Lý Tuyên chỉ cảm thấy Tô Chuyết có chút không giải thích được, nếu đã đến địa đầu Giang Châu, tử kỳ của Tô Chuyết dường như cũng không tính là quá xa. Hắn thực sự không nghĩ ra được vì sao Tô Chuyết còn có tâm tư nghe hát.
Tô Chuyết lại nói với hắn:
– Lý Tuyên, năm đó cả nhà các ngươi chẳng phải là trốn đến Giang Châu à? Ngươi kể cho ta nghe một chút đi, tì bà đã nổi danh trước thời Bạch Nhạc Thiên, hay là từ sau thời của ông ta thì mới bắt đầu nổi danh?
Lý Tuyên không thèm tranh luận với Tô Chuyết. Hắn trông thấy con thuyền lớn mãi mà không thể nào cập bờ, trong lòng có chút tức giận, la lớn:
– Chuyện gì xảy ra? Vì sao còn chưa cập bờ?
Một thủy thủ đáp:
– Thưa công tử, bờ bến tàu đã đậu đầy rồi. Chúng ta đang nghĩ cách tìm người chuyển thuyền. Chờ mấy chiếc thuyền này dời đi một chút, chúng ta mới có thể cập bờ!
Lý Tuyên bất đắc dĩ, biết rằng sốt ruột cũng vô dụng. Tô Chuyết lại cười nói:
– Lý Tuyên, ngươi làm gì nổi nóng thế? Lẽ nào ngươi không biết nộ khí tổn thương lá gan hay sao? Nếu đã đến Giang Châu thì ngươi còn gì mà phải sợ? So với việc đi gặp hai cái bản mặt như mướp đắng của Vô Ngã và Quỷ Ẩn, không bằng ở trên thuyền nghe khúc hát này đi, chẳng phải là tuyệt vời hơn sao?
Lý Tuyên đâu có hứng thú như Tô Chuyết, quay đầu không thèm để ý. Tô Chuyết cũng mặc kệ, quay đầu nhìn sang một chiếc thuyền hoa bên cạnh, trên thuyền trang trí diễm lệ, cờ bay phấp phới. Mà ba hai tiếng dây cung tỳ bà chính là từ trong khoang thuyền truyền ra.
Tô Chuyết há miệng hô:
– Không biết là người phương nào đàn tấu tì bà, có thể ra ngoài một hồi hay không?
Tiếng đàn dừng lại, chỉ một lúc sau, một nữ tử trẻ tuổi ôm đàn tỳ bà quả nhiên ung dung bước ra từ trong chiếc thuyền hoa bên kia. Hai chiếc thuyền cách nhau rất gần, nàng liếc mắt là thấy Tô Chuyết.
Tô Chuyết vỗ tay cười nói:
– Không ngờ khúc đàn hay như thế mà lại phát ra từ tay của một vị cô nương xinh đẹp như này. Xem ra tại hạ vận khí quả thực không xấu mà!
Nữ tử kia nghe vậy, khẽ cúi nửa người xem như tạ lễ.
Tô Chuyết lại hô:
– Cô nương, không biết nghe cô đàn một khúc phải cần bao nhiêu bạc?
Thuyền hoa kiểu này có chút phổ biến ở khu vực Giang Nam, Tô Chuyết biết đây chính là một chiếc hoa thuyền, mà cô nương này dĩ nhiên chính là ca kỹ hát rong, bởi vậy mới hỏi câu này.
Nữ tử kia mỉm cười đáp:
– Nếu là người không hiểu phong tình, tiểu nữ tử đàn một khúc phải thu trăm lượng bạc ròng!
Tô Chuyết cười cười, nói:
– Giá tiền của cô nương cũng không thấp mà!
Y quay sang Lý Tuyên nói:
– Lý Tuyên, xem ra lại cần ngươi tiêu phí rồi!
Lý Tuyên mới không thèm trả bạc cho chuyện trăng hoa của Tô Chuyết, dứt khoát quay đầu không để ý. Tô Chuyết bất đắc dĩ cười khổ, hô:
– Cô nương, ngại quá, tại hạ hết sạch tiền, xem ra không có phúc khí nghe cô đàn rồi!
