I/ GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM:
Nguyễn Tuân là cây bút tiêu biểu cho nền văn xuôi lãng mạn thời kỳ phát triển cuối cùng trước Cách mạng tháng Tám. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những nhà văn hăng hái “lột xác” từ bỏ cái cũ để đến với cách mạng và quần chúng cách mạng. Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc gắn liền với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, những thú vui tao nhã của người xưa. Văn Nguyễn Tuân mang vẻ đẹp của sự tổng hòa văn hóa. Nàng văn của ông thật quảng giao đón du khách từ bốn phương trời kiến thức: lịch sử, địa lý, quân sự, võ thuật, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, âm nhạc … Những kiến thức liên nghành đa dạng ấy tạo bề dày uyên bác trong vốn tri thức của nhà văn, nâng cho đôi cánh tài hoa bay bỗng. Chính vì thế, văn của Nguyễn Tuân còn là sản phẩm của một trí tuệ mẫn tiệp, vốn văn hóa sâu rộng, lịch lãm, từng trải, thái độ nghiêm túc trong tìm tòi nghiên cứu.Trường hợp sông Đà là vậy. Phải là Nguyễn Tuân và có lẽ chỉ có Nguyễn Tuân mới không ngại nhọc công dò đến ngọn nguồn lạch sông, truy tìm tới tận nơi gốc tích khai sinh của sông Đà, biết chỗ phát nguyên của nó thuộc huyện Cảnh Đông, có thể kể tên vanh vách năm mươi trong số bảy mươi ba con thác dữ lớn nhỏ, nằm lô nhô suốt một dải sông từ Lai Châu đến chỗ biên giới Việt_Trung về đến chợ bờ. Trong kho từ vị Việt, ngôn ngữ mang bản tính nguyên thủy của 1 vật liệu tĩnh, lạnh, khá ổn định. Tài năng của người nghệ sĩ là biết vung cây gậy thần biến nó thành chất liệu động và nóng, phập phồng sự sống. Nổi trội trong các tài năng, văn Nguyễn Tuân là thứ ngôn từ nóng giẫy sự sống. Nhà văn độc đáo ấy luôn luôn độc đáo trong sự uyên bác, con người tài hoa, tài tình hiếm ai bì kịp ấy cũng đồng thời là con người luôn luôn có những hiểu biết khôn lường, khôn sánh về những gì được nói tới ở văn mình. Nguyễn Tuân còn là một bản ngã văn chương không hề giống với một ai, và cũng không thể có một ai mong bắt chước. Những điều đó đều được thể hiện rất rõ nét qua tập tùy bút “Sông Đà” mà tiêu biểu và đặc sắc nhất là tác phẩm “Người lái đò sông Đà”. Những trang viết trong “Người lái đò sông Đà” đẹp còn vì tác giả đã in cái bản ngã độc đáo ấy vào sông nước Đà giang, đã thêm cái vẻ đẹp rất chủ quan của tâm hồn và tưởng tượng vào cái vẻ đẹp rất khách quan của dòng sông, để dần dần làm cho dưới ngòi bút tuôn chảy một con sông Đà mang dấu ấn thật riêng của nhà văn, một con sông Đà đã được chinh phục và chi phối bởi thứ quyền năng riêng của người cầm bút mà Nguyễn Tuân vốn có nhiều hơn ai hết – quyền năng của ngôn từ.
