Đề bài:
“Dân tộc nhỏ cần phải có con dao găm lớn, Samin đã nói như vậy vào năm 1841, Dân tộc nhỏ cần phải có bè bạn lớn, Abutalip đã nói như vậy vào năm 1941” (Raxun Gamzatop, Daghetxtan của tôi, quyển 2) Năm 2017, bạn sẽ nói: Dân tộc nhỏ cần phải có gì? Viết một bài văn nghị luận trình bày quan điểm của bạn
Bài làm:
Thế nào là một “dân tộc nhỏ” – không hẳn là nhỏ về diện tích, khiêm tốn về dân số; mà đó là dân tộc không có nhiều vị thế, ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị đối với khu vực nói riêng và với thế giới nói chung, thậm chí cả về mặt quốc phòng an ninh cũng không được đầu tư và trang bị những vũ khí hiện đại, tối tân nhất. Dân tộc nhỏ, đã khiêm nhường, yếu thế, lại hay bị uy hiếp, hay bị “bắt nạt”; vậy họ cần phải có gì để tự bảo vệ mình, để chống lại kẻ thù? Đó là “con dao lớn” và “bạn bè lớn” – một cái là nội lực, một cái đến từ sự ủng hộ của những người xung quanh. “Con dao lớn” – hình ảnh của vũ khí, nhưng không hoàn toàn là vũ khí theo nghĩa đen, mà nó còn là những sức mạnh to lớn đến từ tinh thần: sự đoàn kết, lòng yêu nước, kiên cường, dũng cảm, có ý chí, có lý tưởng dẫn đường, có những thủ lĩnh dẫn dắt tài ba…; “bạn bè lớn” – chính là sự ủng hộ, là tiếng nói của những người, những dân tộc tiến bộ, yêu hoà bình, trọng lẽ phải, chính nghĩa; là điểm tựa lớn của chúng ta cả về lý lẽ, cả về vật chất, lẫn tinh thần; muốn có “bạn bè lớn” – bản thân chúng ta phải là một người bạn tốt – đó là yêu hoà bình, trọng chính nghĩa. Một nước nhỏ cần phải có đầy đủ các nhân tố trên thì mới có thể nhỏ mà không yếu, mới có thể tự bảo vệ mình và chống lại kẻ thù khi cần thiết; đặc biệt, nhân tố “con dao lớn” – nội lực bên trong là quan trọng hơn cả. Trước tình hình biển Đông diễn biến hết sức căng thẳng, “là một nước nhỏ”, Việt Nam cũng cần những vũ khí đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài như vậy.
– Tại sao lại phải có sức mạnh nội lực – phải có “con dao lớn” (cũng chính là bàn về sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tình yêu hoà bình, ý chí của toàn dân tộc dưới sự chỉ đạo của những nhà lãnh tụ tài ba, dưới đường lối chiến thuật đúng đắn..) Nếu không như thế thì hậu quả thế nào? Thực tế đã chứng minh như thế nào? Trong điều kiện “nước sôi lửa bỏng” thì càng phải phát huy ra sao? Có những biểu hiện nôn nóng, chủ quan đã làm mẻ cái con dao lớn ấy, chúng ta phải có thái độ như thế nào với những sự việc ấy?
– Tại sao sức mạnh bên trong thôi chưa đủ, lại cần có “bạn bè lớn” nữa? Xuất phát từ cá nhân mỗi con người, dù có mạnh đến đâu, nếu đơn độc, cũng sớm muộn trở thành kẻ thất bại, yếu thế, huống chi là một con người nhỏ bé, không có nhiều thế mạnh, thì việc có những người bạn – để làm điểm tựa, để nhận được sự giúp đỡ, là điều vô cùng cần thiết. Thực tế đã chứng minh chúng ta luôn nhận được sự ủng hộ từ đồng bào thế giới, những dân tộc yêu hoà bình như thế nào? Nếu không có họ thì liệu chúng ta có giành được chiến thắng, có vượt qua khó khăn???
– Cần có cả nội lực và ngoại lực, nhưng tại sao nội lực quan trọng hơn? Chính cái nội lực bên trong chúng ta mới quyết định được tất cả – bản thân chúng ta phải sống đẹp, chúng ta mới có nhiều”bạn tốt”; bản thân chúng ta phải quyết tâm, tỉnh táo, và hơn hết là quý trọng cuộc sống, yêu quý chính bản thân mình, thì chúng ta mới có đủ sức mạnh để chống lại những thế lực đen tối khác. không yêu bản thân mình thì sẽ dễ dàng buông xuôi khi có kẻ thù xâm phạm, dễ dàng buông như thế thì cũng sẽ không có một ai sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Chính cái nội lực sẽ quyết định ngoại lực, có ngoại lực mà không có nội lực thì ngoại lực ấy cũng dần dần mất đi; ngoại lực chỉ hỗ trợ cho nội lực thôi, không sinh ra nội lực được, đó là lý do vì sao chúng ta nên hoàn thiện cái bên trong trước.
– Cá nhân mỗi con người cũng vậy, hoàn thiện mình trước khi trông chờ sự giúp đỡ của người khác là cách tốt nhất để có thể vượt qua mọi khó khăn.
Bài này muốn đề cao vai trò của tổng hoà các yếu tố cần có để một “nước nhỏ” có thể chống lại kẻ thù… Tuy nhiên thì hãy cố gắng đừng viết khô cứng, hô khẩu hiệu hay đao to búa lớn, đừng viết giống như lịch sử em nhé. Có thể hài hoà đan xen giữa viết về 1 dân tộc với viết về 1 cá nhân, viết về thế hệ trẻ … để thấy được việc cần thiết phải có cả sức mạnh bên trong lẫn sự giúp đỡ từ bên ngoài; để bài viết dễ thuyết phục hơn.
Gần đây đề tài về tình yêu đất nước được đặt ra nhiều hơn, sẽ hợp lý và có sức thấm hơn rất nhiều nếu như em không chỉ viết về tình yêu đất nước lớn lao của mọi người ngoài kia mà còn viết về những bài học nhẹ nhàng, những nhận thức đúng đắn dành cho chính bản thân mình.