Trước hết, về ngôn ngữ kể chuyện. Tác giả đã có nhiều dụng ý và dụng công khi xây dựng hình tượng nhân vật họa sĩ Phùng – người kể chuyện. Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi” là một họa sĩ. Việc chọn lựa người kể chuyện là một nghệ sĩ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tác giả thể hiện những vấn đề liên quan đến quan điểm nghệ thuật và công việc của một người nghệ sĩ (tức tư tưởng, chủ đề của tác phẩm). Hơn nữa, thông qua cách nhìn, cách cảm của một người nghệ sĩ, cảnh vật, con người trong câu chuyện hiện lên tinh tế, sắc nét hơn.
Về vai trò của nhân vật Phùng, người kể chuyện trong tác phẩm, không phải là “người đứng ngoài” quan sát (nhân vật “người chứng” như thuật ngữ chuyên môn) và kể lại câu chuyện cho bạn đọc mà anh là một nhân vật tham gia cốt truyện (anh làm quen và tạo được sự tin tưởng của thằng Phác, anh đã hành động khi người chồng vũ phu lại tiếp tục đánh vợ….). Điều đó cũng thể hiện một quan niệm của Nguyễn Minh Châu, nghệ sĩ trước hết là một công dân, một Con Người trong cuộc sống thực tế, tham gia những hoạt động hàng ngày và không chỉ thụ động sáng tạo nghệ thuật mà còn biết hành động để thay đổi thực tại.
Về vấn đề ngôn ngữ nhân vật.
Chủ yếu tập trung ở ngôn ngữ của nhân vật người phụ nữ, người vợ, người mẹ chịu nhiều bất hạnh. Các bạn có thể chú ý đến sự chuyển đổi trong cách xưng hô khi chị nói chuyện cùng Phùng và Đẩu: từ “con – quý tòa” thành “Tôi” và cuối cùng là ” Chị – các chú”. Cách xưng hô thể hiện sự thay đổi vị thế của mỗi nhân vật trong giao tiếp đồng thời thể hiện bản lĩnh, phẩm chất của người phụ nữ miền biển ấy.
Trên kia mới chỉ là một vài suy nghĩ về các đặc điểm của Chiếc thuyền ngoài xa mong gợi mở cho các bạn những hướng suy nghĩ, phân tích tác phẩm. Rất mong các bạn tiếp tục nêu những quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề này để chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về tác phẩm (các bạn có thể tiếp tục phân tích các nhân vật, kết cấu… của tác phẩm)