II/ NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC TRONG TÁC PHẨM:
Nhan đề “Người lái đò sông Đà” ùa vào ta một liên tưởng kép: Nguyễn Tuân xưng tụng ông lái đò tài hoa trí dũng trên dòng sông thiên nhiên bạo liệt, còn ngôn ngữ Nguyễn Tuân lại hùa nhau xưng tụng tác giả của nó như một ông lái bậc thầy con thuyền chữ trên một dải sông văn không kém thác ghềnh. Nguyễn Tuân đã giới thiệu đến chúng ta hình ảnh đầy sinh động về sông núi miền Tây Bắc cũng như những con người Tây Bắc dũng cảm ngoan cường. Bài ca lao động và bài ca ngôn từ song hành trong một áng kí lạ. Chính Nguyễn Tuân đã hạ bút ngay từ khúc dạo đầu:
“Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu”
Dòng sông từng một thời là nỗi đau của một đất nước bị rách đôi đã là đề tài cảm hứng cho biết bao các tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng dù đã có bao người khắc, vẽ, và kể chuyện về sông Đà, làm thơ và ca hát với sông Đà thì có lẽ vẫn chưa ai vượt hơn được Nguyễn Tuân trong việc biến vùng sông nước ấy thành nghệ thuật, thành một gợi cảm mênh mang trong “Người lái đò sông Đà”. Câu đề từ của Nguyễn Tuân vừa thâu tóm lấy cái thần sông Đà, vừa tóm luôn cái thần chữ của mình. Một mặt “bắc lưu” là sư cưỡng lại “đông tẩu”, cái riêng độ đáo là sự cưỡng lại sức sói mòn của cái chung nhàm cũ. Mặt khác, “bắc lưu” chỉ tồn tại trước “đông tẩu”, cái riêng độc đáo chỉ tồn tại trước cái chung của nó đồng nghĩa với cái cao hơn sự khác lạ là cái sáng tạo. Sông Đà, con sông độc lạ thật thích hợp với một ngòi bút độc lạ. Nguyễn Tuân đã lay con sông vô tri thức dậy, tưới vào linh hồn nó, và ông khai sinh dòng sông nghệ thuật của minh bằng một cái tên đủ in luôn tính nết vào nó: “hung bạo và trữ tình”. Tính cách sông Đà là một hệ thống những phẩm chát đối chọi nhau nhu nước với lửa, và phải từ những nghịch lí nghịch âm ấy, con sông mới có đủ điều kiện phô bày hết vẻ phức tạp phong phú, đầy hấp dẫn của mình.
Nguy hiểm nhất là những cái hút nước “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, “không thuyền nào dám men lại gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngòai bờ vực”, “vô ý là bị những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống” … Cái thuyền bị con sông nuốt vào bụng, gợi cảm giác lạnh người:” thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khủynh sông dưới”. Người ta nói văn Nguyễn Tuân là thứ văn ham cảm giác mạnh, có lẽ vì thế mà cái hút nước hiểm nguy kia trở thánh một đam mê dưới ngòi bút của ông. Ông tiếp tục gây áp lực lên hệ thần kinh người đọc bằng cách bắt họ phải tự chiêm nghiệm cảm giác lạ lùng này: “Tôi rất sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn nào muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút sông Đà, – từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải. Thế rồi thu ảnh. Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược contre-plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây tòan bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem. Cái phim ảnh thu được trong lòng giếng xóay tít đáy, truyền lại cho người xem phim kí sự thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn.” Tiếp theo đó là những con thác-tâm điểm dữ dội của sông Đà:” tiếng thác nước nghe như là óan trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”, “rống lên như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Nguyễn Tuân đã lấy lửa tả cái vốn đối lập với nó la nước, lấy rừng để tả sông khiến ta có được cái nhìn tổng quan hơn và thú vị hơn về sự tương giao sức mạnh của các lực lượng tự nhiên. Những hòn đá như những khuôn mặt mà:” mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”. Thậm chí, đá như những chiến binh “bệ vệ oai phong lẫm liệt”, “một hòn đá ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải cưng tên tuổi trước khi giao chiến “. Những hòn đá bày “thạch trận trên sông”, đẩy con thuyền vào tình trạng nguy nan nhất. Nhà văn như một trinh sát tinh tường, đã vẽ lại cái sơ đồ “thạch trận” ấy của quân – tướng – đá Sông Đà: “đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền”,” đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông”, quyết tâm “phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng và thủy thủ ngay ở chân thác”. Người đọc như được tác giả đặt lên con thuyền đang vun vút, phang phang xuống thác để cảm thấy quanh minh nước thác hò reo bốn mặt và những hòn đá ngỗ ngược phía trước như nhất tề “nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”.
