Quyển 16: Thiên Trúc Cổ Phật
Năm nay lập xuân (*) rất sớm, nhưng lúc này xuân hàn còn se lạnh. Mùng bảy vừa qua, có người còn đang chờ lễ hội Thượng Nguyên (Nguyên Tiêu), dường như chỉ có xem hoa đăng, đoán đố đèn, dạo chơi Nguyên Tiêu thì năm nay mới được xem là hoàn chỉnh. Mà có người sớm đã lên đường phiêu bạt phương xa. Thậm chí có người ngay cả giao thừa cũng không đón mà đã lặng lẽ lên đường rồi.
(*) lập xuân (tiết bắt đầu mùa xuân vào khoảng thượng tuần tháng giêng âm lịch)
Tô Chuyết không khỏi bắt đầu hoài niệm ba năm ẩn cư ở núi Ngọc Tứ, mặc dù cũng là cô đơn ăn tết, nhưng dù sao vẫn có thể uống rượu ngon, ngủ yên giấc. Cũng không đến mức vào đêm giao thừa mà phải bỏ lại một phòng hảo hữu đi không từ giã.
Nhưng y không đi không được. Bất luận là Hoa Bình, Yến Linh Lung hay là Vệ Tú, Đoạn Lệ Hoa, trên mặt đều tràn đầy nụ cười. Chuyến này thuận lợi hóa giải nguy cơ Đường Mặc, giang hồ lần nữa trở về yên bình. Nhưng mà Tô Chuyết lại không cao hứng nổi. Y đã thấy được sóng ngầm mãnh liệt ẩn giấu phía sau vẻ yên bình đó. Thế nhưng ngay vào thời gian giao thừa, Tô Chuyết làm thế nào nhẫn tâm phá hư tâm tình hân hoan của bọn họ chứ?
Có lẽ đây chính là trí giả ngàn lo. Càng đến gần chân tướng, càng có thể cảm thấy áp lực ở khắp mọi nơi, làm cho người ta hít thở không thông. Tô Chuyết không muốn để cho hảo bằng hữu bên cạnh nhìn ra sự khác thường của mình, bởi vậy chỉ có thể lựa chọn rời đi.
Mà nguyên nhân trực tiếp khiến cho Tô Chuyết gấp gáp lên đường chính là hai tin tức mà đoàn người Hoa Bình mang tới. Hoa Bình nói, bọn họ theo đường thủy vào Thục, ở nửa đường gặp được một chuyện kỳ quái nên mới chậm trễ. Mấy người ngồi thuyền lớn, đến cảnh nội Lô Châu, ở bờ sông phát hiện một người đàn ông bị trọng thương, liền vớt lên cứu. Nhưng người này không sống để chờ lang trung đến, chỉ lẩm bẩm vài tiếng:
– Cao… Cao…
Rồi tắt thở bỏ mạng. Bởi vì bọn Hoa Bình nóng lòng đi hội tụ với Tô Chuyết nên không điều tra rốt cục là chuyện gì, chỉ chọn đất an táng người kia, làm trễ nải hai ngày.
Bất quá cũng bởi vậy bọn họ nghe được hai tin tức.
Chuyện thứ nhất, Đại Lý quốc Hoàng đế tiến cống Thiên Trúc Cổ Phật cho Đại Tống. Đây vốn là một việc rất bình thường. Kể từ năm Thái tổ nam chinh, vung búa ngọc lấy sông làm ranh giới, chấm dứt xâm nhập phía nam. Đại Lý Đoàn thị cảm niệm Thái tổ nhân đức, bày tỏ tự xưng là chư hầu. Người Đại Lý ai cũng tin Phật, hàng năm đều sẽ cung phụng Phật bảo cho triều đình. Bất quá năm nay tiến cống Thiên Trúc Cổ Phật, nghe đồn là từ thời truyền nhân Thích Già Già Diệp tổ sư tự thân khai quang, cách nay đã có ngàn năm. Tương truyền pho Cổ Phật này vẫn được cung phụng ở Lạn Đà Tự Thiên Trúc, sau này năm tháng đổi thay, Phật bảo cũng trải qua kiếp nạn không biết kết cuộc ra sao. Chẳng biết tại sao, vậy mà lưu lạc đến Đại Lý quốc, bí mật cất trong điện Già Diệp ở Kim Lan tự.
