Nhiều năm trước, khi nói đến tình yêu tuổi học trò, người ta thường nghĩ đến học sinh các lớp cuối cấp, chuẩn bị ra trường. Sự chia tay để chuẩn bị bước vào một cấp học mới khiến cho chúng có cảm giác nuối tiếc, nhớ nhung. Đó là thứ tình cảm rất hồn nhiên, trong sáng theo kiểu “thuở chẳng ai hay, thầm lặng mối tình đầu”. Nhưng bây giờ, cùng với sự thay đổi của môi trường xã hội, sự phát triển về kinh tế, các phương tiện công nghệ hiện đại như intenet, điện thoại di động thì việc học sinh biết yêu xuất hiện ở tất cả các cấp học, đặc biệt là bậc THCS và THPT.
Hiện tượng hai học sinh khác giới ôm nhau trên chiếc xe đạp giữa ban ngày ban mặt bây giờ không phải là chuyện hiếm. Nếu làm một cuộc khảo sát ở các nhà nghỉ, khách sạn, xin cam đoan rằng tỉ lệ học sinh vào đó không thấp hơn không đáng kể với những lứa tuổi khác. Tỉ lệ học sinh nữ nạo phá thai ở những cơ sở y tế tăng đến mức báo động. Đến khoa sản của các bệnh viện lớn, không khó khăn gì để nhận ra các cô cậu mặt còn búng ra sữa, đưa nhau đi giải quyết hậu quả…
Những hệ lụy đáng tiếc
Do chưa có những nhận thức chín chắn về tình yêu, lại chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cơ bản nên hiện tượng học sinh yêu sớm đã dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.
Yêu ở lứa tuổi học trò khiến cho việc học hành bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều em học sinh ở lớp không tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài, chỉ lúi húi viết thư hoặc nhắn tin cho người yêu. Về nhà thì đờ đẫn như người mất hồn. Lúc nào cũng sống trong trạng thái nhớ nhung mất ăn mất ngủ.
Lại có trường hợp hai cậu cùng thích một cô nên xảy ra hiện tượng bạo lực nhằm tranh giành đối tượng. Thời gian qua, trên mạng intenet có không ít hình ảnh về các học sinh nam nữ đánh nhau chỉ vì những chuyện liên quan đến tình cảm. Những cảnh dường như chỉ thấy trong xã hội đen như hay túm tóc, cào cấu hay dằn mặt, lột áo nhau giờ không còn là lạ giữa chốn học đường.
Với bản tính bồng bột, nông nổi và quan niệm rằng yêu là phải biết dâng hiến, nhiều mối tình tuổi học trò đã có kết cục buồn khi cả hai đi quá giới hạn, quan hệ tình dục sớm. Trong trường hợp này, chịu thiệt thòi nhiều thường thuộc về các nữ sinh. Trên thực tế, nhiều nữ sinh tỏ ra vô cùng lo sợ, hoảng hốt không biết xử trí ra sao khi lỡ ăn “trái cấm” và kết quả là cái thai trong bụng cứ lớn dần lên trong khi các em chưa đủ các điều kiện để làm mẹ. Trong trường hợp này, đa số nữ sinh phải chấp nhận đi nạo hút thai để được tiếp tục đến trường. Do mặc cảm, xấu hổ, sợ gia đình, thầy cô và bạn bè biết chuyện, phần lớn các em đã tự tìm đến các cơ sở phá thai tư nhân để giải quyết hậu quả bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra. Sau khi phá thai, nhiều em rơi vào tình trạng hụt hẫng, suy sụp tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và học tập. Một số trường hợp vì gia đình phát hiện quá muộn nên buộc phải tạm dừng việc học tập để hợp lý hóa đứa con trong bụng dù những cô nàng này chưa đủ tuổi kết hôn.
Vai trò của gia đình và nhà trường
Không ai khác, cha mẹ phải là người đầu tiên quan tâm đến cuộc sống tinh thần của con. Khi nhận thấy ở con những biểu hiện bất thường như: thường xuyên đi học về muộn, lơ là, chểnh mảng trong việc học, thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho ai đó phải kịp thời tìm hiểu và tìm ra cách xử trí linh hoạt, tế nhị, phù hợp. Mọi sự cấm đoán cực đoan, can thiệp thô bạo vào chuyện tình cảm của con trẻ ở độ tuổi mới lớn có thể gây ra những phản ứng tiêu cực, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Nhà trường nên có những buổi ngoại khóa, chủ đề về tình yêu học trò để chính người trong cuộc là các em được phát biểu ý kiến của mình về thứ tình cảm hết sức phức tạp và tế nhị này. Thầy cô giáo phải quan tâm sâu sát đến tâm tư, tình cảm của học trò. Tránh xếp chỗ ngồi xen kẽ giữa học sinh nam với học sinh nữ ở những năm cuối cấp. Sự va chạm về thể xác có thể là một trong những nguyên nhân các em tò mò về bạn khác giới.
Nên chăng, khi phát hiện trẻ yêu sớm, cần gần gũi, tìm hiểu, chia sẻ từ đó định hướng cho các em nhận thức về tình bạn, tình yêu trong sáng. Làm sao để chúng thấy được rằng ở tuổi học sinh, việc quan trọng nhất tác động đến tương lai là việc học.
Bằng nhiều cách thức khác nhau, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản ở tuổi mới lớn. Trong đó bao gồm cả việc trao đổi, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản. Điều quan trọng là gia đình và các thầy, cô giáo trong nhà trường phải là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy để giúp học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì vượt qua được giai đoạn tâm lý có nhiều thay đổi, xáo trộn này