Cảm giác hình gắn với cảm giác âm nên ám ảnh của văn Nguyễn Tuân càng mạnh. Ở đây, người đọc lại hứng khởi nhận ra một đặc điểm khác của văn Nguyễn Tuân: những câu văn của ông thường liên kết trong một tính liên hòan giàu giá trị thẩm mỹ, có hả năng thôi miên người đọc trong một chuỗi dây chuyền liên tưởng ngỡ như vô tận. Để diễn tả một dòng sông dữ tợn và hung hãn như thế, Nguyễn Tuân đã sử dụng rất nhiều phép so sánh và nhân hóa: tiếng thác “rống” trở thành tiếng trâu mộng “lồng lộn”, tiếng rừng lửa “gầm thét”. Sức mạnh hoang dã của thiên nhiên qua miêu tả của Nguyễn Tuân như một trận động rừng, động đất hay núi lửa thời tiền sử. Sông Đà như lòai thủy quái với những nanh vuốt nơi mặt ghềnh, hút nước và thạch trận dữ hiểm, được nhà văn ví như “kẻ thù số một của con người”. Và đọng lại cuối cùng trong lòng người đọc là một sông Đà được nhìn như một hung thần, gây cảm giác hãi hùng về cuộc quyết đấu dữ dội giữa con người và thiên nhiên đã diễn ra nơi đây hằng bao thế kỷ. Bên cạnh một Đà giang hung bạo, Nguyễn Tuân còn cho ta thấy một sông Đà trữ tình, hiền hậu: “cái dây thừng ngoằn ngòeo” dưới chân người ngồi trên tàu bay nhìn xuống, “tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Rồi lại “như một cố nhân” trong nỗi niềm du khách, như “cái miếng sáng lóe lên” trong trò chiếu gương con trẻ, như một “bờ tiền sử”, như “một nỗi niềm cổ tích ngày xưa” … Những so sánh biến hóa không trùng lặp, luôn gây men bằng những đột ngột, người đọc sửng sốt vì những so sánh lạ lẫm, gây đứt quãng liên tưởng, để rồi thán phục nhận ra không thể so sánh hay hơn, đúng hơn, và cứ thế bị thôi miên vào mê hồn trận của hững so sánh ăm ắp tràn bờ …. Vẻ đẹp ngôn ngữ của Nguyễn Tuân không đơn thuần là thứ trời cho. Nhà văn phải lao động cật lực, trong đó có khổ công quan sát. Liệu đã mấy ai có đủ công phu quan sát những biến đổi tinh vi đến thế của sông Đà, với “mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô”, “mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”, giữa hai mùa ấy là cái “nắng tháng ba Đường thi”… Sông Đà giàu ám ảnh trở thành nỗi nhớ thật da diết của con người.
Con sông ấy là hình ảnh thiên nhiên mà Nguyễn Tuân đã từng muốn “trông nó thành ra diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một”, nhưng thiên nhiên ấy cũnng chính là kẻ tôn vinh số một giá trị của con người. Một sông Đà góc cạnh như thế ắt cần đến một đối tượng giao tiếp tương xứng cỡ ông lái đò. Người lái đò kia sẽ là ai nếu con tuyền của ông không phải vật lộn với “dòng thác hùm beo đang hồng hộ tế mạnh trên sông đá” ? Có thể người ấy sẽ mang một vẻ đẹp nào đó của ông ngư, ông chài, ông lái … nhưng sẽ không thể trở thành đối tượng của một khúc hùng ca. Trái lại, chính cái hùng vĩ của sông của thác, của sông nước Đà giang sẽ đưa con người dám đương đầu và chiến thắng thần đá thần sông lên hàng oai linh tối thượng. Người xưa vẫn coi “cưỡi con gió mạnh, đạp đầu sóng dữ” là biểu tượng cho một lý tưởng sống anh hùng. Và người lái đò ở đây đã sống cuộc sống mà phải “chiến đấu” hàng ngày trên “chiến trường” ghềnh thác của con sông dữ. Trong văn học có