Trong năm vừa qua, chúng ta thực hiện khá tốt (so với những năm trước) việc nói không với tiêu cực trong thi cử. Bằng chứng là nhiều bậc lãnh đạo đã sung sướng đến ứa nước mắt khi thấy tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT ở lần thi thứ nhất thấp đi rõ rệt so với những năm qua và tự hào mỉm cười trước nhân dân: kỳ thi đã phản ánh chính xác hơn chất lượng giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên Căn bệnh thành tích là không phải của riêng giáo dục, mà là của chung xã hội ta, một xã hội còn trọng bằng cấp, còn ham thích những con số “trên mây”. Vậy nên giáo dục vẫn bị cuốn vào vòng xoay chung đó, và việc thi cử nghiêm túc chỉ hạn chế được phần nào bệnh thành tích chứ không phải là phương thuốc chữa bệnh. Ví dụ như hôm qua nói chuyện với một bạn học lớp 11 ở một ngôi trường danh tiếng nhất nhì Sài Gòn, em ấy nói là bạn được nhất lớp giữa học kỳ này điểm trung bình đến 9.7… trong khi suốt ở một số trường khác không thể nào kiếm ra được điểm trung bình hơn 9.2 Lại nói cũng trong một trường, các lớp khác nhau có những bài kiểm tra khác nhau từ những thầy cô khác nhau, thế nên mới cần có một kỳ kiểm tra tập trung với trọng số cao, để công bằng hơn một chút cho học sinh trong một trường, và cần có những kỳ kiểm tra toàn vùng, toàn quốc mang tính quyết định, để công bằng hơn đôi chút giữa các trường trong địa phương và giữa các địa phương với nhau.
Thế thì nếu đại bộ phận xã hội hiểu ra được rằng điểm số giữa vùng này và vùng khác, giữa trường này và trường khác, giữa lớp này và lớp khác, thậm chí những người này và người khác đều có những lý do khách quan để chênh lệch nhau và ý nghĩa của nó không đáng được xem trọng so với kết quả của những kỳ thi chung mẫu mực toàn quốc, thì mọi người sẽ nhìn vào mặt nhau chứ không nhìn chăm bẵm vào học bạ của nhau nữa, sẽ không còn những chuyện bạn bè hơn thua nhau từng điểm cộng điểm trừ, không còn chuyện len lén giấu đi cái khoản “xếp hạng trong lớp” mỗi lần đưa sổ liên lạc về nhà… Một phần của căn bệnh thành tích coi như có thể chấm dứt.
Vậy phần còn lại nằm ở đâu? Là nằm trong hệ thống CHỈ TIÊU + KHEN THƯỞNG của cơ cấu tổ chức giáo dục nước ta, nó rất là tức cười và mang nặng màu sắc giáo điều lệch lạc XHCN. Chúng ta đã từng phạm sai lầm trong những kế hoạch 5 năm viễn vông không tưởng, ngày nay chúng ta vẫn còn tiếp tục sai lầm trong những chỉ tiêu “100 năm trồng người”, một hệ thống chỉ tiêu quá ư hà khắt và không linh hoạt đối chiếu tương ứng với điều kiện sở tại của mỗi vùng miền, điều đó cũng tương tự như tổ chức một cuộc chạy đua mà các thí sinh không có chung một vạch xuất phát. Và đáng buồn hơn nữa, “giải thưởng” của cuộc đua lại được trao chủ yếu bằng Tiền – mà như thầy Nhân đã hứa hẹn, đến năm 2010 thì giáo viên sẽ sống được bằng lương – và hiện nay chúng ta đang ở năm 2007, thế thì khó tránh khỏi một số anh chị em trong ngành ta đã sa ngã, trở thành nạn nhân mà cũng là phạm nhân của căn bệnh thành tích. Để giải quyết tận gốc căn bệnh này, không thể chỉ dựa vào nỗ lực riêng từ phía giáo dục mà sau lưng nó là cả một bánh xe xã hội nặng nề trì trệ, vì thế mà khía cạnh này trong năm vừa qua không đạt được những thành tựu “rực rỡ” như khía cạnh chống tiêu cực thi cử.
