Về cách hiểu quan niệm trên, ta có thể suy nghĩ theo chiều hướng: tác phẩm văn học phản ánh đời sống (vì cái nôi của nó cũng là đời sống, là nguồn chất liệu để nhà văn xây dựng tác phẩm), những vấn đề của đời sống được đưa vào tác phẩm cũng chính là thông điệp của tác giả gửi tới độc giả để đem đến những giá trị về mặt nhận thức (bên cạnh giá trị thẩm mỹ). Cho nên, “những điều, những việc” được phản ánh trong tác phẩm hẳn phải là cái mà chúng ta ai cũng đã từng được nghe, được đọc thậm chí được tiếp xúc, vì chúng nằm trong đời sống của chúng ta.
Nếu những cái vốn dĩ đã được chúng ta biết đến nay lại “bị” nhắc lại trong tác phẩm văn học tưởng như sẽ gây nhàm chán vậy thì điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm văn học? Cái tài của nhà văn là ở chỗ đó, không phải anh ta sẽ đem những thứ đã được biết để “mông má, đánh bóng” nó lên hoặc cường điệu nó thêm, mà anh ta sẽ dúng đôi mắt tinh nhạy, tâm hồn tinh tế, lăng kính đa chiều của mình (một của cải thiên phú của các nhà văn có tài) đề soi chiếu những vấn đề quen thuộc ấy ở một bình diện khác, đa chiều đa dạng, phát hiện tìm tòi ra những ngóc ngách lẩn khuất, bị người đời “bỏ quên” hoặc không để ý. Chính những góc khuất đó mới tạo nên nguyên nhân sâu xa phát sinh ra vấn đề, cái tạo nên sự khác biệt, là ranh giới giữa bàn chất và hiên tượng. Chính sự mới mẻ trong những điều quen thuộc đó làm cho người đọc cảm thấy thú vị và khám phá ra thêm những điều mình chưa biết về một việc tưởng như đã biết.
Ví dụ: chúng ta biết hiện tượng lưu manh hoá của một tầng lớp nông dân những năm 45, tạo ra những con quỷ như Chí Phèo, tác phẩm Chí Phèo nếu chỉ phản ánh lại về hiện tượng đó thì làm sao có thể trở thành bất hủ, cái mới lạ làm nên giá trị cuả tác phẩm này chính là ở chỗ: bất chấp những điều người ta đã cho là đã được biết trở thành phổ biến trong suy suy nghĩ của hầu hết mọi người (gọi là định kiến xã hội), Nam Cao vẫn tìm được lối đi riêng cho ông, ông đã phát hiện ra cái bản chất người sâu xa vẫn khắc khoải dưới lớp vỏ Quỷ dữ của Chí Phèo. Điều đó thực sự cho chúng ta thêm tin yêu với những con người bị đẩy xuống đáy xã hội và đồng cảm với họ.
Hay như tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, từ trước đến nay, đề tài đất nước vẫn không hề xa lạ với văn học, người ta vẫn luôn nghĩ đất nước là một khái niệm trừu tượng, cao cả, xa vời….Nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã tìm ra một góc mới ở một đề tài đã quá quen thuộc – ai cũng biết, đó là đất nước nằm trong những gì bình dị nhất xung quanh ta và nằm trong chính mỗi chúng ta (từ cái kèo cái cột, miếng trầu bà ăn, búi tóc mẹ bới sau đầu…cho đến khi chúng mình cầm tay)….
Những điều mới mẻ đó trong những cái mà ai cũng biết mà nhà văn phát hiện ra tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm và cho chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn, tinh tế hơn với cuộc sống.