1. Giải thích nội dung câu nói
– Câu nói nêu lên một hình ảnh, một sự quan sát khá tinh tế từ thực tế cuộc sống: Những người chỉ huy dàn nhạc, trong buổi biểu diễn, thường phải đứng quay lưng lại với đám đông khán giả để chỉ huy, phối hợp các nhạc công trình diễn một bản nhạc. Đứng quay lưng lại khán giá không phải hành động biểu thị sự coi thường khán giả mà ngược lại, cần được hiểu là một việc làm cần thiết để tập trung cao độ vào công việc của mình, thậm chí còn được xem là một sự hi sinh của người nhạc trưởng khi anh ta không được những người hâm mộ “nhớ mặt”.
– Từ đó, người đọc liên tưởng đến những con người tài năng, bản lĩnh, vượt trên những dư luận, đàm tiếu cũng như định kiến của đám đông để hoàn thành tốt công việc của mình, một con người kiên định, mạnh mẽ, dám chấp nhận hi sinh, thử thách. Đó cũng là những phẩm chất hết sức quan trọng để có được thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
2. Bình luận:
– Tại sao phải “quay lưng lại đám đông”?
Bởi lẽ dư luận, ý kiến của đám đông không phải bao giờ cũng chính xác (chân lí chưa chắc đã thuộc về số đông), nhất là dư luận, thị hiếu, tâm lí xã hội thường mang nhiều định kiến lạc hậu, sai lầm trước những hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống. Ý kiến của đám đông có thể là tiêu cực (làm suy giảm ý chí của người bị phê phán) hoặc tích cực (có thể dẫn đến sự ảo tưởng của người được ca ngợi). Nếu bị chi phối bởi dư luận của đám đông, người nghệ sĩ nói riêng, mỗi người chúng ta nói chung, sẽ khó có thể làm được những việc lớn lao, mới mẻ, đột phá. Để có được niềm tin và nghị lực đi đến cùng con đường mình chọn, nhiều lúc cần phải “quay lưng lại phía đám đông”.
– Cần những phẩm chất gì mới có thể “quay lưng lại đám đông”?
Để đứng trên dư luận, người đó cần phải có lòng dũng cảm, niềm tin mãnh liệt vào con đường, sự nghiệp mình đã chọn, ý chí vững vàng, kiên định, nghị lực bền bỉ không ngã lòng trước khó khăn, trước “búa rìu” dư luận.
– “Quay lưng” không có nghĩa là bất cần, không thèm để ý hay coi thường, khinh miệt đám đông mà ngược lại, cần phải tỉnh táo lắng nghe, chọn lọc những ý kiến giá trị, đúng đắn để tiếp thu, điều chỉnh.
3. Bài học nhận thức và hành động
– Có ý chí, quyết tâm, lòng kiên định và nghị lực trong cuộc sống, có bản lĩnh vững vàng trước những luồng dư luận khác nhau, kể cả tiêu cực lẫn tích cực.