Vào những năm đầu thế kỷ XX, giới báo chí văn nghệ sĩ trong nước có tranh luận về việc có nên đưa Truyện Kiều vào dạy trong nhà trường hay không. Nhiều người cho rằng Truyện Kiều là truyện phong tình “quyết không thể nào đem ra làm sách dạy đời được” (5). Trong một bài viết trên báo Hữu Thanh, số 21, ra ngày 01/9/1924, cụ Ngô Đức Kế nói: “Ngày trước, các cụ tiền bối thường cấm con em xem Truyện Kiều, trong xã hội, ai hay đọc Truyện Kiều nghêu ngao thì cho là kẻ đàng điếm (…) thế mà ngày nay, đức văn sĩ ta biểu dương Truyện Kiều lên để khai hóa cho quốc dân, đem Truyện Kiều làm sách Quốc văn giáo khoa (sách dạy), làm sách sư phạm giảng nghĩa (sách thầy) (…) Than ôi, Kim Vân Kiều mà cai trị nước Việt Nam thì xã hội nước Việt Nam không nói cũng biết rồi” (tức là sẽ hư hỏng như Thúy Kiều). Sau đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng cho rằng xã hội Việt Nam thời đó hư hỏng là do người ta mê Kiều “Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong, bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít” (báo Tiếng Dân, ngày 17/9/1930) (1). Không chỉ có các nhà Nho lên án mà dân gian cũng có câu “Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng ngạc nhiên không hiểu sao người Việt Nam lại ca ngợi hết lòng một cô gái đĩ (chẳng lẽ nghề đĩ là tốt đẹp và phổ biến ở Việt Nam ?)
Nếu Kiều không tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam thì nhân vật văn học nào sẽ ở vị trí đấy ? Có lẽ nàng Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu là ứng cử viên sáng giá nhất. Bởi vì, cốt truyện “Lục Vân Tiên” là do Nguyễn Đình Chiểu sáng tạo ra dựa trên cuộc đời thực của tác giả. Như vậy, Nguyệt Nga là gái bản địa, nàng kết tinh những phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam: “Công, dung, ngôn, hạnh”, “Trung, hiếu, tiết, nghĩa”. Vì chung thủy với người yêu đã chết nên nàng cự tuyệt không lấy con quan tể tướng. Nàng biết chống chọi lại với hoàn cảnh chứ không phải buông xuôi rồi rên rỉ: “Kim Liên ơi hỡi Kim Liên / Xin em hãy lấy Vân Tiên làm chồng”. Vì trung với nước nên nàng chấp nhận xuống thuyền đi cống Hồ nhưng rồi lại để Kim Liên thay mình rồi tự vẫn. Lúc trôi dạt vào nhà Bùi Kiệm, mặc cho hắn dụ dỗ, nàng vẫn trốn đi (không ăn cắp thứ gì của Bùi ông mang đi cả). Ở với bà lão trong rừng, nàng cũng chăm chỉ quay tơ dệt sợi, lao động tay chân như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Trải bao sóng gió cuộc đời, nàng vẫn giữ trọn tấm lòng trinh bạch với người tình mà nàng nghĩ đã chết rồi. Nàng xứng đáng là nhân vật điển hình cho phụ nữ Việt Nam.
Nhưng trên đời này có biết bao nghịch lý. Nguyệt Nga tốt nết hơn Thúy Kiều nhưng thiên hạ lại biết Kiều nhiều hơn Nguyệt Nga. Vì ngưỡng mộ tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du mà người ta ngộ nhận rằng, bất cứ đứa con nào do thiên tài sinh ra cũng đều tốt nết cả. Thúy Kiều không toàn mỹ nhưng Truyện Kiều vẫn cứ là kiệt tác. “Truyện Kiều” cùng với “Số đỏ” là hai đỉnh cao đại diện cho hai thời kỳ văn học trung đại và hiện đại. Đó là hai tác phẩm rất hay, nhưng …
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào