Kim châu?
Tất cả mọi người đều kinh ngạc nhìn Long Giang. Hiển nhiên, không ai hiểu được câu này của y là có ý gì.
Tống Huy Tông lấy làm hiếu kỳ hỏi: – Ý của ngươi là gì?
– Xin bệ hạ chờ một lát.
Long Giang nhận lấy một con dao sắc bén trong tay đồ đệ, mọi người chỉ mơ hồ thấy hắn cầm con dao huơ mấy nhát trên bề mặt tay gấu.
Chợt nghe thấy một tiếng “xì” khẽ vang lên.
Rồi tiếp đó lại nghe “xoẹt” một tiếng.
Mọi người định thần nhìn kĩ, chỉ thấy viên kim châu trong tay gấu đã bị Long Giang chém đứt, nước chảy ra lập tức tràn đầy bàn tay gấu, tỏa khói nghi ngút. Lúc này, mọi người đều chẳng cách nào nhìn rõ bàn tay gấu được nữa.
Tả Bá Thanh vỗ tay nói: – A ha, hóa ra là vậy. Ta hiểu rồi, ta hiểu rồi.
Tống Huy Tông vội hỏi: – Bá Thanh, ngươi hiểu được gì?
Tả Bá Thanh gục gặt nói: – Bẩm hoàng thượng. Thần đã hiểu vì sao Long sư phụ phải đâm một trăm lỗ trên bàn tay gấu.
Tống Huy Tông ồ lên một tiếng, nói: – Vậy ngươi mau giải thích thử xem!
Tả Bá Thanh liếc nhìn Long Giang, tỏ ý hỏi ngươi muốn tự mình giải thích, hay để ta giúp ngươi. Long Giang vuốt cằm nói:- Tiểu nhân cũng muốn được nghe kiến giải của Tả tổng quản.
Tả Bá Thanh lúc này mới nói:- Ban nãy lúc Long sư phụ dâng món tay gấu lên, vẫn còn bốc khói nghi ngút. Điều này cũng cho thấy tay gấu mới được lấy từ trong nồi ra, nhưng trước đó Long sư phụ lại nói, viên kim châu kia đã được đóng băng, cũng tức là nói nước mật cá bên trong đã được làm đông. Lúc Long sư phụ chẻ viên kim châu kia, nước mật cá đông lạnh sẽ tràn ra thấm vào tay gấu đang nóng hổi, tay gấu vốn mềm ra do hấp cách thủy, nhưng gặp nước mật cá đông lạnh sẽ lập tức co lại, hơn thế nữa một trăm lỗ kim châm kia sẽ càng giúp tay gấu dễ hấp thụ nước mật cá hơn. Chúng ta nấu ăn đều là dùng nhiệt để ngấm vị, còn Long sư phụ lại nấu nướng theo cách ngược lại. Phương pháp nóng lạnh kết hợp này quả thật vô cùng khéo léo tài tình. Bá Thanh tự thẹn không bằng.
Long sư phụ chắp tay cười nói:- Không dám, không dám. Tả tổng quản quá khen rồi. Long mỗ chỉ là hạng mùa rìu qua mắt thợ mà thôi. Tả tổng quản nói không sai, Long mỗ quả thực đã lợi dụng sự chênh lệch nóng lạnh, giúp nước mật đặc chế thấm vào tay gấu.Nói vậy nhưng trên vẻ mặt y không hề có lấy nửa phần khiêm tốn, trái lại còn có chút tự đắc. Có thể thấy y vô cùng tự tin vào món ăn này.
– Thì ra là thế.
Tống Huy Tông khẽ gật gù, nói: – Phương pháp nấu nướng này, trẫm cũng là lần đầu được biết đến.
Đoàn Chính Văn lắc đầu thở dài:- Nếu đã vậy, tay gấu và nước mật cá hoàn toàn dung hòa. Hương vị này không cần nói cũng biết.
Triệu Giai đột nhiên kêu lên: – Phụ hoàng mau nhìn kìa! Kim chưởng, kim chưởng kìa!
Mọi người đều bất giác nhìn về phía món tay gấu, những tiếng kêu kinh ngạc lập tức vang lên.
Hóa ra bàn tay gấu vốn đỏ au, giờ đã biến thành màu hoàng kim, kim quang tỏa ra tứ phía, càng thêm mê người.