nhiều cách để gây ấn tượng với người đọc. Nguyễn Tuân muốn trình bày một người lái đò gắn bó máu thịt với dòng sông Đà, để con người ấy có thể kể về sông Đà như “kể về lòng bàn tay mình” vậy. Người lái đò trong tác phẩm là một người “đã thôi làm đò cũng đôi chục năm nay”, nhưng công việc ấy,cuộc sống ấy đã ăn sâu vào đời sống, vào tâm hồn, vào cung cách của ông. “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khùynh khùynh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng … nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”. Cái cuống lái ấy không hề “tưởng tượng” tí nào mà nó đã nhập vào đời sống của ông, trở thành một “điệu bộ” không thể thiếu được đối với suốt quãng đời còn lại của người lái đò. Sự gắn bó của người lái đò với nghề lái đò mật thiết đến mức, dù cái công việc “lái đò” thật đã ngưng nhưng cái hình thức của công việc ấy, cái tinh thần của công việc ấy vẫn tiếp tục “lái đò” trong đời sống của ông. Mặc dù tác giả miêu tả sự gắn bó của ông lão với dòng sông, với nghề lái đò hết sức độc đáo như vậy nhưng nếu không có những điểm nhấn khác, rất có thể người đọc sẽ nhầm ông lão lái đò này với bất kì ông lão lái đò nào khác trên những dòng sông khác. Nhưng đây là dòng sông Đà với người lái đò trên dòng sông hùng vĩ này. Thế cho nên, người lái đò có một đặc điểm rất độc đáo là khi lái đò ông chỉ muốn “cắm thuyền ở chợ Bờ”, nơi mà con sông Đà bắt đầu chảy êm ả, đoạn sông “hết ghềnh hết thác” là ông cũng hết hứng thú với công việc ngay vì “chạy thuyền trên khúc sông không có thác, nó dễ dại tay, dại chân và buồn ngủ”. Câu văn này có tính triết lý rất cao. Những khó khăn – ghềnh thác của cuộc sống càng làm cho con người lớn mạnh và chăm chỉ hơn. Sự êm ả, phẳng lặng đôi khi khiến con người ta nhụt chí và tự ru ngủ mình. Ông lái đò dường như luôn luôn đam mê đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy. Đó là một tính cách mạnh mẽ và anh hùng. Cái tính cách mạnnh mẽ ấy không phải ông, và hầu hết chúng ta, có được ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Tính cách ấy, ý chí ấy được hun đúc dần dần qua những khó khăn, vất vả của cuộc đời. Ông lái đò thể hiện sự hình thành “tính cách” của mình qua “trí nhớ ông được rèn luyện cao độ bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở. Sông Đà, đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thộc đến cả những cái chấm than chấm câu và những đọan xuống dòng”. Mặc dù là người rất tỉ mỉ khi dùng từ nhưng ở câu văn này, Nguyễn Tuân đã quá dễ dãi khi dùng hai từ “tất cả” đi gần liền nhau trong một câu văn mà không tạo thêm ấn tượng nào cả. Tuy nhiên, ở câu văn mô tả nghề lái đò tiếp sau, Nguyễn Tuân lại cho thấy khả năng dùng từ lão luyện của mình:” Làm cái nghề vận tải đường nước này thật là vất vả, người cứ dựng đứng lên mà luôn tay luôn chân luôn mắt luôn gân và luôn tim nữa”. Công việc đòi hỏi tòan bộ sức lực, tòan bộ ý chí, tòan bộ tình cảm mơ ước. Đó là đòi hỏi tất yếu không chỉ của nghề lái đò mà còn là sự đòi hỏi của bất cứ việc gì, để đạt được thành công, chúng ta cũng phải “luôn tay luôn chân luôn mắt luôn gân và luôn tim nữa”.
