Trong tác phẩm How to be your own Best Friend (Cách để trở thành người bạn tốt nhất của chính mình), Mildred Newman và tiến sĩ Bernard Berkovitz đã đặt ra một câu hỏi ý nghĩa: “Nếu chúng ta không yêu được bản thân mình thì thử hỏi chúng ta lấy đâu ra tình thương yêu cho người khác?” Ta không thể cho ai thứ gì bản thân ta không có. Kinh Thánh nói rằng “Hãy yêu người như yêu chính bản thân mình.”
Nhận thức về bản thân có quan trọng không? Dorothy Jongeward và Muriel James cùng viết chung cuốn sách tuyệt vời nhan đề Born To Win (Sinh ra để chiến thắng). Họ chỉ ra rằng con người sinh ra để chiến thắng, nhưng do những tiêu cực của xã hội, cả cuộc đời con người bị khuôn định để thất bại. Họ còn nhấn mạnh rằng nhận thức đúng về bản thân là điều kiện cần để thành công.
Ta không thể khăng khăng làm việc theo một cung cách không phù hợp với chính mình. Nhận thức về bản thân sẽ đưa ta đến bậc trên cùng của những nấc thang hay vất ta lên chiếc thang cuốn xuống tới tầng hầm. Thấy mình là người có năng lực, đáng được khen thưởng, bạn sẽ trở thành như thế, sẽ làm như thế hoặc sẽ được như thế. Còn nếu thấy mình là người bất tài và không xứng đáng thì bạn sẽ không có gì cả. Rất may là bất kể trong quá khứ bạn thấy mình ra sao, giờ đây bạn vẫn có động cơ thúc đẩy, có phương pháp và có khả năng để thay đổi, và thay đổi để được tốt hơn. Trong tất cả các khả năng mà Đấng tạo hoá ban cho ta, khả năng chọn cho mình một con đường như mong muốn là khả năng lớn nhất.
Khi chúng ta đi sâu vào nhận thức bản thân, hãy nhớ rằng tâm trí ta sẽ hoàn thiện bất cứ hình ảnh nào ta đưa vào đó. Ví dụ, đặt một mảnh ván rộng ba tấc trên sàn nhà, chúng ta bước đi trên mảnh ván đó rất dễ dàng. Nhưng đem mảnh ván đó bắc ngang qua hai cao ốc mười tầng thì việc “đi trên mảnh ván” đã trở thành chuyện khác rồi. Bạn “nhìn thấy” chính mình bước dễ dàng và an toàn trên mảnh ván đặt trên sàn nhà. Bạn “nhìn thấy” chính mình rơi khỏi mảnh ván bắc giữa hai cao ốc. Vì trí óc hoàn tất bức tranh mà bạn vẽ trong đó, nên nỗi sợ của bạn hoàn toàn có thật. Một tay golf nhiều lần đánh văng quả bóng xuống hồ nước hoặc văng ra khỏi đường lăn rồi vừa bước lui lại vừa than thở: “Mình biết sẽ thế mà”. Trí óc anh ta vẽ ra một bức tranh và con người anh ta hoàn tất hành động trong bức tranh ấy. Về mặt tích cực, vận động viên golf thành công biết anh ta phải “nhìn thấy” trái banh chạy vào lỗ trước khi đánh. Cầu thủ đập bóng giỏi trong môn bóng chày trước khi vung gậy đã “nhìn thấy” trái banh rơi đủ xa để kịp chạy về gôn, và người bán hàng thành công “nhìn thấy” khách hàng mua món hàng trước khi anh ta mời chào họ. Michelagelo nhìn thấy rõ ràng tượng Mose trong khối cẩm thạch trước khi ông ta hạ nhát đục đầu tiên.
Bạn phải chấp nhận chính mình trước khi có thể thực sự yêu thích một ai khác hoặc trước khi có thể chấp nhận việc mình xứng đáng có được thành công và hạnh phúc. Chỉ khi chấp nhận chính mình thì động cơ thúc đẩy, việc đặt mục tiêu, tư duy tích cực,… mới mang lại hiệu quả cho bạn. Bạn phải cảm thấy bạn “xứng đáng” được thành công, được hạnh phúc,… trước khi những thứ đó đến với bạn. Người nhận thức kém về bản thân có thể nhìn thấy rõ tư duy tích cực, việc lập mục tiêu… mang lại hiệu quả cho người khác ra sao chứ không phải cho chính mình.
Đó phải là sự chấp nhận có lợi cho bản thân, chứ không phải cái tôi cao ngạo “Ta là người giỏi nhất”. Trong các căn bệnh mà con người biết rõ, tính tự phụ là căn bệnh quái gở nhất; nó làm người ta buồn nôn ngoại trừ kẻ mang chứng bệnh ấy. Thực ra, người mắc chứng bệnh “cái tôi” đang phải chịu đựng một nhận thức vô cùng kém cỏi về bản thân.
Nhận thức đúng về bản thân chính là bước khởi đầu để có được thành công lẫn hạnh phúc. Tiến sĩ Joyce Brothers, tác giả, nhà báo, nhà tâm lý học nổi tiếng, đã nói, “Nhận thức của một người là cơ sở nhân cách của người đó. Nó ảnh hưởng đến mọi phương diện đời sống của con người: khả năng học hỏi, khả năng trưởng thành và thay đổi, sự nghiệp và bạn đời. Không quá đáng khi nói rằng nhận thức đúng về bản thân là sự chuẩn bị khả dĩ và tốt nhất cho sự thành công trong cuộc sống”.