Xưa người ta thường nói “thi trung hữu họa” (trong thơ có họa) để khen tặng những bài thơ giàu hình ảnh. Đọc Đàn ghi ta của Lor-ca còn thấy đây là một bài thơ rất giàu chất nhạc (thi trung hữu nhạc). Có người đã phát hiện ra bài thơ có sự kết hợp của hai “dòng” âm nhạc phương Đông và phương Tây: những âm thanh thương tiếc, não nề của nhạc điếu phương Đông và những hợp âm đầy tính bác học của nhạc giao hưởng phương Tây. Riêng tôi, sau khi đọc và nhìn lại cấu trúc, nhịp điệu, cảm xúc toàn bài thơ, thấy nó như một bản giao hưởng (hề, cứ gọi là giao hưởng cho “oai” chứ thực ra cũng không có nhiều hiểu biết về thể loại âm nhạc này).
– Khổ 1: Khúc dạo đầu với những đối âm căng thẳng, gay gắt thể hiện tình hình chính trị “ngột ngạt”, sự “cũ mòn” của nghệ thuật đương thời với hình ảnh người nghệ sĩ khao khát tự do, say mê sáng tạo.
– Khổ 2. Tiếp mạch say sưa, ngây ngất ở cuối khổ 1, nhưng bị cắt đột ngột, chuyển sang những âm thanh gằn, sắc thể hiện sự kinh hoàng, rùng rợn, ấn tượng về chiếc “áo choàng bê bết đỏ”.
– Khổ 3. Miên man, quay cuồng trong nỗi đau đớn, mất mát với những hợp âm nối tiếp nhau, tan hòa vào nhau để lại một dấu ấn sâu đậm về cái chết, sự mất mát, nỗi đau đớn tột cùng (cả tinh thần và thể xác)
– Khổ 4. Dàn trải, trầm lắng, suy tư thể hiện niềm xót thương, không ào ạt, mạnh mẽ, quay cuồng như khổ ba, không bất ngờ, kinh hoàng như khổ hai, song thấm sâu da diết.
– Khổ 5. Trầm, sâu, da diết, thấm đẫm chất suy tư, như một lời tâm sự, một cái nhìn hồi cố về cuộc đời – cuộc hành trình tranh đấu và sáng tạo của Lor-ca.
– Khổ 6. Những âm thanh được tăng dần về cường độ tuy vẫn giữ những chủ âm sâu lắng, da diết. Tiết tấu nhanh hơn thể hiện sự dồn nén, chất chứa cảm xúc trước sự lựa chọn của người nghệ sĩ vĩ đại (hiến trọn cuộc đời mình nhân dân, cho tự do, cho nghệ thuật dẫu biết rằng con đường đấu tranh ấy thăm thẳm hiểm nguy). Tiết tấu dồn dập được đẩy lên đến cao trào để rồi kết thúc đột ngột trong lặng im (Chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt).
Một khoảng im lặng tưởng chừng như vô tận, tưởng chừng như hư vô và cái chết chiếm lĩnh trọn vẹn.
Nhưng không, từ xa mờ vọng lại những âm thanh quen thuộc, gần gũi, thân thương: li-la li-la li-la. Đúng là tiếng ghi ta của Lor-ca (hay của một chàng du ca nào đó – hát lên khúc dân ca An-đa-lu-xi-a). Nó vẫn văng vẳng đâu đây. Giai điệu của nó vẫn hiện hữu trong trái tim, tâm hồn nhân dân Tây Ban Nha, trọn vẹn trong tình yêu và sự ngưỡng mộ của mọi trái tim từ mọi phương trời.