Đô thị hoá mở ra nhiều hình thái buôn bán: siêu thị, trung tâm thương mại, những hình thức mua bán mới văn minh, tiện nghi nhưng nếu thiếu đi cái không gian giao tiếp của cộng đồng- cái linh hồn của một đô thị sống động, thì nó sẽ thất bại.
Thành phố phát triển, tập quán mới du nhập, sự hình thành các cửa hàng bách hóa nhiều hơn trước, hay những siêu thị mini, những phức hợp siêu thị, những trung tâm thương mại, giải trí lớn là điều hợp quy luật và phù hợp với một bộ phận thị dân hoặc một nhu cầu giao khách hàng ngoài chợ của đa số thị dân.
Vậy vấn đề không nằm ở chỗ ủng hộ hay không ủng hộ những mô hình siêu thị hay không ủng hộ chợ truyền thống. Mà hãy để việc xây dựng mới của chợ phản ánh đúng bản chất của sinh hoạt chợ. Bởi văn hóa chợ khác hẳn siêu thị. Giá cả và chủng loại hàng hóa của chợ cũng thường thấp hơn, phần lớn là hàng hóa sơ chế. Dưới con mắt người tiêu dùng, mua bán trong trung tâm thương mại hay siêu thị rõ ràng là không thuận tiện bằng ở chợ, tuy hàng hoá đa dạng và chọn lọc kỹ hơn qua nhiều khâu nhưng không thể tươi rói như ở ngoài chợ- rau quả vừa thu hái trong vườn nhà xong là mang ra chợ ngay. Đã thế hiện nay, giá thuê mặt bằng ở siêu thị cao nên hàng hóa phải bán đắt, khó tiếp cận người mua hơn.
Ngoài chức năng là nơi mua bán thì chợ dứt khoát phải là không gian giao tiếp. Đã là giao tiếp thì phải thuận tiện, khi có nhiều thời gian (hàng giờ đồng hồ) mới có thể vào siêu thị để mua sắm, chọn lựa. Nhưng khi chỉ có 10-15 phút thôi, thì mọi người cần giao dịch trực tiếp ở nơi gọi là chợ: ghé qua chợ mua một bó rau tươi, một con cá quẫy… mới dễ dàng làm sao! Còn giao dịch hàng hóa ở siêu thị là giao dịch trong tập quán mới của cư dân đô thị, vào siêu thị là để thực hiện hành vi trao đổi hoàn toàn mang tính vật chất. Siêu thị tạo ra sự cô đơn và lặng lẽ tuy rằng ở chỗ đông người.
Hiện nay, nhiều dự án phá chợ xây siêu thị được xây dựng, phê duyệt theo ý chí của những người đã quá quen xây bách hóa tổng hợp thời bao cấp. Dẫn đến siêu thị bị cảnh “hiu hắt”. “Hiu hắt” theo nghĩa hoạt động rất ít, chỉ ở dưới đất, còn các tầng trên thì hầu như bỏ trống. (Trung tâm thương mại Ba Gia- P. Đình Bảng- Từ Sơn mới chỉ 20% ki ốt hoạt động, chợ Giầu, chợ Nhớn thì vẫn còn là trong bản vẽ…; các công trình trung tâm thương mại kết hợp với chợ ở Hà Nội cũng chung cảnh ngộ: chợ Hàng Da vắng khách, nhiều gian hàng đóng cửa, chợ Cửa Nam đìu hiu không bóng người, chợ Ô Chợ Dừa biến thành nhà hàng Karaoke…). Trong khi đó thì phần che vội vàng, tạm bợ ở ngoài sân chợ hoặc các khu phố xung quanh chợ, lại vẫn rất tấp nập.
Theo các chuyên gia kinh tế, về mặt phát triển đô thị chúng ta không phủ nhận tầm nhìn quan trọng của các siêu thị, bởi đây là nơi phục vụ văn minh, hàng hoá bảo đảm chất lượng, phù hợp với vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, ở góc độ dân sinh, chợ vốn là một hạ tầng xã hội tất yếu và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị. Để tạo thuận lợi cho người dân giao lưu buôn bán, mua sắm, theo định hướng cải tạo và phát triển chợ, nên chăng trong các đô thị chỉ việc cải tạo các chợ truyền thống thành chợ đa năng, còn các siêu thị sẽ được làm mới theo quy hoạch! Không nên biến chợ cũ thành siêu thị, biến văn hoá chợ thành văn hoá siêu thị.
Tiến sĩ Stephanie (tổ chức HealthBridge – Canada) “cảnh báo”:“Văn minh, hiện đại có thể đang được dùng như một cái cớ để người ta từ bỏ các không gian truyền thống quen thuộc vốn tạo nên bản sắc và linh hồn thành phố. Việt Nam hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những kế hoạch xoá bỏ chợ hay nâng cấp chợ truyền thống trong đô thị thành các trung tâm thương mại hay siêu thị. Thực tế đã cho thấy, những gì mất đi sẽ khó có thể lấy lại được, hoặc sẽ chỉ có thể lấy lại được với một cái giá rất đắt”.
Có nhà văn hoá đã ví: “ phá chợ xây siêu thị là phú quý giật lùi!”.
Điều đó thực đáng để chúng ta suy ngẫm!