Đoạn thơ có kết cấu rất rõ ràng: Trừ cặp đầu, mỗi cặp lục bát nói về một mùa Việt Bắc. Điều này dẫn đến 2 cách tiếp cận:
Cách 1: Bổ dọc: Cách này sẽ có 2 luận điểm lớn:
+ Cảnh thiên nhiên Việt Bắc.
+ Con người Việt Bắc.
Cách 2: Cắt ngang: Theo trình tự từng cặp lục bát:
+ Nỗi nhớ chung về cảnh và người.
+ Mùa đông.
+ Mùa xuân.
+ Mùa hạ.
+ Mùa thu.
Cách đầu đương nhiên cũng không sai, nhưng tiếp cận như thế sẽ làm mất cái hay của đoạn thơ. Bởi vì, cảnh và người Việt Bắc hòa quyện với nhau tạo nên vẻ đẹp khắc sâu trong trí nhớ của người về xuôi. Không thể tách rời hai đối tượng này được. Vẻ đẹp thiên nhiên làm nền tô đậm vẻ đẹp của con người và ngược lại.
Gợi ý theo cách 2:
* Khái quát:
– Sau khi khẳng định tấm lòng trước sau như nhất, người ra đi “giãi bày” nỗi nhớ về một Việt Bắc ắp đầy kỉ niệm.
* Bức tranh thiên nhiên Việt Bắc: Bức tranh tứ bình:
+ Đoạn này được xem là đặc sắc nhất Việt Bắc. 10 câu lục bát thu gọn cả sắc màu 4 mùa, cả âm thanh cuộc sống, cả thiên nhiên con người Việt Bắc.
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau tỏa sáng bức tranh thơ. Bốn cặp lục bát tạo thành bộ tứ bình đặc sắc.
+ Trước hết đó là nỗi nhớ mùa đông Việt Bắc:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Câu thơ truyền thẳng đến người đọc cảm nhận về một màu xanh lặng lẽ, trầm tĩnh của rừng già. Trên cái nền xanh ấy nở bừng bông hoa chuối đỏ tươi, thắp sáng cả cánh rừng đại ngàn làm ấm cả không gian, ấm cả lòng người.
Trên cái phông nền hùng vĩ và thơ mộng ấy, hình ảnh con người xuất hiện thật vững chãi, tự tin. Đó là vẻ đẹp của con người làm chủ núi rừng, đứng trên đỉnh trời cùng tỏa sáng với thiên nhiên: Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
+ Cùng với sự chuyển mùa (mùa đông sang mùa xuân) là sự chuyển màu trong bức tranh thơ: Màu xanh trầm tĩnh của rừng già chuyển sang màu trắng tinh khôi của hoa mơ khi mùa xuân đến. Cả không gian sáng bừng lên sắc trắng của rừng mơ lúc sang xuân – sắc trắng đặc trưng của Việt Bắc.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Người đi không thể không nhớ sắc trắng hoa mơ nơi xuân rừng Việt Bắc, và lại càng không thể không nhớ đến con người Việt Bắc, cần cù uyển chuyển trong vũ điệu nhịp nhàng của công việc lao động thầm lặng mà cần mẫn tài hoa:
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Hai chữ chuốt từng gợi lên dáng vẻ cẩn trọng, tài hoa của con người Việt Bắc.
+ Bức tranh thơ thứ 3 chuyển qua rừng phách – một loại cây rất thường gặp ở Việt Bắc hơn bất cứ nơi đâu. Chọn phách cho cảnh hè là sự lựa chọn đặc sắc, bởi trong rừng phách nghe tiếng ve ran, ngắm sắc phấn vàng giữa những hàng cây cao vút, ta như cảm thấy sự hiện diện rõ rệt của mùa hè.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Ở đây có sự chuyển đổi cảm giác rất thú vị: Tiếng ve kêu – ấn tượng của thính giác đã đem lại ấn tượng thị giác thật mạnh. Chữ đổ được dùng thật chính xác, tinh tế.
Trên nền cảnh ấy, hình ảnh cô em gái hiện lên xiết bao thơ mộng, lãng mạn trong công việc lao động giản dị hàng ngày: hái măng.
+ Khép lại bộ tứ bình là cảnh mùa thu. Đây là cảnh đêm thật phù hợp với khúc hát giao duyên trong thời điểm chia tay giã bạn. Không còn là sắc màu cụ thể, mà đã thành “màu sắc” của tâm hồn, của lòng người:
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Không còn là vẻ đẹp thiên nhiên, hơn thế, cái nhớ nhất, ấn tượng nhất vẫn là vẻ đẹp của con người Việt Bắc ân tình, thủy chung.
Dưới ánh trăng thu, tiếng hát ân tình càng làm cho cảnh thêm ấm áp tình người, tạo một không khí đầy bâng khuâng, lưu luyến giữa kẻ ở, người đi, giữa con người và thiên nhiên.
Tác giả tả Việt Bắc bằng một bức tranh tứ bình là một yếu tố thi pháp mà Tố Hữu đã học được ở cổ thi. Nhưng điểm khác biệt với người xưa là:
– Tố Hữu đã đảo trật tự thời gian 4 mùa, không theo trật tự thông thường là Xuân – Hạ – Thu – Đông mà mở đầu bằng những ngày đông đầy nắng (không hề có cái lạnh lẽo, tăm tối của mùa đông thường thấy trong thi ca truyền thống). Kết thúc là mùa thu- mùa thành quả- mùa thắng lợi của cách mạng
Mạch thơ luôn hướng về tương lai, khơi dậy niềm tin, niềm vui đến náo nức, say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tính cách mạng, con người cách mạng.
– Thơ ca trruyền thống chỉ có sự xhiện của cảnh vật, thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp, đến với Việt Bắc của Tố Hữu thì con người trở thành tâm điểm của tranh tứ bình. Ở câu thơ ” ta về ta nhớ những hoa cùng người”. Hoa là vẻ đẹp tinh tuý nhất của tự nhiên, kết tinh từ hương sắc của đất trời, còn người là “hoa của đất”. Hoa và người quân quýt bên nhau tạo nên vẻ đẹp hài hoà nồng thắm, tạo nên nét độc đáo của cảnh và người nơi núi rừng Việt Bắc. Từ cảm hứng ấy đã khiến cho đoạn thơ có cấu trúc một cách đặc biệt. Câu lục dành cho nỗi nhớ cảnh, câu bát dành cho nỗi nhớ người. Vẻ đẹp con người và thiên nhiên hoà phối với nhau tạo nên bức tranh tứ bình đặc sắc.
* Kết luận:
– Mỗi câu lục bát làm thành một bức tranh trong bộ tứ bình. Mỗi bức tranh có vẻ đẹp riêng hòa kết bên nhau tạo vẻ đẹp chung. Trên cái nền thiên nhiên ấy, hình ảnh con người hiện lên thật bình dị, thơ mộng trong công việc lao động hàng ngày.
– Đoạn thơ thể hiện sự gắn bó, tình yêu của Tố Hữu với đất và người Việt Bắc; tiêu biểu cho nét phong cách thơ Tố Hữu.