Năm nay thầy phó thủ tướng bộ trưởng giáo dục ta lại “thừa thắng xông lên”, (mặc dù năm qua chưa thấy “thắng lợi vẻ vang” ở đâu cả ngoài chuyện tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp đi !?) tiếp tục vận động thêm 2 điều nữa: một là không ngồi nhầm lớp, hai là giữ gìn tư cách đạo đức nhà giáo.
Chuyện ngồi nhầm lớp cũng lại là một hệ quả của bệnh thành tích, chống lại được chuyện này, thì – cũng như chuyện chống tiêu cực thi cử của năm trước – vẫn chỉ là đi “tìm diệt” triệu chứng của bệnh để người ta không biết mình bệnh nữa, chứ thật ra vẫn chưa động đến cội rễ của bệnh thành tích, là vấn đề vẫn còn tồn đọng của nhiều năm qua.
Còn cái vận động giữ gìn tư cách đạo đức nhà giáo thì thôi rồi, khỏi phải bàn, đó là một động tác rõ ràng nhằm mục đích chính trị, để “đáp lời” dư luận khi thầy vừa bước vào ghế phó thủ tướng thì lập tức bị chất vấn quá nhiều về những hành động bê bối của các anh chị em trong ngành bị phanh phui liên tục. Nhưng dù sao vận động cũng chỉ là vận động.
—
Xin phép đi ra ngoài lề một chút. “Tự trọng đi đôi với tôn trọng”, người xưa đã dạy thế, nhưng trong trường phổ thông chúng ta luôn được nhào nặn đóng khuôn để cho ra những bài văn nghị luận đại loại là mỗi người phải biết tự trọng thì người khác mới tôn trọng mình. Ôi mái trường XHCN thân yêu… cảm ơn đã dạy tôi biết tự trọng… nhưng có cần ràng buộc học sinh nhận định quan điểm của người xưa phiến diện đến thế không? Hãy xem lại “Tư cách mõ” của Nam Cao, chúng ta sẽ hiểu hơn rằng khi một người không được tôn trọng người đó cũng sẽ mất dần lòng tự trọng. Đó mới là ý nghĩa đầy đủ của chữ “đi đôi”, thưa các thầy các cô, là ý nghĩa mà ngày còn ngồi ở ghế phổ thông em không dám nói. Xin đừng trách em, vì em sợ điểm thấp… cũng như các thầy cô, em cũng là nạn nhân của bệnh thành tích mà.
Vâng, quay lại với vấn đề của chúng ta. Vị thế của “người thầy” trong xã hội ngày nay đã sụt giảm như nhiều, về tinh thần lẫn vật chất. Mà chúng ta lại cần một nguồn giáo viên rất lớn, thế có nghĩa là chúng ta không thể chỉ chọn những con người ưu tú nhất xuất sắc nhất của thời đại làm giáo viên được, họ có công việc khác (lương cao hơn, nhỉ)… và những người trực tiếp ăn phấn bán cháo phổi thì nhìn chung hiện nay chỉ đạt ở mức độ trung bình khá (không loại trừ một bộ phận xuất sắc, và cũng không loại trừ một bộ phận đã làm nên tiêu cực). Thế thì chúng ta phải hiểu đội ngũ giáo viên của chúng ta không phải là những ông thánh bà thánh để mà tự kỷ ám thị rằng họ sẽ luôn luôn giữ được tư cách nhà giáo để “hưởng ứng vận động”. Không, một số anh chị em trong ngành ta sẽ lại tiếp tục mắc sai lầm nếu chúng ta không có biện pháp giúp đỡ họ. Sức mạnh tinh thần cũng có một giới hạn nhất định. Người ta không thể chỉ sống mãi bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người ta còn cần cả cơm ăn áo mặc nữa chứ. Chừng nào chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề, thì vận động vẫn chỉ là vận động mồm.
Nhưng dù sao, trên tinh thần lạc quan cách mạng, chúng ta, những học sinh, những sinh viên, những nhà giáo hãy cùng nhau cố gắng xung kích hết sức mình để hưởng ứng tốt cuộc vận động 4 điều trong năm học 2007 – 2008.