1. Sự nghiệp sáng tác:
Tố Hữu (1920-2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo nơi xứ Huế mộng mơ. Là cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam, ở Tố Hữu, ta thấy được sự kết hợp hài hòa giữa con người chính trị và con người nghệ sĩ, sự gắn bó thống nhất giữa sự nghiệp cách mang và con đường thơ ca. Thơ Tố Hữu là sự tái hiện chân thực mà sống động từng chặng đường đấu tranh của dân tộc, đồng thời thiện hiện những chuyển biến trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.
– “Từ ấy” (1937-1946) gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng tương ứng với ba chặng đường trong mười năm đầu hoạt động cách mạng của nhà thơ. Nếu “Máu lửa” ra đời trong những ngày tháng Tố Hữu còn ngồi trên ghế nhà trường, thể hiện niềm hân hoan khi bắt gặp lí tưởng (Từ ấy,…), sự cảm thông với những người dưới đáy xã hội ( Lão đầy tớ, Cô gái giang hồ, Em bé đi,…); “Xiềng xích” là bản quyết tâm thư của người lính cách mạng, niềm khao khát tự do và hành động (Trăng trối, Con cá chột nưa,..) thì “Giải phóng” là khúc khải hoàn của niềm “vui bất tuyệt” ngày độc lập.
-“Việt Bắc” (1947-1954) là bản anh hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến anh hùng, ca ngợi cuộc sống mới và con người kháng chiến (Lên Tây Bắc, Ta đi tới,…)
– Bước vào thời kì đất nước bị chia cắt, “Gió lộng” (1955-1961) thể hiện niềm tự hào, tin tưởng vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc và bày tỏ tình cảm thiết tha với miền Nam ruột thịt (Mùa thu mới, Tiếng chổi tre,…)
-Trong những năm dài chống Mĩ, “Ra trận” (1962-1972) , “Máu và hoa” (1972-1977) là lời cổ vũ chiến đấu, biểu dương những anh hùng và niềm vui ngày giải phóng (Ê-mi-li con, Đường vào,..). Mang đậm tính chất chính luận và sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng anh hùng ca
– “Một tiếng đờn” (1992), “Ta với ta” (1999) bày tỏ những suy nghĩ của tác giả về cuộc đời và lẽ sống (Anh cùng em, Một tiếng đờn,…)
2. Phong cách sáng tác:
a. Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị sâu sắc. Tố Hữu ít nói đến những vấn đề đời tư mà thường đề cập đến cái ta chung của tập thể, cộng đồng. Bao trùm thơ Tố Hữu là vấn đề lí tưởng, lẽ sống: lẽ sống cách mạng, lẽ sống cộng sản, vì mục đích chung cảu đất nước. Đi liền với lẽ sống lớn là tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mang đối với lãnh tụ, nhân dân, đất nước.
b. Thơ Tố Hữu mang khuynh hướng sử thi. Nhà thơ chủ yếu quan tâm đến những vấn đề sống còn của đất nước. Cảm hứng của Tố Hữu là cảm hứng lịch sử dân tộc chứ không phải cảm hứng thế sự đời tư, với những con người mang phong cách tiêu biểu cho cả cộng đồng.
c. Thơ Tố Hữu có giọng điệu tâm tình ngọt ngào, đầy tình thương mến. Lớn lên trong cảnh “phận nghèo, nước mất, dân nô lệ”, xuất phát từ quan niệm về thơ: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình- Thơ là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”, tuy nói về những vấn đề chính trị nhưng thơ Tố Hữu lại như “thơ của một tình nhân”, đầy niềm say đắm. Điều này được thể hiện qua các hô ngữ, câu cảm thán, cách xưng hô: “anh em ơ”, “đồng bào ơi”,…
d. Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc. Điều đó được thể hiện qua những thi liệu quen thuộc, gần gũi như phong cảnh quê hương đất nước, con người bình dân… và ngôn ngữ giản dị dễ hiểu. Tính dân tộc còn được thể hiện ở thể thơ lục bát, thơ 7 chữ được biến hóa linh hoạt; cùng với nhiều biện pháp tu từ cổ điển được sử dụng nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại. Giọng thơ đầy tính nhạc điệu.
*Với những phong cách đa dạng, hấp dẫn và sâu sắc nói trên, Tố Hữu xứng đáng là “ngọn cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam”. Tố Hữu là nhà thơ cách mạng và thơ của ông là vũ khí đắc lực phục vụ cho sự nghiệp cách mạng
* Các tư liệu có thể dẫn chứng:
-“Phận nghèo, nước mất, dân nô lệ
-“Ôi hai tiếng đồng bào Tổ quốc
Đến hôm nay mới thuộc về ta” (Tố Hữu)
-“Sống là hành động, thơ cũng hành động. Với Tố Hữu, thơ là hình thức tươi đẹp nhất của hoạt động cách mạng, của sự sống” (Đặng Thai Mai)
– “Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng, chứ không phải thơ tình yêu…Nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân, anh nói các vấn đề bằng trái tim của một người say đắm. Cái sức mạng lớn nhất của Tố Hữu là quả tim anh” (Chế Lan Viên)
– “Tôi sinh ra chưa được làm người
Nước đã mất cha đã làm nô lệ” (Tố Hữu)