Nữ tử kia che miệng cười một tiếng, nói:
– Công tử còn chưa nghe tiểu nữ tử nói hết mà. Nếu là người không hiểu phong tình, cần thu trăm lượng bạc ròng. Nếu là người tri âm thì một xu cũng không thu!
Tô Chuyết vui mừng tít mắt, nháy mắt lại nghi ngờ nói:
– Nhưng mà cô nương làm sao biết tại hạ là người tri âm hay không?
Nữ tử kia lại cười cười, nói:
– Chỉ bằng một câu bình luận của công tử ban nãy, có thể thấy được cũng là người trong đồng đạo. Công tử lại nghe ta đàn một khúc!
Nói xong ngồi xuống ghế, gảy hai tiếng, nhẹ nhàng đàn tấu. Tiếng đàn lượn lờ lan truyền trên mặt sông mịt mờ.
Tô Chuyết nhắm mắt yên lặng nghe, khuôn mặt cũng theo làn điệu mà không ngừng biến hóa, khi thì nhíu mày, khi thì an tường. Trong giây lát một khúc tấu xong, Tô Chuyết trầm mặc hồi lâu, mới thở dài một tiếng, khen:
– Quả nhiên dư âm còn văng vẳng bên tai, thật không tầm thường!
Lý Tuyên ở bên cạnh hừ lạnh một tiếng, nói:
– Chỉ là một khúc Ngư Tiều Vấn Đáp, có gì hay!
Tô Chuyết cười nói:
– Cho nên nói ngươi là người không hiểu phong tình. Tiếng đàn của cô nương ta rơi vào trong tai ngươi quả thực như đàn gảy tai trâu!
Lý Tuyên khinh thường tranh cãi với Tô Chuyết. Tô Chuyết liền nói với cô nương kia:
– Cô nương, tại hạ nghe một khúc của cô, không thể báo đáp, cũng chỉ có đưa tặng một khúc mời cô nương nghe tạm!
Nữ tử kia hành lễ đáp:
– Tiểu nữ tử tất nhiên rửa tai lắng nghe!
Lúc này Tô Chuyết quay về khoang thuyền, từ chỗ ca cơ của Lý Tuyên mượn tới một chiếc cổ cầm. Y lại nói:
– Cô nương mới dùng tì bà đàn tấu khúc cổ cầm, thực sự là độc đáo sáng tạo. Như vậy tại hạ xin thiếu gấm chắp vải thô, lấy cổ cầm đàn tấu khúc tì bà đưa tặng. Như thế hợp nhau lại càng bổ sung cho nhau, nói không chừng trăm năm sau cũng sẽ trở thành một đoạn giai thoại!
Lý Tuyên không khỏi cười cợt, Tô Chuyết còn chưa bắt đầu đàn tấu mà đã nói ra những lời mèo khen mèo dài đuôi bực này, chẳng phải là làm trò hề cho thiên hạ à? Tô Chuyết lại không rảnh để ý, cúi đầu chỉnh đàn, một lát thời gian liền nghe thanh âm tình tang không dứt bên tai.
Hai tay của Tô Chuyết mặc dù còn bị trói, nhưng cũng có thể miễn cưỡng đánh đàn. Lại nhìn dáng vẻ của Tô Chuyết phảng phất như quên vật ngoài thân, hoàn toàn đắm chìm vào trong tiếng đàn, như si như say, như điên như cuồng.
Lý Tuyên ở bên cạnh chỉ cười lạnh, Tô Chuyết gảy chính là một khúc tì bà “Thập diện mai phục”, hắn sớm đã nghe ra. Lý Tuyên là con cháu danh gia, từ nhỏ học được một tay hảo cầm. Tô Chuyết đàn khúc này rơi vào trong tai hắn so với nhạc công hạ đẳng nhất còn chẳng bằng, chỉ tốt hơn một chút so với bọn ăn mày mãi nghệ đầu đường mà thôi. Lý Tuyên chẳng những đánh đàn là nhất lưu, nghe hát cũng phải hoàn mỹ. Từ khúc như vậy đối với hắn mà nói chỉ có thể là sỉ nhục. Đáng hận hơn chính Tô Chuyết lại còn cực kỳ hưởng thụ.
