Nguyên nhân quan trọng nhất để xảy ra hiện tượng nói dối đó là nhận thức non yếu, hay là sự thiếu hiểu biết của người nghe “sự lầm lẫn bổ sung cho sự ngu dốt một ảo ảnh về sự hiểu biết” và người nói đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để hình thành một cách thức giao tiếp khác: cố tình nói điều không đúng.
Do vậy nói dối có thể xảy ra khi người nói đã nhận thức đúng vấn đề, nhưng cố tình đưa ra thông tin sai thực tế ngay từ đầu. Hoặc có thể mới đầu người nói chưa nhận thức được, tin là sự thực, song người nghe không phát hiện ra và người nói sau khi kiểm chứng biết là sai vẫn không điều chỉnh lại. Sự nói dối bắt đầu từ lúc biết là nói sai mà không điều chỉnh lại ấy. Đạo đức truyền thống thường xem việc cố tình nói điều không đúng là không chấp nhận được. Với những nhà luân lý học thì sự dối trá phải được lên án một cách tuyệt đối và triệt để. Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống thì lại hoàn toàn không vậy. Con người sống trong xã hội với những mối quan hệ đan xen và phụ thuộc lẫn nhau thì sự thật đôi khi không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Trên thực tế, chúng ta vẫn gặp những câu trách móc kiểu “Cậu này thật thà quá”, hoặc những yêu cầu kiểu “Cậu nhớ nói khéo khéo nhé!”, thậm chí những lời tâm sự “mình phát hiện ra rằng với bố mẹ chồng thì không cần có sự thành thật, cũng không cần sự đơn giản vì bố mẹ chồng mình thích những lời nói “điêu” chỉ để nghe cho sướng tai mà thôi”. “Đơn giản là vì sự thật không như mong đợi nên người ta mới vỗ về và nịnh bợ nhận thức của bản thân và người xung quanh”. Đây là một nhận xét xác đáng. Chính cái nghịch lý trong sự dối trá lại là cái có thể thay thế cho cái chân lý khi cả hai đều nhằm cùng mục đích cũng như kết quả như nhau, thiết lập sự tin tưởng giữa những con người trong một sự hài hoà chung Chính vì nguyên nhân này mà “Talleyrand cho rằng sự dối trá là vấn đề thuộc bình diện tiện lợi hơn là vấn đề đạo đức chân chính”.
Nói dối là một hoạt động nhằm đáp ứng những nhu cầu có thực của đời sống con người. Nó không những tồn tại mà còn ngày càng phát triển đa dạng, phong phú về cả thể loại cũng như cách thức.