Trọng tâm cần bàn luận là quan niệm, thái độ đúng đắn đối với vấn đề du học của thanh niên hiện nay. Có thể tham khảo gợi ý sau:
– Giới thiệu chung về hiện tượng gia tăng số lượng học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài trong những năm gần đây. Đây cũng là một hiện tượng cần được nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn và toàn diện.
– Khái quát tình hình và quan niệm chung của xã hội về vấn để du học:
+ Trong những năm gần đây, số lượng học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài tăng nhanh ởtất cả các bậc – từ trung học đến cao đẳng, đại học, sau đại học và với nhiều hình thức phong phú (hoặc tự túc, hoặc bằng học bổng của nhà nước, của các trường…).
+ Nhìn chung, dư luận xã hội Việt Nam đề cao chuyện du học, coi đó là cơ hội tốt cho các bạn trẻ.
– Bàn luận, mở rộng vấn đề:
+ Sự gia tăng số lượng du học sinh trước hết là một “tín hiệu” đáng mừng cho tương lai của đất nước. Vì du học mang lại cơ hội cho các bạn trẻ tiếp xúc với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; các bạn có điều kiện giao lưu và học hỏi bạn bè quốc tế. Rất nhiều du học sinh đã đạt được thành tích cao trong các trườngtrung học, đại học nước ngoài, làm rạng danh cho đất nước. Nhiều du học sinh Việt Nam sau khi học xong đã trở về góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Họ là nguồn nhân lực vô cùng quý giá cho xã hội… Vì vậy, nếu có điều kiện, các bạn trẻ rất nên lựa chọn hướng đi này.
+ Nhưng du học không phải là con đường bằng phẳng mà ai đặt chân lên đó cũng đều tới đích. Trên thực tế, không ít bạn trẻ chưa được chuẩn bị tốt đã vội vã “lên đường”, khiến bản thân phải gánh những áp lực quá lớn. Cũng có nhiều bạn chỉ dựa vào tiềm lực kinh tế, hoặc coi chuyện du học như một kì nghỉ dài để tự do “hưởng thụ cuộc sống”… Rốt cuộc, bản thân họ và gia đình có thể phải nhận những hậu quả đáng tiếc…
+ Sự gia tăng số lượng du học sinh, nhìn từ một góc độ khác, cũng có thể là một hiện tượng đáng lo ngại cho nền giáo dục và kinh tế Việt Nam. Nó có thể làm tăng tình trạng “chảy máu chất xám” và làm giảm thu nhập chung của xã hội. Vì sao nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng “đầu tư” một số kinh phí lớn để cho con du học? Vì sao nhiều bạn trẻ sẵn sàng chấp nhận vất vả hơn, gian khó hơn khi quyết định học tập trong môi trường quốc tế?
+ Chúng ta cần phải làm gì để cân bằng vấn đề này và biến nó thành điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của xã hội?
– Bản thân anh (chị) có ý định du học không? Vì sao? Theo anh (chị), cách nhìn nhận đúng đắn và toàn diện đối với vấn đề du học là gì?
– Từ hiện tượng trên, có thể rút ra những kết luận gì? (Du học nước ngoài vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thử thách lớn. Mỗi bạn trẻ cần xuất phát từ điều kiện cụ thể của bản thân và cần xác định cho mình mục đích đúng đắn để lựa chọn.)