Chế Lan Viên là nhà thơ có quan niệm thơ rất rõ ràng, không chỉ thể hiện trong các bài viết, bài phát biểu mà còn ông nói đến trong nhiều bài thơ của mình. Quan niệm của thơ của Chế Lan Viên có sự vận động qua các giai đoạn sáng tác nhưng vẫn có những nét chung nhất quán xuyên suốt sự nghiệp thơ.
Trước cách mạng, Chế Lan Viên có quan niệm thơ rất độc đáo, khác lạ – được ông phát biểu trong “Lời tựa” tập “Điêu tàn”: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người mơ, người say, người điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là tinh là yêu. Nó xáo trộn Dĩ – vãng. Nó ôm trùm tương lai. Người ta không hiểu được Nó vì Nó nói nhiều cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý nhưng thường nó không nói. Nó gào, Nó thét, Nó khóc, Nó cười. Cái gì của Nó cũng tột cùng.” ý kiến này đã được xem là tuyên ngôn của “Trường thơ loạn”. “. Hạt nhân, cơ bản, cốt lõi của quan niệm thơ trên đấy là sự đề cao cái tột cùng, xem thơ như một hành động phi thường, vượt ra khỏi mọi sự thường để luôn khác lạ và đạt tới sự tột cùng. Tập “Điêu tàn” là sự hiện thực hóa quan niệm thơ ấy. Chế Lan Viên đã dựng nên một thế giới kinh dị trong “Điêu tàn”với những nấm mồ, xương trắng, cùng yêu ma… – những hình ảnh về sự tàn vong của vương quốc Chiêm Thành. Trong tập thơ này Chế Lan Viên bộc lộ một cái tôi chán nản đến gay gắt, phủ nhận hoàn toàn thực tại:
“Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài ngĩa khổ đau”
(Xuân)
“Trời hỡi hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của trần gian”
(Tạo lập)
Quả thực thi sĩ đã đưa tất cả lên mức tột cùng.
Sau cách mạng, Chế lan Viên hòa nhập với cuộc sống mới, thơ ông không còn bị ám ảnh bởi nỗi chán chường đến cùng cực của Điêu tàn mà căng đầy nhựa sống. Chế Lan Viên đưa ra vấn cơ bản về quan niệm sống:
Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai? khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
(Hai câu hỏi)
Thực ra, cả hai câu hỏi trên đây vẫn luôn tồn tại và mỗi người nghệ sĩ ở thời đại nào cũng đều phải tìm cách trả lời. Có điều là, tùy theo tình thế của thời đại mà câu hỏi nào sẽ được đặt lên trước.
Nhà thơ tìm được lời giải đáp cho nỗi băn khoăn về ý nghĩa đích thực của thơ ca:
Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân
Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy
Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy
Chửa “vì người” bằng một bữa cơm ăn
(Đi thực tế)
Trong cách nói có phần hơi cực đoan ấy là sự giác ngộ chân thành và dứt khoát của nhà thơ về chân lý giản dị này: “Thơ cần có ích cho cuộc đời, cho nhân dân”.
Tham gia vào hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Chế Lán Viên cũng như các nhà văn nhà thơ thời ấy ý thức sâu trách nhiệm của mình, ông quan niệm nhà thơ cũng là chiến sĩ:
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng)
Chế Lan Viên yêu cầu người làm thơ phải gắn bó với cuộc sống, phải mở rộng lòng mình ra mà đón lấy “những vang động của đời”:
“Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể, anh ơi!”
(Nghĩ về thơ)
“Thơ, đong từng ngao nhưng tát bể
Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời.
Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức – tỉnh
Không phải chỉ “ơ hời” mà còn đập bàn, quát tháo lo toan.”
(Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…)
Nhà thơ hăng say lao động sáng tạo, hàng loạt tập thơ ra đời thể hiện tài năng, bút lực dồi dào của Chế Lan Viên.
Những năm cuối đời, Chế Lan Viên trở lại với những trăn trở băn khoăn về đời sống thế sự, những suy tư triết học về bản thể, về sự sống và cái chết, hư vô và tồn tại, về thơ ca và con đường thơ của mình. Những câu hỏi một thời tưởng như đã giải quyết xong nay lại được nhà thơ nhìn nhận lại:
Ta là ai? Về đâu? Hạt móc
Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng? Tiếng khóc
Là ta chăng? Vì sao lạc phương trời
Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời
Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối
(Hỏi – Đáp)
Nhà thơ tự vẽ lại Cái “tôi” phức tạp của mình bằng biểu tượng tháp Bay-on bốn mặt:
Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Dấu đi ba, còn lại đó là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc.
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
(Tháp Bay-on bốn mặt)
Và tác giả khao khát được trở về với cuộc sống đời thường giản di, trở về làm “nhà thơ cưỡi trâu”:
Cho tôi về với cành lau vàng vọ
Về với con trâu nghé ngọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu?