1. Sức mạnh trí tuệ biểu hiện trong khuynh hướng thơ suy tưởng – triết lý
Chế Lan Viên từng nhiều lần phát biểu quan niệm thơ của mình, trong đó ông nhấn mạnh: “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh, không chỉ ở hời mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan” (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…). Tư duy thơ của Chế Lan Viên có cách tiếp cận riêng với đời sống. Không dừng lại ở xúc cảm, ở bề ngoài của sự vật hiện tượng cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ muốn khám phá sự vật “ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa”. Trí tuệ của nhà thơ hướng tới nắm bắt cái ý nghĩa triết lí hàm ẩn trong mỗi hiện tượng, và bằng tưởng tượng, liên tưởng, mà liên kết các sự vật, hiện tượng trong nhiều mối tương quan từ đó làm nảy lên những ý nghĩa sâu sắc. Cuộc sống hiện ra trong thơ Chế Lan Viên, vì thế, không chỉ như nhà thơ xúc cảm về nó, mà còn – và điều này quan trọng hơn – như nhà thơ suy nghĩ về nó. Cuộc sống đi vào trong thơ vì thế mà có thể ít đi phần nào cái cụ thể, chi tiết, sinh động, cái “non tơ” tươi tắn của nó, nhưng lại được làm giàu thêm ở một phía khác ở sức khái quát triết lý, ở sự hư ảo biến hóa, ở sự đa diện và đa dạng của các điểm nhìn, của các quan hệ…
Tuy nhiên, cũng dễ nhận ra rằng khi nào trí tuệ chưa đi liền với xúc cảm, hoặc những suy nghĩ chưa bắt dễ sâu vào trong thực tiễn sống động của đời sống mà nặng màu sắc tư biện trừu tượng thì câu thơ, đoạn thơ dễ rơi vào khô khan hoặc cầu kì, xa lạ.
Nhà thơ đã huy động vào trong công việc sáng tạo nghệ thuật nhiều năng lực và thao tác tư duy như phân tích, so sánh, khái quát hóa, triết lý và một vốn văn hóa, tri thức phong phú, nhiều mặt. Do cách nhìn ấy, thơ Chế Lan Viên không thiên về cảm xúc, cảm giác mà thâm nhập vào bề sâu và các bình diện của mỗi sự vật, hiện tượng, đặt nó trong nhiều mối tương quan để phát hiện những ý nghĩa tiềm ẩn mới mẻ, gây hứng thú và gợi suy nghĩ cho người đọc. Mỗi ý thơ, mỗi hình tượng thường được tác giả lật đi lật lại, để xem xét các mặt của nó, được đẩy tới tận cùng bằng cách đào sâu, mở rộng, đối sánh với các sự vật và hiện tượng khác. Vì thế thường bắt gặp trong thơ Chế Lan Viên những cách khai triển tú thơ như:
“Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh tre”
(Tình ca ban mai)
“Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…”
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)
Năng lực khái quát đi liền với thiên hướng triết lý là một phương diện cơ bản làm nên sức hấp dẫn trí tuệ của thơ Chế Lan Viên. Triết lý ở thơ Chế Lan Viên vừa dựa vào kinh nghiệm, trải nghiệm, vừa dựa vào trí tuệ sắc sảo, thông minh, và vốn tri thức văn hóa phong phú. Cố nhiên, những triết lý trong thơ chỉ có thể đạt được hiệu quả tối đa khi nó là kết quả tổng hợp của cả trí tuệ và trải nghiệm cả suy nghĩ và cảm xúc. Chế Lan Viên cũng không hiếm trường hợp đạt đến sự thành công như vậy.
2. Khai thác triệt để các tương quan đối lập
Tư duy thơ của Chế Lan Viên đặc biệt nhạy bén trong sự phát hiện những tương quan đối lập. Nhà thơ nhìn sự vật trong các mặt đối lập, đặt các hiện tượng tương phản bên nhau, làm nổi rõ bản chất và quy luật phát triển của nó, gây được hứng thú thẩm mỹ bất ngờ. Khai thác các tương quan này là phương thức phổ biến để tạo ý và cấu tứ trong thơ Chế Lan Viên, nó cũng là một hình thức quan trọng để sáng tạo và liên kết các hình ảnh thơ. Thường gặp trong thơ Chế Lan Viên là các mối tương quan giữa các phạm trù quá khứ và hiện tại, dân tộc và nhân loại, nội dung và hình thức, chủ thể và khách thể, còn và mất… Cũng rất phổ biến trong thơ Chế Lan Viên là những hình ảnh đối lập, chuyển hóa
– “Xưa phù du mà nay đã phù sa”
– “Xưa bay đi mà nay không trôi mất.”
– “Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ”
– “Nếu dưới vực sâu còn dũng khí”
– “Ta nấu xích xiềng ta làm súng đạn”
– “Người ngã xuống tựa máu mình mà đứng dậy”
– “Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng”
– “Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất”
– “Một cái hôn cân vạn ngày lửa đạn”
Khai thác các tương quan đối lập không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mà đã trở thành một nét đặc trưng của tư duy thơ, chi phối cái nhìn nghệ thuật của Chế Lan Viên
3. Năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú
Trí tuệ sắc sảo ở Chế Lan Viên gắn liền với năng lực sáng tạo hình ảnh hết sức dồi dào và đa dạng. Có thể nói, Chế Lan Viên cảm nhận, suy nghĩ về mọi điều bằng hình ảnh và hình ảnh lại khêu gợi, kích thích cho sự suy tưởng của nhà thơ càng vươn xa – sức mạnh của thơ Chế Lan Viên nổi trội cả ở ý và hình.
Thế giới nghệ thuật thơ của Chế Lan Viên được tạo lập bằng vô số hình ảnh dày đặc với nhiều dạng thức khác nhau. Có hình ảnh khái niệm, có hình ảnh kì ảo, lại có hình ảnh vừa thực vừa ảo, có hình ảnh đơn lẻ nhưng nhiều hơn là những hình ảnh được kết thành chuỗi, thành chùm, theo lối liên tưởng bổ sung hoặc đối lập. Năng lực sáng tạo hình ảnh ở Chế Lan Viên đã được bộc lộ ngay từ tập Điêu tàn. Nhưng chủ yếu Điêu tàn thiên về những hình ảnh được tạo bằng tưởng tượng, thậm chí bằng hư tưởng để gây được ấn tượng kinh dị (những nấm mồ, sọ người, xương khô, ma trơi, xương vỡ, máu trào…)
Từ Ánh sáng và phù sa, thơ Chế Lan Viên càng giàu hình ảnh, nhưng chủ yếu là những hình ảnh có mối liên hệ với hiện thực, bắt nguồn từ đời sống được sáng tạo bằng liên tưởng phong phú, táo bạo. Trong thơ Chế Lan Viên có những hình ảnh thật chân thực và chứa chan cảm xúc, nhưng còn bắt gặp nhiều hơn cả là những hình ảnh được sáng tạo bằng trí tưởng tượng phong phú liên tưởng bất ngờ cùng với cảm xúc dạt dào mà sâu lắng. Những đảo đá Hạ Long cũng mang chứa linh hồn và sự sống:
“Những đêm trăng, đá suy nghĩ như người
Khi xuân đến, đá động lòng thương nhớ,
Khi hè gọi đá xôn xao trong dạ đá
Hoa phong lan tím hồng rủ bướm đến từng đôi.”
(Cành Phong Lan bể)
Còn đây là cảnh tượng rực rỡ, kì ảo nơi đáy bể qua trí tưởng tượng không phải của một nhà sinh học mà của một nhà thơ.
“Tôi muốn đến chỗ nước, trời lẫn sắc
Nơi bốn mùa đã hóa thành thu
Nơi đáy bể, những rừng san khô vờ thức ngủ
Những rừng rong tóc xõa, lược trăng cài.
Nơi những đám mây trắng xóa, cá bay đi
Cá vào hội xòe hoa, mang áo đẹp.”