Cuộc sống của người lái đò sông Đà là một cuộc chiến đấu hằng ngày. Với ngừơi chiến sĩ trên chiến trường, giờ phút ác liệt nhất là lúc đánh gíap lá cà, lúc công đồn, hạ lô cốt đối phương. Với người lái đò Sông Đà, đó hính là lúc leo ghềnh, vượt thác. Miêu tả cuộc chiến đấu này, Nguyễn Tuân đã tung ra một đội quân ngôn ngữ thật hùng hậu, đa dạng, biến ảo thần kì với liên tục những phép tu từ vô cùng sinh động: so sánh ngầm, nhân hóa, cường điệu … Câu chữ tuôn chảy ào ạt, điệp điệp trùng trùng, gối lên nhau, nối theo nhau dâng lên cao, hạ xuống thấp, rồi lại lên cao, lên đến cao trào … Hình tượng dòng sông, ngọn thác, con người cứ nhấp nhô, sôi sục trong dòng chảy của văn chương, cứ dạt dào, ào ạt trong thanh âm của chữ nghĩa, như một dàn giao hưởng khổng lồ, như một dàn giao hưởng khổng lồ, như một bức tranh hòanh tráng. Nhà văn đã dụng tâm diễn tả cuộc chiến giữa ông lái đò với dòng sông theo hướng thọat đầu tưởng như hai bên không cân sức. Để tiếp ông khách không vừa này, sông Đà “bày thạch trận trên sông” với một thế trận bài bản theo kiểu binh pháp Tôn Tử: cửa tử, cửa sinh, đánh vu hồi, đánh du kích, đánh mai phục, đánh giáp lá cà … Quanh con người đơn độc, “mặt nước hò la vang dậy …, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo. Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt”, sóng thác còn “đánh đến miếng đòn độc hiểm nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò”, “đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm …” Vậy mà đối địch lại, ông đò có những gì ? Một chiếc thuyền mỏng mảnh, trên đó, con người thật nhỏ bé biết bao giữa luồng thác đang giận dữ, hai tay ghì níu lấy mái chèo, “hai chân vẫn kẹp chặt cuống lái”, “mặt méo bệch đi” do “cố nén vết thương”. Thế nhưng, ba lớp trùng vi của một “thạch trận” đầy cửa tử đã không ăn chết được một con thuyền đơn độc hết chỗ lùi. Các dũng tướng ngày xưa, nếu vào đúng cửa sinh và đánh thốc ra đúng cửa sinh là đối phương tan tành thế trận. Ông đò của Nguyễn Tuân cũng thế. Giữa cái thế giới của độc dữ và nham hiểm, thế giới đầy sức mạnh man dại và lập lờ cạm bẫy, con người vẫn đủ khả năng tìm thấy luồng sinh. Người lái đò của Nguyễn Tuân không có phép màu. Ông cũng không có được sức lực như Thủy Tinh. Với tư thế của kẻ đã nắm chắc “binh pháp của thần sông thần đá”, ông lái đò nhỏ bé sừng sưng hiện lên như một viên tướng trí dũng song tòan trước con thủy quái khổng lồ kia. Cái kinh nghiệm đò giang sông nước, lên xuống thác ghềnh, cái trí tuệ của người lao động đã khiến cho ông lái, dù trong tay vẫn có cây chèo, vẫn có thể phá thành vượt ải như một chiến tướng bách thắng trong sự nghiệp đấu tranh chống thiên nhiên. Để miêu tả cuộc giao tranh giữa người và thác dữ, Nguyễn Tuân đã vốc tới ngót 300 động từ để đủ sức ganh tài cùng cơn cuồng nộ Đà giang và trí lực ông lái phi thường. Tần số động từ đậm đặc nhất là ở trường đọan hỗn chiến giữa người và sông nước khiến người đọc nghẹt thở. Cơn cuồng phong động từ xô lên cùng cơn thịnh nộ sông Đà: “rống lên, nhổm cả dậy, vồ lấy, đánh khúyp, reo hò, thúc, đội, túm, lật ngửa, bóp chặt …”. Phía ông lái, động từ cũng hợp sức tạo nên thế cưỡi hổ tung hòanh: “nắm chặt, ghì cương, bám chắc, phóng nhanh, lái miết, đè sấn, chặt đôi, phóng thẳng, chọc thủng …”. Hai hệ thống động từ đối chọi, tương phản gay gắt, nhưng vẫn thấy nổi lên thế chủ động, lấn lướt của ông lái đò. Quả là một bức tranh chiến trận hào hùng, ngôn ngữ Nguyễn Tuân hả hê tụng ca con người trong cuộc quyết đấu với thiên nhiên để giành sự sống. Trong cuộc chiến gian nguy ấy, con người đã “không một chút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và thay đổi chiến thuật”. Nếu chỉ có ý chí kiê cường không thôi thì chưa đủ. Con người phải có tri thức, có kinh nghiệm để thấu hiểu những khó khăn ấy. Đối với ông lái đò, ông đã quá “thuộc” những ghềnh thác trên dòng ông hiểm trở này. Điều đó tạo cho ông niềm tin vượt qua được những thử thách ấy …” nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồn rồi, ông đò ghì chương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phónh nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”, rồi” đứa thi ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Sự điềm tĩnh, hành động dứt khóat mà ông lái đò vượt qua thế trận của thác nước và đá ngầm, chính là cái điềm tĩnh của một người có tri thức, có kinh nghiệm đứng trước khó khăn của cuộc đời.