Bây giờ Đại Lý quốc lại muốn tiến cống nó cho Đại Tống, thực là một việc trọng đại. Nhưng thời điểm đội ngũ tiến cống đến Lô Châu, cả đội nhân mã mấy chục người đột nhiên biến mất! Trong một thời gian, trên giang hồ nghị luận ầm ĩ, không biết đến cùng đã xảy ra chuyện gì. Triều đình cũng bị kinh động, phái ra nhân thủ tới điều tra trước.
Chuyện thứ hai, nghe đồn năm đó ở Thiếu Lâm tự, quyển Tu La bị Thánh Thủ thư sinh Tiêu Thủy Mặc đánh cắp lại lần nữa xuất hiện! Hơn nữa có lời đồn địa phương mà quyển kinh thư này xuất hiện chính là Lô Châu!
Lúc Hoa Bình và Yến Linh Lung nhắc đến chuyện này cũng không để ý chút nào. Thế nhưng trái tim Tô Chuyết lại trầm xuống. Năm đó Tiêu Thủy Mặc đánh cắp hai quyển sách Địa Ngục Đạo và Tu La Đạo. Địa ngục đạo cuối cùng lấy lại được, thế nhưng Tu La Đạo đã biến mất từ năm đó. Vô luận là Vệ Tiềm hay Lý Tuyên, Đường Mặc, trên tay đều không có bản kinh thư này.
Nhiều năm qua, Tô Chuyết vẫn không từ bỏ việc tìm kiếm quyển sách này. Đây không chỉ bởi vì năm đó hứa hẹn với Hoài Thiện, càng bởi vì quyển sách này quả thực có nguy hại không nhỏ. Trải qua sự tình của đám người Chu Quý, Lý Tuyên và Đường Mặc, Tô Chuyết đã mơ hồ đoán được, tung tích của quyển sách có lẽ có quan hệ mật thiết cùng tổ chức thần bí Bát Bộ Thiên Long.
Nếu như tin tức không giả, chẳng phải là nói rõ Bát Bộ Thiên Long ngay ở Lô Châu, hơn nữa ắt hẳn có liên quan đến chuyện Thiên Trúc Cổ Phật hay sao?
Nghĩ tới đây, Tô Chuyết làm sao có thể ngồi yên được? Y lập tức khởi hành, không làm kinh động người khác, trong đêm rời khỏi thành, thẳng đến Lô Châu.
Tô Chuyết từ trong hồi ức tỉnh giấc lại, đột nhiên biến sắc, nhìn về sau lưng. Nhưng trên đường núi không có một người. Đường núi chật hẹp, hai bên vách núi dựng đứng, ngoại trừ mấy hang đá nhỏ hẹp, cũng không có chỗ ẩn thân, bởi vậy tuyệt đối không thể có người trốn ở phía sau. Tô Chuyết thở dài: Chắc là đi đường mấy ngày liền, tinh thần cũng mệt mỏi rồi sao? Thế nhưng Tô Chuyết vừa rời thành phủ Thành Đô đã cảm giác rõ ràng là có người bám theo, nhưng vừa quay đầu lại, đừng bảo là người, ngay cả bóng ma cũng không có.
Y lắc đầu, vượt qua đỉnh núi, từ xa có thể trông thấy tường thành đá xanh Lô Châu. Vào xuân, lại qua mấy ngày nắng ấm chiếu rọi, thời tiết cũng dần ấm áp. Đứng trên sườn núi trống trải, hầu như có thể cảm giác được gió mát dễ chịu quét qua gương mặt. Tô Chuyết chạy lên một đoạn đường núi, trên thân hơi chảy mồ hôi, liền cởi áo khoác dày nặng, thắt ở bên hông.