Trong lòng Tống Huy Tông cảm thấy hết sức hiếu kỳ, bèn hỏi:- Long sư phụ, thế này là thế nào? Tay gấu vừa nãy rõ ràng là màu đỏ au, nay sao lại biến thành màu hoàng kim thế này?
Long Giang liền đáp: – Đây là do lúc tiểu nhân điều chế nước mật cá, đã cho thêm một loại nguyên liệu đặc biệt vào, điều chế thành màu hoàng kim. Lúc tay gấu hấp thụ nước mật cá, màu sắc tự nhiên sẽ biến thành màu hoàng kim.
– Tài tình, quả thật là tài tình!
Thái Kinh cũng nhịn không được, vỗ tay kêu lên: – Đây là lần đầu lão phu được trông thấy món ăn đổi thành màu hoàng kim. Ha ha, Long sư phụ, trù nghệ của ông quả thật là không thể dùng lời nào để diễn tả.
Tả Bá Thanh cũng cất lời tán thưởng:- Hóa ra vẫn còn một tầng ý nghĩa nữa ẩn giấu bên trong. Món Chưởng Thượng Kim Châu này quả thực rất tuyệt vời.
Cao Bình và Quách Thiên đứng bên cạnh trông thấy không khỏi có chút nản chí, trong lòng chỉ thầm hi vọng, món này chỉ được vẻ bề ngoài, mùi vị cũng thường thôi.
Tiếc rằng, đợi sau khi Tống Huy Tông và những người khác nếm thử xong, một chút hi vọng trong lòng họ cũng hoàn toàn bị dập tắt.
Tống Huy Tông vừa mới cho một miếng tay gấu vào miệng, đã thấy toàn một mùi hương ngào ngạt, không hề có chút vị hôi nào. Không chỉ vậy, mỗi lần nhai, nước thịt tản ra tứ phía, thơm ngon vừa miệng, không hề ngấy, lại thêm giòn mềm, hơn nữa nhai kỹ còn cảm nhận được hương thịt tự nhiên của tay gấu, thật đúng là ba vị tươi, ngọt, mặn đều được phát huy một cách tinh tế và nhuần nhuyễn. Tống Huy Tông vỗ bàn một cái, cao giọng tán thưởng:- Cổ nhân có câu, cá và tay gấu không thể đủ cả, nhưng món này của Long sư phụ lại có thể dung hòa một cách hoàn mỹ cả hai thứ với nhau, đạt đến trình độ trong ta có ngươi, trong ngươi có ta, hương vị quả thật không nói cũng biết. Ngon, nấu rất ngon.
Ai nấy đều hồ hởi khen ngợi, tán thưởng không dứt. Duy chỉ có một điều đáng tiếc, tay gấu to chừng đó, mỗi người chỉ ăn được một miếng nhỏ, thật là chưa đã nghiền.
Long Giang nhận lấy lới tán thưởng của mọi người, sau đó lui sang một bên, đứng cùng với Quách Thiên và Cao Bình. Hai người Quách, Cao trông thấy vẻ mặt đắc ý của Long Giang, trong lòng vô cùng khó chịu, đều mơ hồ hi vọng Lý Kỳ có thể thắng được lão.
Trong bốn món đã được thử hết ba, tuy ba món trước đều càng lúc càng đặc sắc, nhưng không hề ảnh hưởng đến sự kì vọng của mọi người đối với món ăn của Lý Kỳ. Tống Huy Tông lên tiếng hỏi: – Món của Lý Kỳ đã nấu xong chưa?
Một tiểu thái giám đứng trước cửa nói:- Bẩm hoàng thượng, Quan Yến Sứ vẫn chưa nấu xong.
Tống Huy Tông khẽ gật đầu, nói:- Nếu đã vậy chúng ta chờ thêm chút nữa.
Mọi người đều hồ hởi gật đầu, vội vã uống trà súc miệng, chuẩn bị nghênh đón món sau cùng.
Một lát sau, tất cả bỗng nghe thấy một thái giám la lên:- Đến rồi, đến rồi.
Mọi người đồng loạt đưa mắt nhìn ra cửa.
Người đầu tiên bước vào không phải Lý Kỳ mà là hai viên thị vệ. Mọi người chỉ thấy họ khiêng một bức hoành phi dài một mét vào, vì trên bức hoành được che phủ bởi một thứ màu trắng, nên không nhìn rõ bên trong là gì.
