Gợi ý làm bài:
Về nội dung, đề này không khác dạng đề tương tự: Nêu / phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Điều khác duy nhất ở đây là các giá trị ấy được nhìn nhận, phân tích, các giá trị đó vừa có tính tập trung và sâu hơn bình thường. Cần đảm bảo các ý sau:
1. Giá trị hiện thực:
a. Phản ánh nỗi khổ của nhân dân miền núi và lên án chế độ phong kiến thực dân:
– Mị
+Mị là cô gái trẻ, đẹp đang ở lứa tuổi thanh xuân, yêu đời. Nhưng Mị dã trở thành một món hàng trừ nợ. Cha mẹ Mị không có tiền cưới phải đến vay nhà thống lí Pá Tra, mỗi năm trả lãi một nương ngô. Đến khi mẹ mất, cha già mà nợ vẫn còn, Mị cướp về làm dâu để trừ nợ. Điều này đã tố cáo hình thức bóc lột của bọn phong kiến là cho vay nặng lãi để cột chặt kiếp nô lệ của người dân miền núi. Mặt khác, tác phẩm còn cho thấy món nợ Mị phải trả như một cái án truyền kiếp mà cô phải gánh lấy từ trong trứng nước. Hơn nữa, cuộc đờ nô lệ của Mị bị bọn thốn trị ràng buộc, áp chế bởi sự mê tín, thần quyền (Mị nghĩ rằng bố con Pá Tra đã “trình ma” mình là người của nhà nó thì chỉ còn biết ở đây cho tới lúc chết mà thôi).
+Chưa hết, về nhà thống lí Pá Tra, Mị còn bị đày đoạ về thể xác lẫn tinh thần. Danh nghĩa là con dâu nhưng thực chất chỉ là tôi tớ. Thân Mị, cũng như nhiều phụ nữ khác, không bằng thân trâu, ngựa: Con trâu, con ngựa làm có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.
+Điều mà nhà vưn xót xa hơn là nỗi khổ tinh thần của Mị. Mị không biết đến hạnh phúc, không được hưởng một niềm vui, không hề nghĩ đến tương lai. Dần dần, Mị trở thành người buông xuôi theo số phận, vô thức về thời gian, không biết làm dâu năm nào, vô thức về không gian qua chi tiết căn buồng Mị nằm kín mít với cửa sổ một lỗ vuông bằng tay lúc nào cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là suơng hay la nắng. Căn buồng ấy là biểu tượng hiện tại và tương lai của Mị. Nó không giam hãm thân xác Mị nhưng cách ly tâm hồn với cuộc đời, nó giam hãm tuổi thanh xuân và sức sống của cô.
– A Phủ
+Cũng như Mị, cuộc đời A Phủ tiêu biểu cho nỗi khổ của người dân người dân miền núi. Đánh A Sử, con thống lí, A Phủ bị trói, bị đánh, bị phạt vạ 100 đồng. Không có tiền, anh phải ở cho nhà thống lí trừ nợ. Từ đó, A Phủ mang cái nợ truyền kiếp: Mày không có trăm bạc thì tao cho mày vay để mày ở nợ. Bao giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền trả thì tao bắt mày ở làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con mày, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi.
+Đi ở trừ nợ cho nhà thống lí Pá Tra, A Phủ phải làm quần quật ở bìa rừng. Đến khi làm mất một con bò, anh bị trói, bị đánh, bị bỏ đói, bỏ khát máy ngày liền chờ chết. Hình phạt bọn chúng đối với A Phủ chẳng khác gì những hình phạt thời trung cổ: A Phủ lẳng lặng ra vác cái cọc gỗ rồi lấy cuộc dây mây trên gác bếp xuống. Tự tay A Phủ đóng cọc gỗ xuống bên cột. Pá Trá vẫn đứng đấy, bấy giờ đẩy A Phủ vào chân cột, hai bàn tay bắt ôm quặt lên. Rồi dây mây quấn từ chân lên vai, chỉ còn cái cổ và đầu hơi lúc lắc được. Đàn bà trong nhà, mỗi khi qua đều cúi mặt. Không một ai dám hỏi, cũng không ai dám nhìn ngang mặt.
+Cũng như Mị, A Phủ không chỉ khổ về thể xác mà còn khổ về tinh thần. Nếu nhu Mị tê liệt sức phản kháng khi ở lâu trong cái khổ thì A Phủ cũng vậy. Từ một chàng trai bướng bỉnh không chịu khuất phục, anh đã trở thành một con người chịu đựng. Anh như con trâu đã đóng lên tròng, chủ bảo sao làm vậy.
b. Vợ chồng A Phủ phản ánh những quy luật của xã hội:
– Tô Hoài có cái nhìn biện chứng về quan hệ giữa hoàn cảnh và tính cách. Bị đày ải lâu ngày trong một thế giới không có nhân tính, không có tình người, cả Mị lẫn A Phủ đều trở thành những con người an phận, thiếu ý thức đấu tranh, thậm chí lạnh lùng, vô cảm.
