “giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt”. Đây là thế giới của tinh thần, là cái ánh sáng muôn năm của thiên đường hiện hữu trên mặt đất. Nhưng chỉ có điều nó cũng quá mong manh và ngắn ngủi, bởi vì chỉ cần la to một chút, “những ánh trăng sẽ tan ra bọt mất”, nó chưa phải là “ánh sáng muôn năm” !.
Dài dòng như thế, chúng tôi chỉ muốn lưu ý đến vầng trăng – biểu tượng trong Đây thôn Vĩ Dạ và thơ Hàn Mặc Tử. Do bị ám ảnh bởi những dự cảm về sự phá vỡ, mỏng manh, của vẻ đẹp hài hoà, cân đối, trọn vẹn của hiện thực, trước sự chia lìa của cảnh vật, Hàn khao khát trông chờ vầng trăng như là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng. Trăng là người bạn tri âm tri kỷ hai câu trên, trí tưởng tượng của nhà thơ đã liên tưởng tới mộng ảo với tấm lòng mong ngóng, phấp phỏng chờ đợi ở tương lai (“tối nay”). ánh trăng huyền ảo, với Hàn, có thể có uy lực tái lập lại vẻ đẹp đã mất. Nhưng, do là ý niệm về một thời gian tương lai có tính gấp gáp, cấp bách (“kịp tối nay”) do hình thức là một câu hỏi không lời đáp chắc chắn, nên mong ước tái lập lại vẻ đẹp trọn vẹn ban đầu cũng không có gì đáng tin cậy.
Không còn cách nào khác, cuối cùng, hình tượng khát khao mơ tưởng hướng về một người “khách đường xa”. Thiết nghĩ không cần nhắc lại ở đây, ấn tượng về một không gian với những con người đầy mộng ảo và thi vị. Cũng như hình tượng vầng trăng ở trên, người khách ở đây cũng như một cứu cánh có thể thiết lập lại vẻ đẹp viên mãn ban đầu. Chẳng phải là chỉ cần một người chị, một người trong “đám xuân xanh” ấy không bỏ đi lấy chồng thì mùa xuân sẽ “chín” vĩnh viễn đó sao? Trng sự láy đi láy lại của nhịp thơ, có cả cảm giác về một không gian đầy cách trở, đầy sự chia xa; thậm chí rợn ngợp và bất trắc khôn lường, lại có cả niềm khát khao gặp gỡ đến cháy bỏng. Nhưng tất cả chỉ là ảo vọng. Tôi nghĩ, không nên hiểu Đây thôn Vĩ Dạ chỉ là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp và con người Huế, cũng không nên coi nó là bài thơ tình thuần tuý. Đây thôn Vĩ Dạ trước hết phải là dự cảm về sự mong manh, không vĩnh cửu, dễ vỡ, dễ hư nát của Cái Đẹp (viết hoa) và niềm khao khát đến đau đớn về việc giữ được cái đẹp ấy, cứu vớt được cái đẹp ấy. Cái đẹp ở đây, cũng như ở Thơ Mới, không thể cứu được thế giới, ngược lại, nó cần được nâng niu trân trọng, cần được cứu vớt.
