Nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi là vấn đề thường được bàn thảo khi có sự kiện cần có định hướng giải quyết. Ai cũng biết quyền lợi và nghĩa vụ luôn tồn tại song hành, nghĩa vụ càng cao thì quyền lợi càng lớn. Tuy nhiên, không thể có một định lượng chính xác và thật sự đúng đắn, hợp lý như một cộng một bằng hai, vấn đề cần nhận thức để có thái độ hành xử thích hợp là ở chỗ này.
Những năm 80 thế kỷ trước sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản làm cho người công nhân từ địa vị làm thuê trở thành ông chủ nhỏ, rất nhỏ (có cổ phần trong công ty mình làm việc, không chỉ hưởng lương mà còn được chia cổ tức, được có ý kiến về sự bảo tồn, phát triển vốn đóng góp thông qua đại hội cổ đông) trong khi những nhà lý luận, quản lý xã hội chủ nghĩa khô cứng và giáo điều biến người công nhân từ địa vị ông chủ to, rất to (làm chủ tập thể) nhưng thật sự chỉ được lãnh lương như người làm thuê và chỉ tham gia giám sát một cách gián tiếp thông qua hoạt động của các tổ chức đại diện (như công đoàn). Điều này đã góp phần làm thay đổi hệ thống chính trị xã hội thế giới mà cái phù hợp với nhu cầu thực tế và tâm lý của những con người cụ thể là gì, chúng ta đã rõ.
Nói một cách cụ thể hơn, chẳng ai chấp nhận làm ông chủ mà bị đối xử như một kẻ làm thuê. Chẳng ai muốn cứ phải thực hiện nghĩa vụ “cao cả, hết sức quan trọng” mà lợi ích vật chất ít hơn, về tinh thần không được tôn trọng bằng người có đóng góp “thường thường”. Đó là điều đương nhiên, nhưng thực tiễn không lúc nào cũng đúng như lý luận.
Tuy nhiên, một khuynh hướng khác đã, đang và chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra là người ta chỉ chăm chăm nghĩ đến quyền lợi trước khi thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Và những người này không sớm thì muộn cũng sẽ nhận được những cái “bánh vẽ to tướng” hay những “cú lừa ngoạn mục” vì làm gì có chuyện không thực hiện trách nhiệm mà được hưởng quyền lợi (trừ các đối tượng được xã hội bảo trợ). Cao hơn nữa là những trường hợp người ta tự cho phép mình được yêu cầu người khác phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ như là một điều tất nhiên để thông qua đó người ta ban phát quyền lợi cho họ. Nếu các yêu cầu đó là chính đáng thì không có nhiều vấn đề phải bàn thêm nhưng nếu đó là những yêu cầu chưa, thậm chí là không chính đáng thì sao?
Đối với sinh viên chúng ta, vấn đề lại càng cụ thể hơn. Chúng ta không có trách nhiệm và nghĩa vụ nào lớn hơn việc học. Đó là trách nhiệm của chúng ta đối với gia đình, nhà trường và cả xã hội. Trách nhiệm thì hết sức lớn, vậy quyền lợi của chúng ta là gì? ở đâu? Nếu chịu để ý một chút chúng ta không khó nhìn ra quyền lợi của chúng ta là được trở thành một người trí thức, một người “Việt Nam chất lượng cao” và nó ở ngay chính bản thân chúng ta không đâu xa cả. Nếu hoàn thành nghĩa vụ chúng ta sẽ có một vị trí xã hội nhất định được nhiều người tôn trọng, chúng ta sẽ có một việc làm với thu nhập cao hơn những người lao động bình thường khác. Ngược lại chúng ta sẽ mất, mất rất nhiều thậm chí là tất cả.
Đơn cử một việc mà nói vui trong đời sinh viên không ít người đều đã trãi qua, đó là việc học lại. Có thể do nguyên nhân chểnh mảng trong học tập, nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác không tiện nói ra. Và dù vì lý do gì đi chăng nữa cũng có thể quy vào đã không thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của người sinh viên. Như vậy làm sao được công nhận hoàn thành nhiệm vụ học tập? Muốn được học tiếp hoặc được công nhận tốt nghiệp chúng ta phải học lại. Lúc đó, chúng ta phải chịu đủ thứ phiền toái, phải đăng ký học lại, phải chờ xếp lớp, phải đóng học phí … Nói tóm lại lúc đó hơn ai hết chúng ta hiểu rằng “cái chưa mất đi chính là quyền lợi mà chúng ta không biết hưởng thụ”. Hiểu được điều này chúng ta sẽ xây dựng được cho mình một thái độ học tập đúng mực, bằng không sẽ lún sâu hơn vào những sai lầm khác chẳng hạn đơn giản như quay, cóp bài hay nguy hại hơn như xin điểm, mua điểm …
Từ câu chuyện đơn giản trên, suy rộng ra chúng ta có thể vận dụng để học tập và sống tốt hơn trong cuộc sống sau này.