Dường như là người trong thiên hạ đều có tật xấu như thế, xưa nay chưa từng cảm thấy mình gảy đàn khó nghe.
Mãi mới chờ đến khi Tô Chuyết đàn tấu xong xuôi, Lý Tuyên đã không thể nhịn được nữa. Tô Chuyết đứng dậy cười nói:
– Cô nương, tại hạ đàn khúc này như thế nào?
Nữ tử kia hình như muốn cười mà lại không tiện bật cười, đành phải nhẫn nhịn, nói ra:
– Công tử cầm nghệ, quả nhiên là không tầm thường, quả thật làm cho tiểu nữ tử… Mở rộng tầm mắt!
Tô Chuyết cười ha ha, lập tức cảm thấy vô cùng hợp ý với cô nương ta, chỉ hận gặp nhau quá muộn. Lý Tuyên cười lạnh, quay đầu trông thấy con thuyền đã chậm rãi dừng gần bên bờ, liền giội Tô Chuyết một gáo nước lạnh, nói:
– Cập bờ rồi, đi thôi!
Tô Chuyết bất đắc dĩ cười cười, hướng nữ tử kia ôm quyền:
– Cô nương, tại hạ còn một ít tục sự. Chờ xong chuyện lại tìm cô nương lĩnh giáo cầm nghệ!
Cô nương kia cười rạng rỡ, đưa mắt nhìn hai người lên thuyền đi xa. Sắc mặt nàng chậm rãi trầm xuống, vội vã xoay người về khoang thuyền.
Tô Chuyết vẫn vô cùng hưng phấn, bước chân cũng thoải mái một chút. Một chiếc xe ngữa đã đậu trên bến bàu. Tô Chuyết trông thấy thì không khỏi cau mày nói:
– Lý Tuyên, chẳng lẽ xe ngựa nhà ngươi đều không có sửa sổ hay sao?
Thì ra đây cũng là một chiếc xe ngựa không có cửa sổ. Lý Tuyên lạnh lùng nói:
– Bớt nói nhảm! Lên xe!
Tô Chuyết bất đắc dĩ, đành phải bước lên xe trước. Nhưng y vừa vào trong xe thì không khỏi sững sờ. Hóa ra trong xe cũng không phải là trống không, một người bất ngờ ngồi bên trong. Hơn nữa còn là một thiếu nữ tóc trái đào, mặc một thân áo gấm đỏ tươi đẹp, cài hai bím tóc nhỏ, chính là đồ đệ mới của Quỷ Ẩn, Triệu Lăng!
Triệu Lăng nhìn thấy thần sắc mờ mịt của Tô Chuyết, cười duyên nói:
– Sư huynh mời ngồi!
Tô Chuyết chỉ ngẩn người, chốc lát liền khôi phục lại bình tĩnh, chờ Lý Tuyên leo lên, nhịn không được cười nói:
– Ta còn tưởng rằng nhà họ Lý ngươi có thói quen ngồi xe không mở cửa sổ, hóa ra là xe của Phong lão quỷ!
Thì ra Lý Tuyên ngồi thuyền vừa đến Giang Châu thì đã có người trên bờ đến liên lạc. Người hai bên tiếp ứng lẫn nhau, để Triệu Lăng mang theo xe ngựa đến đây.
Lý Tuyên biết thân phận của Triệu Lăng, mặc dù chỉ là một cô bé, nhưng lại nhỏ mà ma mãnh. Hắn không tiện nói gì, chỉ là trầm mặc.
Tô Chuyết có chút mất hứng, hình như nhớ lại kỳ ngộ vừa nãy, trong miệng không khỏi ngâm nga từ khúc mà mình mới đàn tấu.
Lý Tuyên chỉ cảm thấy phát ngán, bỗng dưng lạnh lùng thốt ra:
– Tô Chuyết, ngươi đừng có tưởng bở. Cô gái vừa nãy nói ngươi đàn hay, cũng chỉ là qua quít lấy lệ mà thôi!