;
Đối với người lái đò, hiểm nguy trên dòng sông cũng chính là một phần trong cuộc sống của ông. Khi vượt qua gian nguy, “sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, và tòan bàn tán về cá anh vũ, cá đầm xanh … Cũng chẳng thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua”. Nhà văn như muốn nghỉ ngơi sau chặng đường dài cùng nhân vật của mình đua trah tài trí với thiên nhiên hung dữ. Song qua giọng văn nhẹ nhàng, ta lại thấm thía thêm một vẻ đẹp của người lái đò. Đối với người lái thuyền, vượt qua ngọn thác không phải là điều gì quá đặc biệt, không phải là chiến thắng bởi vì “khi chưa vượt thác” ông đã “biết trước sẽ vượt qua nó an tòan”. Đó chính là tính cách đặc biệt của người lái đò. Ông có được niềm tin ấy vì ông – người lái đò “đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước sông Đà”.Và chính vì “cuộc sống của họ ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì la hồi hộp đáng nhớ …”. Cái phi thường đã trở thành bình thường. Phẩm chất chiến sĩ đã hòa quyện với phong thái tài tử, nghệ sĩ.
III/ KẾT LUẬN:
Đọc “Người lái đò sông Đà”, suy ngẫm về nhân vật ông đò, chúng ta nhớ đến nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” Nguyễn Tuân sáng tác trong giai đọan trước Cách mạng tháng Tám 1945, dù họ vẫn có nhiều nét riêng biệt. Họ xuất hiện trong hai thời kì khác nhau của lịch sử đất nước, song cả hai đều giống nhau ở chất nghệ sĩ, chất chiến sĩ, vẻ đẹp thăng hoa của con người trong vị trí xã hội, trong công việc cụ thể.
Có người đã nghĩ một cách khá lí thú rằng Nguyễn Tuân cũng giống như chính dòng Đà giang ấy, không muốn, không chịu để văn mình phải lụy thói thường mà sẵn sàng phiêu du theo những hướng chảy chưa ai từng trải qua để mong tìm ra niềm vui lạ. Cũng có thể nghĩ thêm rằng, về mặt nào đó, Nguyễn Tuân cũng giống với chính ông lái đò mà nhà văn đã quay phim, đã tạc khắc, đã thể hiện trong bản giao hưởng ngôn ngữ nên thơ và hòanh tráng của mình. Cũng như người lái đò nọ chăm chú miết mái chèo cho con thuyền vút theo thật đúng dòng tim của luồng sinh, nhà văn, giữa sự chống chéo ngổn ngang rắc rối của những dòng thác ngôn từ và ý tưởng, đăm đăm để cố tìm cho ra một “luồng sinh” cho nguồn cảm hứng tuyệt vời. Ngôn ngữ cũng có những mặt giống như thác đá lòng sông, lập lờ nhiều cửa tử để đánh lừa người viết. Có thể nói Nguyễn Tuân cũng đã bỏ ra một công phu xứng với công phu của ông đò mà ông miêu tả để chèo lái con đò văn cập bến bờ cái đẹp. Có thể coi Nguyễn Tuân là người đã nắm vững “binh pháp” của ngôn ngữ. Với một ý thức ngôn từ mới mẻ, hiện đại, Nguyễn Tuân đã truyền hồn cho chữ, chữ truyền hồn cho dòng sông, và dòng sông truyền cảm xúc cho người đọc. Nhưng tác giả “Người lái đò sông Đà” cũng không phải là con người duy mĩ. Ta trọng sự tinh tế của ông trong cảm thức về cái đẹp. Nhưng qua thiên tùy bút, ta hiểu rằng cái còn đáng trọng hơn nữa của ông vẫn là tình yêu thiết tha thiên nhiên đất nước, là sự tôn kính công sức lao động của con người.