Phía trước không xa là một dòng suối, từ đỉnh núi chảy xuống, đến đây đã dần rộng ra, kéo dài uốn lượn vào trong thành. Tô Chuyết bước lên trước, ngồi trên tảng đá lớn ở mép nước, vốc lên nước suối uống một ngụm. Quả nhiên mát lạnh ngọt ngào, làm cho tinh thần chấn động. Y lại vốc nước rửa mặt, quả thật là mát lòng mát dạ, sáng khoải tinh thần.
Bỗng bên tai truyền đến tiếng “Leng leng keng” trong trẻo êm tai. Tiếp theo nghe thấy một cô gái mở miệng hát:
– Dòng suối nhỏ nước chảy rầm rì, tình ca ca huynh đi chậm thôi, tiểu muội muội ta hái bông hoa, đan vòng hoa đội trên đầu nhé, tình ca ca quay đầu lại nè, nhìn xem ta có đẹp không nào!
Tiếng ca to rõ êm tai, càng thêm mạnh mẽ nhiệt tình, tuyệt không giống như phụ nữ Trung Nguyên hàm súc dịu dàng.
Tô Chuyết giật mình, lần theo thanh âm mà nhìn. Chỉ thấy ở hạ lưu dòng suối có một người ngồi trên một tảng đá lớn. Hai người cách nhau không xa, chỉ là vừa nãy nhánh cây che mất người kia, Tô Chuyết lại không trông thấy. Lúc này người kia gỡ nhánh cây ra, nhìn về phía Tô Chuyết.
Lúc này Tô Chuyết mới thấy rõ, đó là một cô bé mười bảy mười tám tuổi. Cô gái này mắt to lông mi nhỏ, khuôn mặt nho nhỏ, mũi miệng cũng nho nhỏ, nước da trắng vô cùng, giống như là búp bê. Tóc nàng cũng không búi lên, mà là dùng sợi tơ đủ mọi sắc màu buộc thành rất nhiều bím tóc nhỏ, tự nhiên xõa tung trên đầu vai.
Chỉ liếc mắt nhìn, Tô Chuyết đã biết cô bé này không phải là nhân sĩ Trung Nguyên. Một thân áo bông của nàng cũng khác biệt với người Trung Nguyên. Mặc dù xuân hàn se lạnh, nhưng có vẻ như cô cũng không sợ lạnh. Cổ áo bung rất thấp, lộ ra phần cổ trắng như tuyết. Hai tay áo cũng chỉ che đến cùi chỏ, thò ra một đoạn cánh tay như sương như tuyết. Vây quanh thân dưới là váy ngắn lông cừu ngang gối, hai bắp chân như ngọc duỗi vào suối nước, còn đang nghịch nước. Trên cổ tay cổ chân đều đeo vòng bằng bạc, tay chân khẽ động, những chiếc vòng vang lên tiếng “Leng keng keng” như tấu nhạc, rất là êm tai.
Tô Chuyết chưa từng thấy cô gái nào ăn mặc như vậy, nhìn đến thất thần. Cô gái cười chúm chím, tuyệt không giống vẻ ngượng ngừng của phụ nữ Trung Nguyên, la lớn:
– Ê, nhìn cái gì?
Lúc nói chuyện, hai chân vỗ nước, đá lên một đoàn bọt nước.
Tô Chuyết khẽ giật mình, lấy lại tinh thần, lập tức phát hiện mình thất lễ, lúng túng nói:
– Thực sự có lỗi, là tại hạ mạo phạm!
Cô gái cười duyên “Khanh khách”, nói:
– Người Hán các ngươi nói chuyện cứ làm vẻ nho nhã thế à? Nói hồi lâu mà người khác nghe không hiểu, chẳng phải giống như là đánh rắm ư?
Tô Chuyết lại ngẩn người, không biết nói tiếp thế nào, đành phải mỉm cười. Cô gái lại nói:
– Nè, ngươi vừa làm bẩn nước suối, có phải là nên bồi thường ta hay không?
(chưa xong còn tiếp.)