Đề bài: “Mục tiêu biện minh cho phương tiện. Nói một cách khác, nếu mục tiêu là đáng giá, thì bất kỳ phương tiện nào thực hiện để đạt được mục tiêu đó đều là chính đáng”. Bạn có đồng ý với phát biểu trên không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống
Bài tham khảo:
Ai cũng hiểu rằng, muốn thành công, trước hết cần phải có một mục tiêu. Từ đó, mỗi người sẽ chọn cho mình một phương thức, hay phương tiện, để đạt tới mục đích ấy. Có ý kiến cho rằng: “Mục tiêu biện minh cho phương tiện. Nói cách khác, nếu mục tiêu là đáng giá, thì bất kì phương tiện nào thực hiện để đạt được mục tiêu đó đều là chính đáng”.
Trước khi đưa gia lời đánh giá, chúng ta cần phân tích kỹ hơn về quan điểm này.
Đầu tiên, cần phải hiểu thể nào là mục tiêu. Một vận động viên điền kinh chạy luôn có một cái đích. Một con tàu trên biển cũng phải có một điểm tới. Rõ ràng, thiếu đi mục tiêu, mọi sự vận động đều trở nên vô ích, hỗn loạn. Nói cách khác, mục tiêu chính là ngọn đèn dẫn lối, là một viễn tưởng trong tương lai. Nắm rõ mục đích của mình, mọi việc chúng ta làm sẽ có thứ tự, hiệu quả và có nghị lực để tiếp tục phấn đấu. Không có mục tiêu thì thật khó mà thành công.
Để đạt đến mục tiêu, chúng ta cũng cần thêm một yếu tố: “Phương tiện”. Sau khi xác định rõ mục tiêu, ta cần tìm ra một “phương tiện” để đi tới mục tiêu đó. Có mục tiêu mà thiếu phương tiện cũng giống như ngồi trên một chiếc xe không bánh, dù biết đường mà vẫn không sao đi được. Tóm lại, “phương tiện” ở đây chính là bất kể điều gì đưa ta đến với mục tiêu.
Có mục tiêu rõ ràng, phương tiện phù hợp, việc đạt được ao ước không phải là điều khó khăn. Thế nhưng mỗi người lại ấp ủ những ao ước khác nhau, có những mục tiêu tốt, nhưng thậm chí có những mục tiêu xấu. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ xét tới những mục tiêu tốt, được gọi là “đáng giá” mà thôi.
Mục tiêu “đáng giá” khi thành công sẽ đem lại một tương lai cũng “đáng giá”, hay “có giá trị”. Mục tiêu ấy cần đem lại lợi ích, trước hết là cho bản thân chủ nhân của nó, tiếp đến là cho cộng đồng. Thế nên, việc thực hiện thành công “mục tiêu đáng giá” là vô cùng quý báu. Khi ấy, việc chọn được một “phương tiện” hiệu quả trở nên rất qua trọng.
Hiểu rõ “mục tiêu” của mình là “đáng giá”, hẳn không ai muốn bỏ lỡ cơ hội để biến nó thành sự thật. Bằng mọi giá, ta phải thực hiện được niềm ao ước bấy lâu. Trước mắt ta sẽ bày ra một số “phương tiện” có vẻ khả thi. Nhưng có một vấn đề: cần lựa chọn một “phương tiện” hiệu quả, nhưng cũng cần một “phương tiện” lành mạnh.
Nhưng để xét xem liệu một “phương tiện có lành mạnh hay không thì lại phụ thuộc vào từng trường hợp. ”Có thể định nghĩa từ “lành mạnh” như là: có ích, không làm hại tới mọi người; hay là: chơi đẹp,… Giả sử, “mục tiêu” của tôi là đạt cúp vô địch giải bóng đá của trường. Cùng với đội của lớp, chúng tôi phải đánh bại các đối thủ khác. Lúc này, “phương tiện” của chúng tôi có thể là: luyện tập để thi đấu cho tốt; hoặc là: gây hại cho đối phương, hay một số thủ đoạn chơi xấu, để giành phần có lợi cho đội của mình,… Ở đây “lành mạnh” được nhận diện một cách rõ ràng: luyện tập để thi đấu tốt, chứ không phải chơi xấu.
Nhưng không phải lúc nào ta cũng dễ dàng nhận ra như thế. Trong chiến tranh, để chiến thắng, để bảo vệ quyền lợi cho dân tộc mình, những người lính phải đánh nhau, thậm chí giết chóc,… Cứ cho rằng chúng ta đang chiến đấu vì lẽ phải. Nhưng bây giờ, nếu ai hỏi tôi rằng: “Bạn nghĩ sao về việc giết người?” hẳn tôi sẽ nói “Thật tệ!”. Vậy chẳng lẽ cả một dân tộc sẽ không chiến đấu, để rồi trở thành nô lệ chỉ vì một lý do “không giết người” hay sao? Không đời nào! Bởi chính hành động can đảm ấy đã ngăn chặn tội ác, và hành động ấy cũng là bắt buộc, là duy nhất, nên đó là một hành động hay môt “phương tiện” không có gì là sai trái. Độc tố rõ ràng là không tốt, nhưng người ta vẫn thường nói “lấy độc trị độc” đấy thôi. Thế nên, việc lựa chọn “phương tiện” cho một “mục đích” dù là tốt đẹp, là “đáng giá” thì vẫn cần có sự cân nhắc kỹ càng.
Tóm lại, mỗi người cần xác định rõ một “mục tiêu” sao cho đáng giá. Nhưng việc lựa chọn một “phương tiện” để đi tới “mục tiêu” cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta không thể ngộ nhận một cách máy móc: “mục tiêu biện minh cho phương tiện”, mà cần phải suy xét dựa trên lợi ích chung của cả cộng đồng nữa. Như thế, ta không chỉ thực hiện ước mơ cho riêng mình, mà nó sẽ trở nên một ước mơ chung, một ước mơ lớn lao cho bao người khác.