Gợi ý bài:
* Cảnh ngộ, tâm trạng của Trương Ba: Sau mấy tháng trú ngụ trong thể xác anh hàng thịt, Trương Ba nhiễm nhiều thói xấu, bị mọi người xa lánh. Trương Ba rất đau khổ nhưng chưa tìm được cách giải thoát. Nhân vật bị đẩy vào tình huống đau đớn, bế tắc.
* Phân tích các cuộc đối thoại để làm rõ xung đột, từ đó thấy được phẩm chất của Hồn Trương Ba và những triết lí mà tác giả gửi gắm.
– Lớp kịch Trương Ba với xác hàng thịt:
+ Khẳng định phần hồn là phần thanh cao nhất trong con người, giúp phân biệt con người với con thú. Đoạn đối thoại cho ta thấy một Trương Ba với tâm hồn thanh cao, căm ghét, lên án cái thô lỗ, tầm thường.
+ Nhưng cũng trong đối thoại với xác hàng thịt, Hồn Trương Ba bị đẩy vào đường cùng, đuối lí, buộc phải xuôi theo những sự thật và lí lẽ hiển nhiên mà Xác chỉ ra. Như vậy là trong cuộc sống, thể xác phàm tục vẫn có lúc lấn át linh hồn thanh cao. Vấn đề là con người phải làm thế nào (luôn đấu tranh) để chiến thắng cái xấu, hoàn thiện nhân cách.
Triết lí: Trong mỗi con người, phải luôn có sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn. Không thể chỉ có cái này mà không có cái kia. Con người luôn phải nỗ lực, tự đấu tranh để hoàn thiện nhân cách.
– Lớp kịch Trương Ba với người thân:
Các đối thoại lần lượt với vợ, con dâu, cháu gái, đã đẩy Trương Ba đến tận cùng của sự đau khổ, tuyệt vọng, đòi hỏi nhân vật phải đưa ra một sự lựa chọn. Chính sự đau khổ ấy càng tô đậm bản chất con người Trương Ba: Không thể chung sống với cái xấu. Chừng nào còn sống trong xác hàng thịt, Trương Ba còn dằn vặt, còn đau đớn khôn nguôi.
Đối thoại với những người thân đẩy xung đột kịch – cuộc đấu tranh giữa cái tốt-hồn Trương Ba- với cái xấu-xác hàng thịt- đến đỉnh điểm.
Triết lí: Cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt trong bản thân mỗi người là cuộc đấu tranh quyết liệt, dai dẳng, đòi hỏi sự nỗ lực ghê gớm của con người!
– Lớp kịch Trương Ba với Đế Thích:
+ Không thể sống với bất cứ giá nào, kiên quyết không chấp nhận kiểu sống giả dối, bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo; Trương Ba thanh thản chấp nhận cái chết. Lúc này, Trương Ba đã nhận thức được ý nghĩa đích thực của cuộc sống: Cuộc sống chỉ ý nghĩa khi được sống đúng là mình.
+ Lời đề nghị của Đế Thích để cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị thực chất là một sự thử thách. Liệu sống trong xác cu Tị- một ĐỨA BÉ TỐT- có hơn gã hàng thịt – KẺ THÔ TỤC? Với Trương Ba, điều ấy không có nghĩa lí gì. Cái quan trọng nhất: Tôi muốn được là tôi toàn vẹn! Câu nói của Trương Ba là sự đột phá của con người cá nhân, cũng là dấu hiệu đổi mới của kịch Lưu Quang Vũ. Đó cũng chính là triết lí nhân sinh mà tác giả muốn gửi đến người đọc.
Tóm lại:
– Trương Ba xuất hiện như một tiêu biểu cho tâm hồn thanh cao, căm ghét cái thô lỗ tầm thường; cho khát vọng được sống trọn vẹn, được sống đúng là mình. Cuộc đấu tranh và sự lựa chọn ấy chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh tích cực: Trong mỗi người luôn tồn tại cả thể xác và linh hồn. Nhưng linh hồn luôn phải đấu tranh trước những đòi hỏi, những dục vọng tầm thường của thể xác.
– Câu chuyện của Trương Ba vẫn còn nguyên giá trị ở ngày nay và trong cả mai sau, vì chừng nào còn tồn tại thì chừng ấy con người còn đấu tranh chống lại cái xấu, hướng tới hoàn thiện nhân cách. Đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung là một bài học làm người cho tất cả chúng ta.