Hoá ra không phải là món ăn của Lý Kỳ.
Mọi người đều lập tức lộ vẻ thất vọng, tiếng thì thầm khe khẽ vang lên.
Tống Huy Tông nhíu mày hỏi:- Ai cho các ngươi vào đây? Tấm hoành phi kia là của ai đưa đến?
Sắp đến lúc cao trào lại đột nhiên xuất hiện một tấm hoành phi, thực có chút mất hứng.
– Bẩm hoàng thượng, thứ này là do vi thần bảo bọn họ mang vào.
Lời vừa dứt, Lý Kỳ liền dẫn theo hai đồ đệ tiến vào, hướng về phía Tống Huy Tông hành lễ.
Tống Huy Tông không vui nói: – Lý Kỳ, ngươi mang tấm hoành phi đó đến làm gì? Món ăn của ngươi đâu?
Hai người Ngô, Trần nghe xong, vẻ mặt hết sức kì quái, cúi đầu cười trộm.
Hai tên tiểu quỷ này. Lý Kỳ khẽ trừng mắt nhìn họ một cái, rồi quay về phía Tống Huy Tông nói:- Bẩm hoàng thượng, đây chính là món ăn của thần!Vừa nói hắn vừa chỉ về phía tấm hoành phi, sau đó quay sang nói với mấy tên thị vệ:- Mau đặt nó lên bàn.
Mấy tên thị vệ lập tức đặt tấm hoành phi lên bàn, sau đó lui xuống.
Mọi người nghe thấy tấm hoành phi này chính là món ăn của Lý Kỳ liền nhất thời ngẩn ra, hai mắt mở to. Màn trình diễn này quả thực không giống bình thường, chỉ có kinh sợ chứ không vui chút nào.
Tống Huy Tông ngây người hồi lâu rồi mới lên tiếng:- Ngươi nói đây là đồ ăn?
– Đúng vậy, thưa bệ hạ.
– Thứ màu trắng này chính là cá nóc?
Ba ngự trù còn lại vừa nghe thấy chữ cá nóc, sắc mặt đều biến đổi lớn.
– Thứ màu trắng này sao?
Lý Kỳ ngẩn người một lúc, rồi mới cười nói: – Bẩm hoàng thượng, thứ màu trắng này chỉ là tàu hủ ky chưng lên thôi, dùng để giữ độ ẩm, giờ thần sẽ lấy nó ra.Hắn vừa nói vừa lấy ra một con dao khẽ rạch bốn đường theo khuôn gỗ. Sau đó dùng hai ngón tay nắm lấy một bên, từ từ vén ra, một làn khói trắng lập tức bốc lên.
Trong làn khói mờ ảo, mọi người mơ hồ trông thấy một bức họa vẽ cảnh núi sông.
Tống Huy Tông hít một hơi lạnh, đột nhiên đứng dậy tiến lên phía trước, những người khác cũng hồ hởi vây quanh.
Chỉ thấy một dãy núi trùng trùng điệp điệp, cổ bách lục trúc, nhờ làn khói làm nền, tựa như được bao phủ bởi một tầng lụa mỏng, mờ mờ ảo ảo, trong làn khói lúc ẩn lúc hiện tựa như xa như gần, như có như không, lại giống như sóng gợn trên mặt biển, cuộn trào mãnh liệt, hùng vĩ tráng lệ.
Trên không còn có một con kim hồng du long đang lượn lờ, bên trái du long là trăng rằm, kế tiếp đó là bốn chữ “Nhật nguyệt tranh huy”, bên phải lại là vầng thái dương đỏ rực, tựa như mặt trời mới mọc, bên cạnh cũng đề bốn chữ “Khí thôn sơn hà”
Phông nền nửa bên trên là màu trắng, nửa bên dưới lại là màu vàng nhạt.
Vẻ mặt của mọi người giống nhau một cách kì lạ, mồm khẽ há, người ngây ra như phỗng.
Tống Huy Tông khóe miệng run run:- Đây là thức ăn?
– Vâng, thưa bệ hạ.Lý Kỳ khẽ mỉm cười, đưa tay ra nói: – Món này của thần tên gọi là “Nhật nguyệt tranh huy, khí thôn sơn hà” (Nhật nguyệt tranh nhau phát sáng, khí thế thâu tóm sơn hà)
– Nhật nguyệt tranh huy, khí thôn sơn hà?
