Gợi ý bài làm: Gồm 4 ý lớn, đó là 4 trụ cột lớn của giáo dục thế giới.
1. Học để biết: Rõ ràng, học để biết là tiền đề, sự khởi đầu của sự học. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa gọi các thầy giáo trường làng – những người dạy các chữ đầu tiên là thầy giáo ”khai tâm” của mỗi người. Chính những chữ đầu đời ấy là viên gạch đầu tiên để con người xây nên lâu đài kiến thức của mình. Cái biển kiến thức của nhân loại là không cùng; ”Việc học là quyển sách không trang cuối cùng” (Bác Hồ). Dù là tiến sĩ, bác học đi chăng nữa, hiểu biết của mỗi người đều có giới hạn. Vì vậy, học để biết là học suốt đời. Học trong trường chỉ là học cách học, trang bị phương tiện để tự học.
Những chuyện như HS ngồi nhầm chỗ; bằng thật, học giả; học chỉ đạt danh vọng rồi ”nghỉ học”… đều trái với tiêu chí mà UNESCO đưa ra và trái với bản chất của sự học.
2. Học để làm: Nguyên lý giáo dục của chúng ta là ”Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”. Nhưng, từ hiểu biết đến vận dụng vào cuộc sống còn có một khoảng cách khá xa. Chúng ta đã được nghe nói nhiều những ”thợ” giải Toán, Lý từng đạt giải nhất, giải nhì trong kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia khối THPT, (thậm chí là SV một trường kỹ thuật) nhưng loay hoay mãi không lắp nổi một chiếc máy thuộc động cơ bốn kỳ, một điều mà HS khối THCS các nước làm thành thạo. Hằng ngày trên báo vẫn liên tục thông tin về việc các khu công nghiệp thiếu lao đông lành nghề. Trong khi nhiều SV, thợ kỹ thuật ra trường vẫn thất nghiệp.
Có lẽ đây là một trong những bất cập lớn của giáo dục nước ta.
3. Học để làm người: Người xưa coi học thiêng liêng như một thứ đạo-đạo học. Người ta cho con đi học, để mong đỗ đạt làm quan, nhưng phần lớn cho con đi học cốt lĩnh hội được ý tứ sâu xa của chữ thánh hiền để giữ đạo nhà, đạo làm người. Chính vì vậy mới có câu ”Tiên học lễ, hậu học văn”. Người xưa đề cao chữ lễ là đề cao đạo làm người (chứ không phải chữ lễ theo nghĩa hẹp mà nhiều người thường đưa ra tranh cãi).
Nền giáo dục của ta hiện nay cũng rất đề cao GD đạo đức cho HS. Ngoài các môn chính như Đạo dức, Giáo dục pháp luật, Chính trị… thì việc GD rèn luyện hạnh kiểm HS được coi là một trong hai mặt chính của GD (hạnh kiểm và văn hóa).
Hiện nay, xã hội kêu nhiều về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận HS. Điều đó có lý do khách quan từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng cũng có lý do chủ quan từ sự xem nhẹ, buông lơi của các nhà trường trong việc giáo dục đạo đức học sinh sinh viên
4. Học để chung sống cùng nhau: Biết sống vì nhau để cùng phát triển là đỉnh cao của sự học. Những con người thiếu sự hiểu biết, không có năng lực làm việc, thiếu tính người, nếu ở cùng nhau sẽ là một tập hợp hỗn độn. Biết chung sống cùng nhau là cả một nghệ thuật vận dụng hiểu biết vào thực tế, tìm ra cách ứng xử hợp lý trong từng hoàn cảnh nhất định. Giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, giữa các quốc gia với nhau, đều có sự đan xen giữa tình thương yêu đồng cảm và sự cạnh tranh, thậm chí đấu tranh với nhau để tồn tại và phát triển. Xây đựng một cuộc sống trong đó con người sống với nhau chan hòa tình yêu thương, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ là mục tiêu của xã hội. Trong cuộc sống có trăm ngàn mối quan hệ. Suy cho cùng, xử lý tốt các mối quan hệ thì phát triển, xử lý không tốt sẽ dẫn đến xung đột, ở tầm quốc gia có thể dẫn đến chiến tranh tang tóc. Cái thói ”trâu buộc ghét trâu ăn”, cách hành xử ”không ăn thì đạp đổ”, là kẻ thù của sự phát triển. Hiện nay chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, nếu không học cách chung sống cùng nhau (bao gồm sống với những người cùng hội cùng thuyền và sống với đối tác), chắc chắn chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.