Có thể không ngại quá lời rằng: đã có mấy ai trên cõi đời này viết về vợ mình vừa ân tình vừa hóm hỉnh, tài giỏi đến thế, như Tú Xương, qua bài thương vợ:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!”
Ngoài bài trên, Tú Xương còn có mấy bài nữa viết về vợ, đặc biệt cả một bài Văn tế sống vợ, một điều mà xưa nay, trong văn chương chưa mấy ai làm.
Bà Tú cũng rất xứng đáng để nhà thơ của chúng ta yêu quý và nể trọng. Tương truyền bà là một phụ nữ hiền thục, đảng đang và đặc biệt là rất quý trọng chồng, mặc dù suốt đời ông chẳng làm nên danh phận gì, đặt tất cả gánh nặng lên vai bà:
“Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Câu thơ mở đầu bao quát đủ hai chiều thời gian và không gian: đầu này là thời quan – quanh năm – đầu kia là không gian – ở mom sông – Trong ngôn ngữ thi ca, viết như vậy là đã tổng quát đầy đủ, cũng như trong văn xuôi khi viết: ngày đêm nghỉ, đói ăn khát uống… Một câu thơ thất ngôn đã tóm lược đầy đủ sự tần tạo, nỗi vất vả của bà Tú với trách nhiệm người lao động chính trong gia đình, để:
“Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Thời gian bài Thương vợ ra đời, ông bà Tú đã có năm mặt con: bốn trai và một gái. Nhà thơ cũng có một lần ghi tên con mình vào một bài phú: “Tên Uông, tên Bái, tên Bột, tên Bành”.
Bà Tú, tên là Phạm Thị Mẫn, người quê ở Hải Dương, vốn là:
“Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”.
“Lây chồng kẻ chợ” là theo nghề buôn bán nhưng không có cửa hiệu cửa hàng để có thể thong dong ăn trắng mặc trơn, mà: “Quanh năm buôn bán ở mon sông”
“Quanh năm” lo chạy chợ, tần tạo không ngừng không nghỉ lấy một ngày. Mơ mắt là lo thuế lo má, lo ăn lo làm, để: “Nuôi đủ năm con với một chồng”.
“Nuôi đủ” là nuôi hết mọi người trong nhà, nuôi từ cái ăn đến cái mặc, trăm thứ bà làm, nuôi tất tần tật… Tóm lại là nuôi bao trọn gói, cũng là một kiểu “bao cấp”. Và không phải bao cấp bình thường đâu nhé, mà là bao cấp “quan và lính tại gia” đó:
“Bốn con làm lính, bố làm quan.
Nước quạt chưa xong, con nhảy ngựa,
Trống chầu vừa dứt, bố lên thang.
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ,
Đem truyện trăm năm giở lại bàn”.
Nhà thơ kê một danh sách mà vợ phải nuôi: “… năm con với một chồng”. Một điều ngẫu nhiên đáng yêu đã xảy ra khi nhà thơ viết câu thứ hai: “Nuôi đủ năm con với một chồng”
Nhà thơ tự đứng ở cuối bản tên vợ phải nuôi. Tác giả đặt mình ở cuối cùng là vì nhu cầu của vần điệu. Không ngờ niêm luật lại giúp nhà thơ cười cợt mình là “đồ vô tích sự”, “đàn ông đàn ang” sức dài vai rộng mà phải sống nhờ vợ, trở thành một thứ gánh nặng cho người đàn bà. Người đàn bà thường thường sức yếu, vai mềm, “tài hèn trí đoản”… Hóm hỉnh và xót xa biết bao. Nguyễn Đình Chiểu trong Tú Xương, nhà thơ lớn của dân tộc có việc: “Có người nhận xét rằng: Tú Xương tự nhận mình là một “thứ con đặc biệt” của vợ mà không chút ngượng ngập, sĩ diện”. Ngày trước, các văn nhân thi sĩ không phải họ không biết quý trọng vợ. Nhưng vì lễ giáo ràng buộc, họ chỉ dám ca tụng công đức các bà lúc các bà đã quy tiên. Tú Cương công khai ghi nhận công lao của vợ lúc bà còn trẻ (Về sau, bà còn có với ông những ba mặt con nữa). Kể đó, ở hai câu thực nhà thơ hình dung hình ảnh “lặn lội thân cò” để miêu tả sự vất vả của vợ. Tiếng là dân kẻ chợ, ở phố hẳn hoi – “ở phố hàng Nâu…” nhưng phải: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”.
Con cò từng có mặt trong ca dao:
“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non”.
Nó được ví với người lao động côi cút làm lũ, cần cù… Tú Xương mượn hình ảnh con cò để nói lên thân phận vất vả lo toan của vợ mình. Tác giả còn dùng phối hợp biện pháp đảo ngữ để nhấn mạnh một cuộc sống nhẫn nãi của vợ trong một cảnh đời xô bồ, phức tạp. Hai câu thơ ba và bốn như những nét khắc, nét chạm, có giá trị tạo hình lớn”
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
Tú Xương đã đưa vào văn chương bức “chân dung” đẹp đẽ của vợ mình. Đã có mấy người phụ nữ có cái may mắn như bà Tú? Ngẫu nhiên, nhà thơ đã làm cho vợ mình bất tử. Âu cũng là nhà thơ yêu quý của chúng ta đã “trả” được “món nợ” tinh thần đối với người bạn đời cũng đáng công cho bà Tú, người vợ, người mẹ suốt đời hy sinh cho chồng, cho con. Tinh thần hy sinh ấy là nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc. Vấn đề đặt ra ở hai câu luận là chuyện duyên và nợ. Người đời có nói: “đàn bà mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu”. Khi đã về nhà chồng, thì hoặc là được “duyên may phận đẹp” hoặc là chịu “phận ẩm duyên ôi”. “Kiếp sinh ra thế” (Nguyễn Du) thì chấp nhận thế, vươn lên làm chủ mình, làm chủ cuộc sống, quản chi vất vả nhọc nhằn!
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”.
Lời thơ dung dị, tự nhiên, chữ nghĩa trong sáng, giản dị chuyển tải những cảm xúc hết sức chân tình: “Một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa”, “âu đành phận”, “dám quản công”. Mạch thơ đang tiến triển uyển chuyển, tha thiết, bỗng văng ra một câu chửi:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Nhà thơ tự chửi mình, chửi cái anh chàng đoảng và vô tích sự là mình. Cũng vì cái đời này có “bạc”, nó mới ra cơ sự, mới nên nông nổi này. Người đọc sẽ suy ngẫm ý nghĩa sâu sắc của lời chửi độc ấy. Còn nhà thơ chỉ vì ân hận bối rối mà buộc ra lời chửi đó, âu cũng là một cách tạ ơn vợ ân tình và hóm hỉnh biết bao!
Các câu kết đã đem đến cho người đọc khoái cảm vì bất ngờ. Bất ngờ là yếu tố thường gặp trong bút danh Tú Xương. Điều ấy giải thích vì sao thơ văn ông luôn luôn đem đến cho người đời thú vị sâu xa.