Đề bài:
Nghị luận: Có anh A và B sinh ra trong 2 gia đình khác nhau, cả 2 đều có 1 người bố nghiện ngập. Sau này anh A trở thành 1 chàng trai hoạt động công tác xã hội, còn anh B là phiên bản của bố. Nhà xã hội học đã đặt ra 1 câu hỏi, điều gì khiến các anh trở nên như thế? Và nhà xã hôi học nhận được cùng 1 câu trả lời là “Có 1 người cha như thế nên tôi phải như thế” Em hãy trình bày suy nghĩ về câu truyện trên
Bài làm:
Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Đặc biệt môi trường gia đình bao giờ cũng có tác động hai mặt tới sự hình thành nhân cách. Có người sinh ra trong môi trường gia đình không mấy tốt đẹp rồi anh ta cũng trở thành bản sao của sự không tốt đẹp ấy. Nhưng cũng có người vượt qua được hoàn cảnh để trở thành con người có ích cho xã hội. Câu chuyện kể về hai nhân vật A và B đã phần nào cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Câu chuyện về hai nhân vật A và B có chung một hoàn cảnh: cả hai đều có một người cha nghiện ngập. Tuy nhiên sau này anh A lại trở thành con người có ích cho xã hội là người tiên phong trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình . Còn anh B lại trở thành bản sao của người cha nghiện ngập. Vấn đề được đặt ra trong câu hỏi của nhà xã hội học là “Điều gì khiến anh lại trở nên như thế ?”. Và câu trả lời của cả hai là “Có một người cha như thế nên tôi phải như thế”. Như vậy vấn đề được đặt ra ở đây là sự ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi cá nhân con người.
Gia đình là gì ? Gia đình là nơi ta sinh ra, lớn lên là cái nôi nuôi dưỡng, chở che cho ta khôn lớn. Gia đình là cái nôi hạnh phúc của con người từ bao thế hệ: đùm bọc, yêu thương, giúp con người vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Vì thế gia đình có giá trị bền vững và vô cùng to lớn không bất cứ thứ gì trên cõi đời này sánh được, cũng như không có bất cứ vật chất cũng như tinh thần nào thay thế nổi.
Mỗi con người sinh ra và lớn lên, trưởng thành đều có sự ảnh hưởng, giáo dục to lớn từ truyền thống gia đình. Và người làm cha làm mẹ trong gia đình là tấm gương mẫu mực của con cái. Nói đúng hơn là mỗi thành viên phải là tấm gương sáng cho nhau. Nếu như gia đình có người cha người mẹ luôn yêu thương, chở che và giáo dục tốt cho con cái thì đứa con lớn lên sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Ví như nhà thơ Tố Hữu sinh trưởng trong gia đình Nho giáo, sau này Tố Hữu trở thành nhà Cách mạng , nhà thơ lớn của dân tộc. Mạnh Tử người Trung Quốc tuy mất cha từ nhỏ nhưng thường xuyên được mẹ nghiêm khắc chỉ bảo, dạy nhiều điều hay lẽ phải. Sau này Mạnh Tử trở thành triết gia lỗi lạc của Trung Hoa. Nhiều học sinh ở nông thôn, nhà nghèo khó nhưng nhìn vào sự vất vả của mẹ của cha mà họ đã cố gắng học tập thật tốt trở thành thủ khoa của các trường Đại Học.
Tuy nhiên, cũng có những con người sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo dục tốt nhưng bản thân họ lại là những kẻ tội đồ của xã hội. Ví dụ như Nguyễn Đức Nghĩa ở Hải Phòng có bố là sỹ quan quân đội, mẹ là giáo viên. Nhưng bản thân anh ta lại là kẻ giết người tàn độc (Vụ án xác chết không đầu năm 2010 tại Hà Nội). Nhiều học trò ỷ vào việc gia đình giàu có nên ăn chơi lêu lổng để rồi đánh mất cả tương lai ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh những gia đình hạnh phúc thì còn có những gia đình chưa thật sự hoàn hảo, đây đó vẫn còn có những thành viên trong gia đình còn có những khuyết điểm nặng nề. Quả đúng như vậy, nếu gia đình có người cha người mẹ có nhiều thói xấu thì những đứa con trong gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng những thói xấu của cha mẹ. Ví như câu chuyện của nhân vật B trong câu chuyện kể ở trên hoặc câu chuyện của thằng Phác trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Do sống trong hoàn cảnh có người cha luôn bạo hành mẹ nên nó cũng trở thành kẻ máu lạnh ngay từ lúc còn nhỏ. Phác dùng thắt lưng và cả dao nhọn để đánh lại cha mình. Đa số tội phạm vị thành niên đều có nguồn gốc xuất thân từ những gia đình có bố mẹ ly hôn hoặc bố mẹ làm nghề lao động tự do.
Nhưng cũng cần nhận thức được điều này: gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách nhưng không phải lúc nào con người cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ở trường hợp của nhân vật A là điển hình nhất. Tuy có người cha nghiện ngập nhưng anh A vẫn vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của gia đình để trở thành con người có ích cho xã hội. Như vậy, gia đình chỉ tác động một phần đến sự hình thành nhân cách của con người chứ không phải là tất cả. Cuộc đời của mỗi con người, nhân cách của mỗi con người là phụ thuộc vào chính bản thân họ.
Qua câu chuyện trên ta thấy được vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách con người là rất quan trọng. Và bao giờ gia đình cũng có tác động hai mặt đến mỗi thành viên. Mỗi con người chúng ta cần tích cực thay đổi bản thân mình để phù hợp với hoàn cảnh. Và dù trong mọi hoàn cảnh chúng ta cũng cần phải chọn cho mình một lối đi phù hợp chứ không phải gió chiều nào ngả theo chiều ấy. Cũng cần bảo vệ gia đình , lên án thói bạo hành gia đình. Vì một xã hội tốt đẹp hãy cùng nhau xây dựng gia đình lành mạnh, văn hóa.