Thái Kinh cẩn thận suy ngẫm một hồi, rồi lại nhìn xuống cách trình bày món ăn, kinh ngạc kêu lên:- Hay. Lấy tên rất hay. Nhật nguyệt tranh huy, khí thôn sơn hà. Hà thôn, cá nóc, ha ha, hay lắm, hay lắm.
Ai nấy ngẩn người, lập tức hiểu ra, kim long là tượng trưng cho hoàng đế, việc này ai ai cũng biết, nhật nguyệt phân ra ngự hai bên trái phải, kim long ngự ở trung tâm. Không còn nghi ngờ gì nữa, ý muốn nói ánh sáng nhật nguyệt há có thể sánh kịp cửu ngũ chí tôn.
Lời nịnh nọt này quả thực tuyệt diệu, hoàn toàn có thể nói là tiền vô khoáng hậu.
Kẻ trước này sống nhờ miệng lưỡi như Vương Phủ mà lần này cũng đành nhận thua.
– Hay, hay lắm.Tống Huy Tông không kìm nổi bật cười sảng khoái, vô cùng thỏa mãn vì cái tên này, ánh mắt không khỏi lại liếc nhìn lên trên cùng, đột nhiên kêu lên một tiếng, nói:- Nét chữ này trông quen quá!
Thái Kinh cũng có vẻ đăm chiêu:- Vâng đúng vậy. Nét chữ này…
Trương Trạch Đoan bỗng nhiên chắp tay nói: – Bẩm hoàng thượng, chữ này kì thực là do vi thần viết.
Tống Huy Tông chợt bừng tỉnh ngộ: – Đúng rồi, đây chẳng phải là nét chữ của khanh đó sao? Thảo nào mà trẫm lại thấy quen như vậy.
Lý Kỳ cười nói:- Kì thực cách bài trí món này đều là nhờ Trương đại học sĩ nghĩ giúp vi thần.
Tả Bá Thanh mỉm cười, thầm nghĩ: thảo nào lúc trước hắn nói Trương đại học sĩ dù ngồi nhà cũng có thể họa ra cảnh núi sông mỹ lệ, hóa ra là hắn đã sớm được chứng kiến tận mắt.
Trương Trạch Đoan vội vã nói:- Đâu có, đâu có. Chỉ là một cái nhấc tay mà thôi. Nhưng Quan Yến Sứ lấy thức ăn làm tranh vẽ, còn cao hơn bản quan một bậc, bội phục, bội phục.
– Lấy thức ăn làm tranh vẽ?
Mọi người lại một lần nữa lấy làm kinh ngạc, đặc biệt là người xuất thân làng quê như Hột Thạch Liệt Bột Hách, thấy món ăn còn có cách làm này, kinh ngạc đến ngây người, dù cho hắn thử lại lần nữa, hắn cũng quyết không thể nào ngờ tới được.
Tống Huy Tông định thần nhìn kỹ, đột nhiên ồ lên, nói:- Dãy núi này của ngươi lẽ nào là làm từ đầu cá mà thành?
Lý Kỳ cười nói:- Hoàng thượng thánh minh. Nó đúng là được làm từ đầu cá cá nóc, vi thần dùng nhiều loại nguyên liệu như nấm kim châm, gừng, nấm hương, đậu phụ, cần tây, lá cải và lá hành bỏ vào trong cùng một nồi rồi luộc lên, sau đó tưới nước đó vào trong đầu cá.
– Dùng đầu cá làm núi, quả là tài tình.
Lý Bang Ngạn vỗ tay một cái rồi lại hỏi: – Này Lý Kỳ, toàn bộ “bức họa” này đều dùng cá nóc làm thành sao?
Lý Kỳ cười nói:- Có thể nói là như vậy, ngoài ra hạ quan còn cho thêm một số nguyên liệu khác nữa.
Dùng đồ ăn để vẽ tranh? Điều này quả thực mới nghe lần đầu.
Những người đứng đây đều là các nhà nghệ thuật, đối với tranh họa cũng có nhiều nghiên cứu, nhưng chẳng ai ngờ rằng đi nếm thử món này, mà lại vây quanh nghiên cứu cẩn thận như vậy