Đã rất nhiều người cố gắng cắt nghĩa và lý giải xem “khách đường xa” là lời tự xưng hay là lời người con gái gọi anh như vậy, “ở đây” là ở đâu, là thôn Vĩ hay ngoài thôn Vĩ, cách thôn Vĩ những dặm “đường xa”, “sương khói mờ nhân ảnh” là theo nhãn quan của ai, của “khách đường xa” hay đấy là theo nhãn quan của người thôn Vĩ – người con gái?…. Tóm lại là vấn đề xác định chủ thể của bài thơ, xác định chủ thể phát ngôn. Vấn đề này có lẽ sẽ không bao giờ có thể giải quyết được, nếu như chúng ta ít chú ý đến giọng điệu và hình thức lời thơ, nếu chúng ta cứ cắt vụn bài thơ mà không tìm ra sự thống nhất của các yếu tố nghệ thuật, không chú ý đến tính chỉnh thể được tạo thành từ những gì có vẻ rời rạc. Anh Chu Văn Sơn có lần khẳng định: “Ba khổ thơ là ba cảnh khác nhau thuộc về những thời gian khác nhau của thôn Vĩ Dạ: Từ khi rạng rỡ ánh mai đến khi chìm vào sương khói, không có chuyển tiếp.Chính niềm hoài vọng kia (hoài vọng về xứ sở có người mình thầm yêu – P.H.C) là tâm trạng toàn bài đã thống nhất tất cả những mảnh rời ấy”. (Để dạy tốt văn 11 CCGD – Phần văn học Việt Nam. Trường ĐHSPHNI ấn hành 1991, tr.91). Chúng tôi cho rằng, lôgic của bài thơ là lôgic của sự kiếm tìm. Nhân vật trữ tình cứ mở rộng dần không gian tìm kiếm, mong ngóng của mình. Không gian của tầm mắt vốn giới hạn nhưng không gian của niềm mơ tưởng, của suy tư thì chẳng có bến bờ. Khi nhãn giới bất lực, cũng là khi suy tưởng phát huy uy lực của mình. Từ thôn Vĩ trong hiện tại, nhân vật trữ tình suy tưởng đến những khung trời khác, trong thời gian khác (tương lai) ở cuối khổ 2 và 3. Mặc dù có một độ căng nhất định giữa hiện thực và mơ tưởng, nhưng ở đây, hình tượng khát khao mơ tưởng vẫn chiếm ưu thế. Bài thơ, do vậy không chỉ là chuyển tả thực, mà điều quan trọng hơn là nhằm gửi gắm những nỗi niềm tâm sự, những khát vọng của con người. Chúng tôi coi toàn bộ Đây thôn Vĩ Dạ là lời lẽ của người thôn Vĩ, mang cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của người thôn Vĩ. Cả cảnh và người thôn Vĩ, cả “khách đường xa” đều được nhìn qua nhãn quan ấy, mà từ “em” chỉ là từ tự xưng, đã được khách thể hoá. Nó không phải là “giọng nói, điệu nói (ướm hỏi và cảm, than) của một lòng trai” (Chu Văn Sơn (SĐS, tr.90). “áo em trắng quá…” cũng như “vườn ai mướt quá” là một cảm giác ngạc nhiên thú vị khi tự chiêm nghiệm, phát hiện về mình, vê cảnh xung quanh mình. Trong thế giới đẹp nhưng mong manh của thôn Vĩ, trong thế giới vừa thực vừa ảo ấy, con người mới “được dịp phát triển hết cả”, “mới giải thoát cái “ta” (của mình) ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt” (Chơi giữa mùa trăng), để ròi đột ngột phát hiện ra những vẻ đẹp lạ lùng, mới mẻ của những gì tưởng chừng như đã quen thuộc, đã cũ nhàm ở xung quanh ở chính mình; để có một ý niệm về kẻ khác ngay trong chính mình, để không nhận ra mình (“nhìn không ra”). Nó cũng giống hệt cảm giác lạ lẫm, ngạc nhiên, bàng hoàng như không tin ở mắt mình của Hàn khi ngắm mình và chị Lễ trong Chơi giữa mùa trăng mà chúng tôi đã dẫn ở phần trên. Hai từ “ai” ở khổ đầu không chỉ nhằm tạo ra một ngữ điệu nghi vấn, mà quan trọng hơn là tạo ra giọng điệu ngạc nhiên ấy. Chỉ khi mình vừa là kẻ khác, chỉ khi thấy cảnh vừa quen vừa lạ, con người mới cảm thấy tất cả như “mờ nhân ảnh”, tất cả “dường như muốn biến ra hương khói” (Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nam, tr.203). Và cũng chỉ lúc đó, người ta mới băn khoăn“ai biết tình ai có đậm đà”?
