1. Thế nào là tự học?
– Tự học là không ai bắt buộc mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm.
2. Lợi ích và hứng thú của công việc tự học?
– Ở bất cứ bộ môn nào, lĩnh vực nào, kiến thức cũng liên tục thay đổi theo những kết quả nghiên cứu mới, đáp ứng yêu cầu do cuộc sống đặt ra. Trong khi đó, kiến thức ở trường học phải theo một khung chương trình nhất định, phù hợp với nhiều đối tượng, nên có khi không bắt kịp sự thay đổi đó, không đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người học.
– Tự học giúp chúng ta bổ khuyết nền giáo dục ở trường, bắt kịp những kiến thức phong phú, mới mẻ, đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Dù làm ngành gì, nghề gì cũng cần tự học thường xuyên. Nếu không chúng ta sẽ trở nên lạc hậu, cũ mòn.
– Đồng thời, bên cạnh việc đem lại những kiến thức, việc tự học cũng đem lại sự hứng thú, yêu thích lĩnh vực mà mình theo đuổi.
3. Tự học như thế nào để đạt hiệu quả?
– Có hai kiểu tự học chính: tự học có người chỉ dẫn và tự học không có người chỉ dẫn. Tuy nhiên, dù học theo kiểu nào, hình thức tự học quan trọng nhất vẫn là đọc sách. (Gần đây có thêm hình thức truy cập thông tin trên mạng Internet, tuy nhiên đó cũng chỉ là nguồn thông tin khác nhau. Điều quan trọng nhất vẫn là cách đọc và xử lý thông tin của người tự học)
– Đọc sách là một việc quen thuộc của người tự học và mỗi người có thói quen đọc sách khác nhau. Tuy nhiên, cần phải rèn luyện những kỹ năng, thói quen tốt để việc đọc sách thực sự có hiệu quả .
– Quan sát, tìm hiểu trong thực tế cuộc sống ở lĩnh vực bộ môn mình nghiên cứu .
– Lịch sử khoa học-nghệ thuật thế giới đã có những tấm gương tự học vĩ đại: nhà bác học Ê-đi-xơn, tác giả của hàng ngàn phát minh khoa học có ích cho nhân lọai, đại văn hào Nga Mácxim Gorki, người coi cuộc sống là “những trường đại học của tôi”….Việt Nam cũng có những tấm gương như thế :Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn tự học không ngừng ở nhiều lĩnh vực, biết nhiều ngọai ngữ; học giả Đào Duy Anh, tác giả nhiều từ điển, nhiều công trình nổi tiếng …