(Cành Phong Lan bể)
Để tạo thành hình ảnh, Chế Lan Viên cũng sử dụng những thủ pháp quen thuộc như miêu tả, so sánh, liên tưởng và những phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng. Liên tưởng và tưởng tượng, mỗi hình ảnh và sự vật được hiện ra trong các so sánh tương đồng hoặc đối lập, được mở rộng, bổ sung trong không gian và vận động biến đổi trong thời gian. Vì thế, hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên ít khi tồn tại đơn lẻ, biệt lập mà thường kết thành từng chuỗi, từng chùm, tầng tầng, lớp lớp, như những chùm pháo hoa liên tiếp, nhiều màu sắc và hình dáng, tạo nên khoái cảm thẩm mỹ bất ngờ cho người đọc.
Đây là biển được nhìn trong nhiều thời khắc và với nhiều liên tưởng bất ngờ:
“Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa
Thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại
Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra
Thành bể và thôi không trở lại làm trời:
Nếu núi là con trai thì bể là phần yểu điệu
Nhất của quê hương đã biến thành con gái,
. . .
Thoảng tí gió, gợn màu mây, nhạt tí nắng, ửng
Sắc trời, ló vầng trăng, hay chỉ vô tình
Con chim bay, con cá đớp
Bể đổi thay như lòng ta thay mùa, thay cảm xúc
Lật từng trang mây nước lạ lòng ta.”
(Cành Phong Lan bể)
Cũng thường gặp trong thơ Chế Lan Viên rất nhiều hình ảnh biểu tượng. Có thể là những biểu tượng đã quen thuộc trong đời sống hoặc trong sách vở Cổ, Kim, Đông, Tây được sử dụng và tái tạo để mang được màu sắc thời đại. Nhưng cũng có nhiều biểu tượng mới do nhà thơ sáng tạo ra, dựa trên sự mở rộng nghĩa vốn có của từ ngữ và hình ảnh, đem lại cho những hình ảnh quen thuộc một ý nghĩa khái quát mới. Thời Điêu tàn là những biểu tượng tháp Chàm, Sông Linh, Huyệt mộ, nhánh xương khô… Từ sau cách mạng, lại thường thấy trong thơ Chế Lan Viên những hình ảnh biểu tượng mới: Ánh sáng và phù sa, con tàu lên Tây Bắc, Sông Hồng và Sông Thương, bể và người, hình của nước, thần chiến thắng… Ở chặng thơ cuối đời, biểu tượng của Chế Lan Viên thêm đa dạng, đa nghĩa: Có tháp Bay-on bốn mặt và tháp Cao tăng, có Dã tràng có ích và hoa trên đá, xứ không màu.
4. Sự đa dạng trong bút pháp
Tiếp nhận ảnh hưởng của nhiều trường phái thơ phương Tây, nhất là thơ trí tuệ của Valêri, thơ Chế Lan Viên thiên về xu hướng hiện đại, nhưng không ít trường hợp, đặc biệt là trong thể tứ tuyệt lại có được cái hàm súc và phong vị man mác cổ thi. Về thể thơ cũng rất đa dạng. Chế Lan Viên thành thạo, nhuần nhuyễn trong thể bảy tiếng, tám tiếng ngay từ tập thơ đầu, ông cũng là người có nhiều thành tựu nổi bật nhất trong thể thơ tự do thơ văn xuôi, thúc đẩy xu hướng tự do hóa hình thức trong thơ hiện đại Việt Nam.
Thể thơ tứ tuyệt, hay nói chính xác hơn là thơ bốn câu của Chế Lan Viên là sự sáng tạo mới mẻ, hiện đại trên cơ sở một thể thơ truyền thống. Đó là kết quả nghệ thuật đầy năng động vừa tiếp thu và mài giữa những công cụ của truyền thống mà những khả năng tiềm tàng của nó không phải chúng ta đã khám phá hết được, đồng thời lại tìm tòi thể nghiệm để đem đến sự cách tân mang tính hiện đại cho một thể thơ truyền thống?