– Nhưng tác phẩm cũng cho thấy khi bị ức hiếp, bị đẩy đến đường cùng, người luơng thiện sẽ vùng dậy tự giải phóng mình. Tác phẩm còn cho thấy tình hữu ái giai cấp sẽ tạo sức mạnh để họ tự giải thoát. Khi chưa đến với nhau, Mị và A Phủ là hai thực thể cô đơn, cô độc. Hành động Mị và A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài là biểu hiện đấu tranh tự phát.
– Điểm mới mẻ của Tô Hoài là nhà văn đã nắm bắt và miêu tả hiện thực trong xu thế của cách mạng. Mị và A Phủ đã tự giải thoát mình nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, Mị và A Phủ vẫn chưa được thực sự tự do, hạnh phúc. Đến phần hai của tác phẩm, Mị và A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài đến Phiếng Sa, họ lại bị đàn áp bởi thế lực của thực dân. Chỉ khi gặp A Châu, một cán bộ Đảng, Mị và A Phủ giác ngộ cùng nhân dân Phiềng Sa lập đội du kích. từ đó họ mới tìm thấy một hướng đi cho tương lai tốt đẹp. Như vậy, con đường đấu tranh từ tự phát đến tự giác chống thực dân phong kiến dưới sự dìu dắt của Đảng là con đường tất yếu, lịch sử, để nhân dân các dân tộc thiểu số miền núi thoát khỏi ách nô lệ, vươn tới cuộc sống độc lập tự do.
2. Giá trị nhân đạo
a. Tô Hoài đã có cái nhìn nhân văn thiên nhiên và con người Tây Bắc
Rừng núi và người dân tộc thiểu số tự bao đời trong ấn tượng của mọi người là mảnh đất thiêng nước độc, cuộc sống tăm tối, ngu muội. Nhưng trong con mắt nhà văn đó là miền đất thơ mộng, hùng vĩ với mùa xuân đẹp, gợi cảm. Tiếng hát, tiếng sáo ngây ngất trong lòng người. Con người Tây Bắc đẹp về nhiều phương diện từ ngoại hình đến tâm hồn và năng lực lao động.
b. Lòng thương cảm:
Bên cạnh việc ca ngợi, Tô Hoài đã biể lộ tấm lòng thương cảm sâu sắc vơi người dân miền núi khi ông dựng lại nỗi đau khổ tủi nhục của Mị và A Phủ. Những đoạn độc thoại nội tâm của Mị khiến ta cảm tưởng như tác giả đang nhập vào tâm trạng nhân vật để nói lên nỗi lòng vừa đau đớn, vừa thiết tha của cô. Không có lòng yêu thương thì không có những trang văn làm xúc động lòng người đến vậy. Càng yêu thương, trân trọng con người biết bao nhiêu thì nhà văn càng lên án gay gắt những thế lực chà đạp quyền sống con người bấy nhiêu. Do đó, Vợ chồng A Phủ là bài ca ca ngợi con người, nhưng đồng thời cũng là bản án đanh thép kết tội những ai lợi dụng thần quyền, cường quyền, lợi dụng hủ tục mê tín… để biến con người thành nô lệ.
c. Đề cao con người:
Trong vợ chồng A Phủ, Tô Hoài thể hiện cái nhìn trân trọng đối với con người. Nhà văn đã khắc hoạ sức sống bên trong của những con người thấp cổ bé họng và đặt trọn niềm tin yêu vào đó.
Đi sâu vào tận cùng ý thức của nhân vật, tác giả đã phát hiện niềm khao khát sống của họ. Tuy phải âm thầm chịu đựng cuộc sống đày đoạ nhưng không phải vì thế mà Mị và A phủ đánh mất sức sống. Nhà văn Tô Hoài đã khiến chúng ta thêm tin yêu vài bản chất tốt đẹp của con người.
d. Tìm đường đi cho nhân vật
Điểm mới mẻ và sâu sắc của tư tưởng nhân đạo ở Vợ chồng A Phủ là tác giả đã để nhân vật tìm ra con đường giải phóng thật sự, thể hiện ước vọng chân chính của mình trong quá trình đến với cách mạng. Mị dần dần không sợ con mà nhà A Sử, biết ngẩng đầu tham gia du kích. A Phủ trở thành đội trưởng đội du kích cùng nhân dân bảo vệ quê hương. Sự đổi đời của nhân vật Mị và A Phủ chính là giá trị nhân đạo cao nhất trong tác phẩm.