Thế giới của Thơ Mới là một thế giới hờ hững, rời rạc, lạnh lẽo, trống trải, không nơi nương náu, bấu víu, thiếu hẳn mọi giao cảm tương thông. ở đó, mỗi con người là một vũ trụ riêng, đầy cô đơn bí mật và không còn có thể nương tựa vào một cái gì không di không dịch – nói như Hoài Thanh. ở bài thơ thôn Vĩ này cũng vậy. ở đây không chỉ cảnh vật luôn chia lìa, lạc điệu, mong manh, luôn có nguy cơ bị phá vỡ sự hài hoà; mà ngay cả con người cũng cảm thấy mình lạ lùng, lạc lõng. Đó là một tâm hồn cô đơn đến cực điểm mà cả cảnh vật, cả vầng trăng đầy mong đợi cũng không thể nào làm dịu vợi. Ba khổ thơ là ba câu hỏi dồn dập, tha thiết đầy băn khăn, lo lắng, day dứt; ba câu hỏi lớn cuộn xoáy vào lòng đồng cảm của con người. Đó chỉ có thể là những nỗi niềm của một con người “đang khao khát tình yêu thương”, đang băn khoăn “người xa tôi quá nói nghe chăng?”. Cũng xin mở ngoặc nói thêm rằng, chưa ở đâu lại có lắm câu nghi vấn, lắm câu có giọng điệu hỏi như trong thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ được thiết lập theo nguyên tắc tương phản, phi đối xứng, không hài hoà: cảnh đẹp mà người về là không hài hoà, tạo vật lạc điệu là không hài hoà, mong người mong trăng mà không có mặt, khao khát được cảm thông mà chưa chắc đã thấu tình cũng là không hài hoà. Nhưng chính sự không hài hoà ấy nhằm thức tỉnh tình cảm và khát vọng về sự hài hoà mới – sự đồng cảm của các cá nhân. Nhập thân vào điểm nhìn, giọng điệu, lời lẽ của người thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử muốn thể hiện trong bài thơ niềm khát khao được cảm thông, được thấu hiểu, niềm khát khao giao cảm của một cái tôi cô đơn. Niềm khao khát, băn khoăn, mong đợi này trước hết là của người thôn Vĩ, nhưng nó cũng là của chính Hàn (được thể hiện gián tiếp qua nhân vật trữ tình). Không phải là của người thôn Vĩ thì không thể có một tiêu đề bài thơ vừa khẳng định sự hiện hữu của thôn Vĩ, vừa bộc lộ một niềm tự hào thầm kín như thế. Nhưng nếu như không phải là của Hàn, thì cũng không thể có được bài thơ này, lại càng không thể có được một câu hỏi đầy vu vơ, phiến chỉ, không xác định nhưng cũng đầu đau đớn dằn vặt ở cuối bài như thế. Cũng không thể loại trừ rằng cách dùng từ “ai” ở đây có thể do tính cách kín đáo, tế nhị, thuỳ mị… của những cô gái Huế quy định.
Đây thôn Vĩ Dạ, như thế, không chỉ là bài thơ vịnh cảnh hay bài thơ tình thuần tuý mà còn là dự cảm về sự mong manh của cái đẹp trong thực tại và niềm khát khao níu giữ cái đẹp ấy, là nỗi niềm của một cái tôi bơ vơ cô độc mong muốn có sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu nhưng cũng nhiều ảo vọng, băn khoăn. Khi tình cảm của con người được cảm thông thấu hiểu, khi mối tình đậm đà của con người được xẻ chia, hoặc cao hơn, khi “khách đường xa” có thể về thôn Vĩ thì cũng là lúc vẻ đẹp hoàn mỹ, lý tưởng, hài hoà, trọn vẹn, viên mãn của con người và cảnh vật được tái lập, vẻ đẹp quý giá của thực tại sẽ bớt mong manh, thậm chí có thể trở thành vĩnh cửu. Lúc ấy, tất nhiên, những nguyên tắc đối xứng và niềm hoài vọng cũng không còn. Từ góc độ này, nếu xét bài thơ với tư cách là một bài thơ tình, chúng ta sẽ thấy, “khách đường xa” sẽ là một người tình lý tưởng đến mức nào, là người – mà đối với người thôn Vĩ sẽ là trung tâm điểm của đời nàng, là khát vọng lớn lao, là những gì không gì có thể thay thế được. Một người như thế mà khao khát mong đợi thì cũng phải lắm thay!
Tôi không dám tự coi mình là một “khách đường xa” cùng thế giới thơ Hàn tìm về thôn Vĩ, ngõ hầu có thể cắt nghĩa và lý giải ít nhiều về xứ sở thơ mộng nhưng cũng đầy bí ẩn này. Chỉ dám coi đây là một nén tâm nhang tưởng niệm hương hồn của Tử. Nếu Tử còn sống, biết đâu, Tử chẳng đọc một vần thơ nào đó để nói về mình, một vần thơ, như của Ônga Becgôn chẳng hạn:
“Tôi – con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi cô độc quá trong đời”.